Siêu dự án thép Quảng Liên: 8 năm quay về xuất phát

Sau 8 năm liên tục thay đổi công suất, thiết kế và điều chỉnh vốn đầu tư, tìm đối tác, siêu dự án thép Guang Lian (Quảng Liên) quay về vị trí cũ. Nguyên nhân, sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) rút lui, Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã đề nghị chỉ cho phép dự án tái khởi động ở công suất 5 triệu tấn phôi thép/năm theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp vào tháng 2-2008. Liệu vị trí cũ có là điểm dừng cuối cùng để dự án được triển khai hay lại tiếp tục treo để chiếm đất?

Sau 8 năm liên tục thay đổi công suất, thiết kế và điều chỉnh vốn đầu tư, tìm đối tác, siêu dự án thép Guang Lian (Quảng Liên) quay về vị trí cũ. Nguyên nhân, sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) rút lui, Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã đề nghị chỉ cho phép dự án tái khởi động ở công suất 5 triệu tấn phôi thép/năm theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp vào tháng 2-2008. Liệu vị trí cũ có là điểm dừng cuối cùng để dự án được triển khai hay lại tiếp tục treo để chiếm đất?

Gia hạn và thay đổi

8 năm sau kể từ ngày được khởi công xây dựng, mặt bằng dự án thép Quảng Liên (Đài Loan) tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vẫn lố nhố những cọc bê tông ly tâm với lõi sắt hoen gỉ, khu nhà hành chính hoang vắng với đàn bò ung dung gặm cỏ…

Những hứa hẹn ban đầu về siêu dự án thép đầu tiên tại miền Trung do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) với công suất 5 triệu tấn thép/năm, vốn đầu tư 539 triệu USD, thiết kế lò cao được xây dựng dự kiến trong 8 năm đã bay theo gió.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã giao UBND tỉnh bàn bạc kỹ về dự án, phải có ý kiến chính thức và yêu cầu nhà đầu tư có tiếp tục làm, làm được hay không. Không để dự án dây dưa kéo dài chiếm đất, thất thu ngân sách, doanh nghiệp kêu ca, người dân trong vùng dự án bị treo sản xuất và mưu sinh khiến đời sống khó khăn.

Ông Trần Văn Minh,
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Những gì còn lại là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ngập nước, đời sống người dân trong vùng dự án khó khăn. Hạ tầng giao thông huyết mạch trong KKT Dung Quất bị tắc nghẽn khi chủ đầu tư cho rào chắn những con đường, khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải nhân nhượng, bỏ kinh phí làm tuyến đường mới cho các phương tiện đi vòng vèo hơn 7km để xuống cảng Dung Quất nhập và xuất hàng.

Những tưởng với sự ưu ái này, dự án sẽ được triển khai nhanh chóng. Vậy nhưng, khởi công rồi để đó, 2 năm, 3 năm rồi 8 năm vẫn để đó. Lâu lâu, chủ đầu tư lại đưa ra một thông tin mới khiến lãnh đạo địa phương và người dân vùng dự án thấp thỏm hy vọng.

Không thể cứ nhấp nhổm mãi theo dự án, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng 2  năm trước khi làm việc với chủ đầu tư, đã yêu cầu dự án phải triển khai trong năm 2013 và chế tài bằng cách yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ, đặt cọc kinh phí để đầu tư dự án, nếu không sẽ bị thu hồi.

Trước tình thế ngặt nghèo ấy, chủ đầu tư đưa ra lý do dự án đang điều chỉnh quy mô, vốn đầu tư và đang làm việc với đối tác Nhật Bản, đồng thời xin gia hạn thời gian khởi công vào cuối năm 2013. Sốt ruột vì gần 400ha đất bị “giam cầm” trong hơn 6 năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lại hào phóng cho thêm thời gian để chủ đầu tư điều chỉnh, kêu gọi hợp tác.

Tiếp tục hứa và đòi ưu đãi

Không phải không có lý khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đồng ý và cùng với chủ đầu tư kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ để dự án được điều chỉnh và xin gia hạn thời gian triển khai, bởi tại thời điểm dự án tưởng chừng phá sản đã xuất hiện nhà đầu tư mới đầy tiềm năng: Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản.

Đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) đã ngỏ ý góp vốn cùng E-United của lãnh thổ Đài Loan (lúc này E-United đã hợp tác với Tycoons nâng mức đầu tư dự án lên 3,3 tỷ USD) để nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án với vốn đầu tư được nâng lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn phôi thép/năm với công nghệ lò cao hiện đại.

Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng BQL KKT Dung Quất, cho biết “Dù dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, được hưởng mức ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế, giá bán điện, nước... JFE vẫn đề nghị được thêm nhiều ưu đãi khác. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư áp dụng phương thức ứng trả trước một phần chi phí giải phóng mặt bằng, sẽ hoàn trả cho nhà đầu tư thông qua việc khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT”.

Để dọn đường cho dự án sớm triển khai, tỉnh Quảng Ngãi còn đề nghị các bộ, ngành liên quan cho phép nhà đầu tư được hưởng mức các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, JFE tiếp tục đề nghị Quảng Ngãi trình Chính phủ ưu đãi bổ sung 210ha đất, mặt nước để nâng tổng diện tích dự án lên hơn 700ha. Ngoài ra, JFE còn yêu cầu phải đảm bảo đủ nước công nghiệp cung cấp 200.000m3/ngày, kết nối mạng lưới điện quốc gia... Đồng thời xin lùi đến tháng 7-2014 khởi công, thay vì đã hứa trước lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tháng 7-2013.

Dự án thép Quảng Liên hiện vẫn chỉ là bãi đất trống với những cọc bê tông hoen gỉ. Ảnh: HÀ MINH

Dự án thép Quảng Liên hiện vẫn chỉ là bãi đất trống với những cọc bê tông hoen gỉ.
Ảnh: HÀ MINH

Không đồng ý với những đòi hỏi trên khi dự án đang dậm chân tại chỗ, Chính phủ đã bác nhiều đề nghị, chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm. Bất ngờ, đầu tháng 9 vừa qua, JFE có văn bản thông báo chính thức rút lui khỏi dự án với lý do giá thép trên thị trường thế giới giảm mạnh so với giai đoạn bắt đầu nghiên cứu; khả năng cạnh tranh với các dự án thép quy mô lớn đang triển khai trong khu vực. Mối tình giữa JFE và E-United tan vỡ, chủ đầu tư dự án thép Quảng Liên liền ra thông báo tiếp tục đầu tư dự án và đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi hôm 20-9.

Tại buổi làm việc, E-United vẫn bảo vệ dự án và cho biết có những điều chỉnh tại một số hạng mục, kèm lời hứa tháng 9-2015 sẽ khởi công xây dựng.

“Từ đây đến ngày dự kiến khởi công, Quảng Ngãi đã yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình kế hoạch tiến độ chi tiết triển khai dự án theo từng tháng, chứng minh và làm rõ khả năng thu xếp vốn, tiến độ” - ông Lê Văn Dũng nói. 

Các tin khác