Siêu thị đồng giá: Tiềm năng chưa khai thác

Các siêu thị đồng giá mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đang ngày càng lan rộng ở các thành phố lớn. Bán hàng đồng giá dễ thu hút người tiêu dùng mua sắm song hiện chỉ mới có các thương hiệu nước ngoài thành công trong lĩnh vực này.

Các siêu thị đồng giá mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đang ngày càng lan rộng ở các thành phố lớn. Bán hàng đồng giá dễ thu hút người tiêu dùng mua sắm song hiện chỉ mới có các thương hiệu nước ngoài thành công trong lĩnh vực này.

Mô hình hiện đại

Mô hình siêu thị đồng giá là một hình thức kinh doanh có mặt rất lâu ở các nước phát triển như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nhà kinh doanh mô hình này đã tạo được thương hiệu riêng trên thị trường toàn cầu.

Thí dụ, siêu thị Daiso của Nhật Bản ra đời từ năm 1972 và đến năm 2007 đã phát triển được hơn 2.500 cửa hàng lớn nhỏ khắp Nhật Bản và hơn 500 cửa hàng nhượng quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Việt Nam…

Đến năm 2012, thương hiệu này đã đạt số lượng 4.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại thị trường Hoa Kỳ, mô hình kinh doanh đồng giá cũng nở rộ với hàng loạt cửa hàng 1USD, tại Trung Quốc là các chuỗi cửa hàng giá 2 tệ, 5 tệ, 10 tệ. Đặc biệt, tại Italia các cửa hàng đồng giá 1EUR, 2EUR phát triển rất tốt, có mặt ở khắp nơi và doanh thu của các cửa hàng đều tăng từ 20-30%/tháng.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại siêu thị. 

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại siêu thị. 

Tại thị trường Việt Nam, siêu thị đồng giá chỉ mới xuất hiện từ năm 2008, khi các công ty trong nước nhượng quyền lại từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Song từ khi có mặt cho đến nay, siêu thị đồng giá bắt đầu nở rộ tại các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội.

Thương hiệu bán hàng đồng giá đầu tiên có mặt tại Việt Nam là Daiso do Công ty TNHH Trí Phúc nhượng quyền từ Tập đoàn Daiso. Theo đó, tập đoàn này đã chuyển giao toàn bộ về công nghệ quản lý, vận hành để phát triển chuỗi siêu thị đồng giá theo phong cách Nhật Bản 100% tại  Việt Nam.

Để đưa vào hoạt động, Trí Phúc đã đầu tư mở một siêu thị rộng 200m2 tại Trung tâm thương mại Nowzone với tổng vốn gần 5 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thùy Trang, Giám đốc điều hành Công ty Trí Phúc, sản phẩm được bán có xuất xứ từ Nhật hoặc được gia công ở nhiều nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc… và đều trải qua quy trình thẩm định chất lượng sản phẩm của Nhật Bản, được bán với giá 40.000 đồng/sản phẩm.

Daiso dự kiến sẽ hoàn thiện chuỗi hệ thống 20 siêu thị để khai thác tiềm năng của thị trường trong năm 2012.

Sau khi Daiso có mặt tại Việt Nam, Công ty TNHH Việt Hạ Chí cũng tiến hành nhượng quyền thương hiệu Hachi Hachi với khởi đầu là 3 cửa hàng đồng giá đầu tiêu tại TPHCM. Theo một đại diện của Công ty Việt Hạ Chí, kinh doanh đồng giá là một loại hình không mới, song ở Việt Nam vẫn chưa phát triển nhiều nên các DN còn nhiều cơ hội để khai thác.

Vẫn dò dẫm

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh đồng giá là một mô hình tốt và mang lại siêu lợi nhuận. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, những sản phẩm đồng giá rất được ưa chuộng. Bởi vì khi chỉ có một giá duy nhất cho tất cả các loại sản phẩm, khách hàng sẽ cảm thấy có thể chủ động tài chính, tiết kiệm thời gian, không cần phải so sánh giá và chú tâm hơn vào công dụng của từng sản phẩm để chọn được sản phẩm phù hợp nhất.

Người tiêu dùng đến các cửa hàng đồng giá thường bị thút hút vì các mặt hàng được bán đa số đều nhập khẩu, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả hợp với túi tiền. Do đó, dù kinh tế khó khăn nhưng các nhà kinh doanh đồng giá đều có cơ hội tăng doanh thu nhờ số lượng tiêu thụ ổn định.

Các nhà kinh doanh đồng giá còn hưởng được lợi nhuận cao vì  trong tổng lượng hàng được bán đồng giá, các sản phẩm bằng hoặc cao hơn mức giá chung chỉ chiếm khoảng 10-20%, còn lại 80-90% sản phẩm có giá thấp hơn giá bán. Khi bù qua sớt lại, siêu thị đồng giá vẫn được hưởng lợi nhuận rất cao.

Nhìn thấy được sự hấp dẫn từ bán hàng đồng giá, các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C khi kích cầu tiêu dùng cũng triển khai một số chương trình khuyến mại bán hàng đồng giá. Kết quả ghi nhận được là các chương trình bán hàng đồng giá luôn có doanh thu cao hơn so với các chương trình khuyến mại giảm giá thông thường.

Song, các siêu thị này cũng cho biết, để đưa ra chương trình bán hàng đồng giá, siêu thị cần được sự hỗ trợ, đồng thuận từ nhiều DN khác nhau nên thường khó triển khai hơn so với các chương trình khuyến mại giảm giá khác.

Trên thực tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng đồng giá tại Việt Nam đang làm cho thị trường bán lẻ thêm sôi động, và mang đến cho người tiêu dùng thêm nhiều cơ hội chọn lựa, mua sắm. Song, dù các thương hiệu nước ngoài kinh doanh thành công với loại hình này và đang mở rộng quy mô tại Việt Nam nhưng các DN trong nước khi dò dẫm đặt chân vào thị trường này lại nhanh chóng thất bại.

Đối với DN nội, kinh doanh đồng giá khó có thể thuận lợi vì chưa có kinh nghiệm vận động sự ủng hộ của các nhà cung cấp hàng hóa để ổn định giá. Hơn nữa, giá hàng hóa ở Việt Nam khá cao nên DN khó tính toán được tỷ lệ hàng hóa lời lỗ trong tổng lượng hàng hóa kinh doanh để bù đắp chi phí, tạo ra lợi nhuận.

Các tin khác