Slovenia - Síp kế tiếp?

Slovenia có thể là nước khu vực đồng EUR tiếp theo phải cần đến ứng cứu của nước ngoài, theo một báo cáo công bố hôm 9-4 của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).

Slovenia có thể là nước khu vực đồng EUR tiếp theo phải cần đến ứng cứu của nước ngoài, theo một báo cáo công bố hôm 9-4 của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).

Theo sau cuộc ứng cứu Síp đầy gai góc hồi tháng trước, nay đến lượt Slovenia, một nước có dân số khoảng 2 triệu người nằm ở biên giới Đông Bắc Italia, đang đối mặt với nhiều sức ép thị trường khi phải tìm kiếm nguồn ngân sách để cứu hệ thống tài chính trong nước.

Theo đánh giá được thực hiện vào năm ngoái, các ngân hàng Slovenia (chủ yếu là ngân hàng quốc doanh) đang gồng gánh khoản nợ xấu lên tới 7 tỷ EUR (9 tỷ USD), tương đương 1/5 GDP. OECD cũng cho rằng Slovenia đang có nguy cơ tụt lại phía sau trong cuộc đua bắt kịp mức sống của các nước phương Tây. Báo cáo dự báo kinh tế Slovenia sẽ co rút 2 năm liên tiếp, với mức giảm 2,1%.

OECD cho biết nợ công của Slovenia đã gia tăng hơn gấp đôi từ năm 2008 lên 47% GDP hiện nay và có thể tăng tới 100% GDP vào năm 2025 nếu không có cải tổ. Khoản phí tổn khổng lồ để ứng cứu các ngân hàng, áp lực lớn trong ngành xuất khẩu do cuộc khủng hoảng khu vực đồng EUR và sự gia tăng chi phí vay mượn sau vụ ứng cứu Síp, đã khiến Slovenia trở thành một trong những nước có triển vọng kinh tế tệ nhất trong các nước OECD.

Liệu tình cảnh hỗn loạn này có diễn ra với các ngân hàng Slovenia? (Trong ảnh: Người dân chờ rút tiền ở ngân hàng Laiki tại Nicosia, Síp).

Liệu tình cảnh hỗn loạn này có diễn ra với các ngân hàng Slovenia? (Trong ảnh:
Người dân chờ rút tiền ở ngân hàng Laiki tại Nicosia, Síp).

Slovenia là nước duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) chưa tư hữu hóa hầu hết các ngân hàng quốc doanh, dẫn đến tình trạng thị trường tài chính bị ảnh hưởng của chính trị, hoạt động cho vay gặp nhiều vấn đề và kết quả là toàn hệ thống ngân hàng đang đối mặt nguy cơ phá sản.

“Slovenia đang đối mặt một cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng, xuất phát từ những hoạt động mạo hiểm, quản lý yếu kém tại các ngân hàng quốc doanh và các công cụ quản lý thiếu hiệu quả”. Ước tính về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vào năm ngoái của chính phủ dựa trên những phương pháp thiếu chính xác và không minh bạch, vì vậy con số thật có thể tồi tệ hơn. “Nhu cầu vốn trong thực tế có thể cao hơn nhiều” - báo cáo viết.

OECD ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Slovenia về việc thành lập “ngân hàng xấu” để chuyển các khoản nợ xấu khỏi các ngân hàng quốc doanh, nhưng cho rằng việc thiếu minh bạch và khả năng can thiệp chính trị khiến kế hoạch tiềm ẩn rủi ro.

Quản trị doanh nghiệp yếu và phân bổ tín dụng sai có thể làm gia tăng tham nhũng. OECD đề nghị Chính phủ Slovenia thực hiện một cuộc kiểm tra sức ép mới trên các ngân hàng, với những phương pháp mạnh mẽ hơn, để xác định rõ ngân hàng nào tồn tại được, ngân hàng nào không, từ đó có những biện pháp chính xác hơn.

Slovenia nên cứu các ngân hàng còn có thể sống được bằng cách bán lại cho tư nhân, đồng thời những ngân hàng yếu kém nên để cho phá sản. Tuy nhiên, tổ chức có trụ sở ở Paris chỉ trích gay gắt kế hoạch của Chính phủ Slovenia về việc duy trì một tỷ lệ cổ phần thiểu số “không thay đổi” trong các ngân hàng, vì lo ngại sẽ nảy sinh can thiệp chính trị.

Phản ứng trước báo cáo của OECD, Slovenia tuyên bố sẽ tự giải quyết các vấn đề. “Những ai đang nghi ngờ khả năng của Slovenia, làm ơn xem lại những con số thực tế” - Thủ tướng Slovenia Alenka Bratusek nói.

Tuy nhiên, theo BMO Nesbitt Burns, thực tế ở Slovenia là “năng suất thấp, kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng”. Ngoài ra, còn có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về Slovenia. Chi phí vay mượn tăng đột biến trong cuộc đấu giá trái phiếu ngắn hạn hôm 9-4 đã khiến Slovenia chỉ bán được khoảng 55 triệu EUR, trong khi mục tiêu là 100 triệu EUR.

Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng không thể so sánh Slovenia với Síp, vì tài sản trong hệ thống ngân hàng Slovenia chỉ tương đương 1,5 lần GDP, trong khi ở Síp con số này là 8 lần.  

Các tin khác