Siêu công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé chạy đua về đích

(ĐTTCO) - Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng được đánh giá là siêu công trình thủy lợi lớn nhất ĐBSCL.

Việc dự án chạy đua với thời gian, vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 để hoàn thành trước tiến độ là thành tích đáng nể, mang lại lợi ích to lớn cho cả vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Cống Cái Bé vượt tiến độ 1 mùa khô

Bất chấp thời tiết mưa nắng thất thường ở miền sông nước gần cửa biển của tỉnh Kiên Giang, nhưng hàng trăm công nhân vẫn hối hả hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa cống Cái Lớn vào vận hành kịp thời gian dự kiến cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Ban điều hành dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cho biết: “Dự án khởi công tháng 10-2019, được người dân, chính quyền tỉnh Kiên Giang và các tỉnh lân cận hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện nhanh. Trong đó, cống Cái Bé thi công vượt tiến độ 5 tháng, bắt đầu vận hành từ đầu tháng 2-2021 (nhanh hơn 1 mùa khô theo tiến độ hợp đồng), nhằm kịp thời phòng chống hạn mặn, kiểm soát trên 20.000ha đất nông nghiệp, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm được chi phí đắp hơn 130 đập tạm…”.

Để có thể thi công trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng ngàn công nhân đã thực hiện nghiêm phòng chống dịch, lao động 3 tại chỗ suốt hàng năm ròng rã trên công trường. Nhiều kỹ sư, công nhân xa gia đình hàng tháng trời không được gặp người thân. Tất cả cùng đồng lòng quyết tâm hoàn thành sớm dự án thủy lợi quan trọng này.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá: “Việc đưa vào vận hành tạm thời cống Cái Bé sớm hơn một mùa khô đã góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, Kiên Giang đã không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông Cái Bé, nên đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng”.

Trong thời gian vận hành cống Cái Bé để kiểm soát mặn, các đơn vị liên quan đã phối hợp với địa phương vận hành linh hoạt âu thuyền Cái Bé, nhằm điều tiết giao thông thủy cho người dân qua lại và xử lý ô nhiễm nguồn nước, giải quyết tình hình ứ đọng lục bình phía thượng lưu cống hợp lý.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), dự kiến toàn bộ dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2021, vượt tiến độ chung gần 1 tháng. Việc thi công vượt tiến độ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, đi lại, vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị (trong đó có những loại máy móc, vật tư siêu trường, siêu trọng) khó khăn, là một thành tích lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân đầy tâm huyết trên công trình.

Sớm triển khai nhiều mô hình sinh kế

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Qua nhiều lần trao đổi, các địa phương hưởng lợi từ dự án Cái Lớn – Cái Bé đã thống nhất quan điểm phải phát huy tối đa lợi thế mà công trình mang lại”. 

Ông Dũng đánh giá, dự án Cái Lớn - Cái Bé hết sức quan trọng đối với địa phương và các tỉnh xung quanh. Dự án khi thực hiện xong sẽ góp phần khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, phát huy hiệu quả đồng bộ cho toàn khu vực đúng với mục tiêu đề ra. Đồng thời sẽ giảm bớt khó khăn, thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra.

“Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng hàng chục năm qua” - ông Dũng lưu ý. Để khai thác lợi thế từ dự án, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ các huyện khởi động những mô hình sinh kế.

Theo đó, các mô hình sinh kế thích ứng với nguồn nước được kiểm soát khi vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé được triển khai ở các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao với 26 mô hình sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu liên kết chuỗi với diện tích 950ha.

Đồng thời, thành lập và củng cố 20 hợp tác xã, với tổng kinh phí đầu tư 51 tỷ đồng, nhằm mục tiêu sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm. Riêng tại huyện Gò Quao thực hiện 4 mô hình sinh kế bền vững theo hướng an toàn sinh học, phù hợp điều kiện thực tế như, mô hình tôm - lúa; cây ăn trái; khóm - cau - dừa; khóm - tôm.

Tại Hậu Giang, các ngành chức năng cũng triển khai những mô hình sản xuất thích ứng nhằm hưởng lợi từ công trình cống Cái Lớn - Cái Bé, như trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản, tôm - lúa, lúa - rau màu, mô hình trồng mãng cầu…

“Mục tiêu là giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển sản xuất bền vững trong điều kiện mới khi công trình thủy lợi quan trọng này phát huy tác dụng” - ông Mai Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang bộc bạch.

Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện cho sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) ở vùng hưởng lợi, với diện tích tự nhiên lên tới 384.120 ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng); trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Sớm triển khai giai đoạn 2

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án Cái Lớn –-Cái Bé. Trong đó chú trọng giải pháp chuyển nước ngọt về vùng U Minh Thượng cho các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn mặn.

Các tin khác