Năm 2013 đánh dấu 25 năm trưởng thành và phát triển về mọi mặt của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC). Sản lượng thép được SMC tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh, từ 602.000 tấn của năm 2012 tăng lên hơn 717.000 tấn trong năm 2013, tương ứng tỷ lệ tăng 19%. Nhưng 2013 cũng là năm đầy biến động của SMC khi công ty báo lỗ gần 27 tỷ đồng trong quý II-2013, cũng là quý đầu tiên bị lỗ từ khi niêm yết. Lợi nhuận cả năm 2013 của SMC chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu này. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, cho biết:
Giá thép thế giới có diễn biến khá tích cực trong 4 tháng đầu năm 2013, nhưng đến tháng 5, 6 và 7 lại quay đầu giảm mạnh, khiến SMC bị lỗ trung bình 60USD/tấn. Nửa cuối năm 2013, công tác điều hành chịu áp lực khủng khiếp khi chúng tôi vừa phải xử lý những hệ quả từ những tháng thua lỗ, vừa phải tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường thép gặp rất nhiều thách thức. Trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo công ty và chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm.
Phóng viên: - Trong 3 năm gần đây, mỗi năm SMC đều đưa một nhà máy mới vào hoạt động. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến chi phí vận hành tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: - Hiện tại SMC có 4 nhà máy gia công-chế biến thép dẹt (thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội) tại Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và Hà Nội. Hệ thống nhà máy (coil center) đã gia công, tiêu thụ 250.000 tấn sản phẩm thép dẹt, mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng gần 35% tổng tiêu thụ nhưng lại đóng vai trò chủ lực trong việc tạo ra lợi nhuận và đa dạng hóa thị phần.
Cụm coil center đặt tại KCN Phú Mỹ I (Bà Rịa-Vũng Tàu) năm qua đã vận hành hết công suất, công nhân phải tăng ca để kịp đáp ứng các đơn hàng. Coil center đặt tại KCN Tân Tạo (TPHCM) do công ty thành viên là SMC Tân Tạo quản lý chỉ mất 9 tháng để đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động, đang nhanh chóng khẳng định vai trò của mình tại khu vực TPHCM và các tỉnh Tây Nam bộ. Chỉ riêng coil center tại Hà Nội chưa thể đẩy mạnh được sản lượng tiêu thụ do ngành ô tô, xe máy năm 2013 quá khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn đang thu hồi được dòng tiền khấu hao.
Ngày 29-3 tới đây, SMC sẽ tổ chức ĐHCĐ tại hội trường Công ty TNHH Thép SMC (Đường 1B, KCN Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tại đại hội, HĐQT sẽ đề ra các chỉ tiêu hoạt động cho năm 2014 như tổng sản lượng tiêu thụ 750.000 tấn, doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 12%/mệnh giá. |
Hiện nay SMC đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh thép tấm và thép lá lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, SMC cũng là một trong số ít công ty trong ngành thép có mức lãi suất tín dụng tốt và ưu đãi nhất, năm 2012 lãi suất vay trung bình của SMC vào khoảng 7%/năm, năm 2013 giảm xuống còn 6%/năm và năm nay dự kiến sẽ giảm về mức từ 5-5,5%/năm.
Vậy nên chi phí đầu tư nhà máy, vận hành hay lãi vay không phải là gánh nặng đối với chúng tôi, vấn đề nằm ở thị trường thép đã và đang còn rất nhiều thách thức.
- Những thách thức của ngành thép cụ thể là gì thưa ông?
- Năm qua, chúng tôi đã trúng thầu cung cấp thép cho 2 dự án lớn là Formosa (Hà Tĩnh) và Samsung (Thái Nguyên). Điều này khẳng định tên tuổi, năng lực cung cấp cũng như chất lượng dịch vụ của SMC với các khách hàng. Nhưng các mức giá chào bán cũng phải đi sát với giá thị trường. Trong khi thời gian qua cả giá thép lẫn sức mua đều giảm, dẫn đến lợi nhuận thu về không đáng kể.
Một yếu tố khác cũng cần nói đến là “sóng” của ngành thép trong khoảng vài năm tới đây sẽ ít hơn và biên độ cũng sẽ nhỏ hơn. Lý do là vì những dự án, nhà máy thép đã và đang xây dựng sẽ hoàn thành, gia tăng nguồn cung ra thị trường, chỉ cần giá nhích lên là lượng lớn hàng hóa sẽ được cung ứng, rất khó để tạo nên những đợt sóng mạnh. Như vậy, lợi nhuận của các công ty thép sẽ theo xu hướng ổn định hơn, muốn gia tăng phải mở rộng được thị phần.
Nhưng mặt khác, việc nguồn cung thép gia tăng trong khi nhu cầu tăng chậm hơn cũng sẽ buộc các công ty thép phải không ngừng nâng cấp cách thức sản xuất, bán hàng và phục vụ khách hàng. Trong một cuộc cạnh tranh gay gắt, chỉ những đơn vị nào có chiến lược, sức bền và hệ thống vận hành hiệu quả mới có thể tồn tại và nổi bật lên.
- Nói như vậy SMC đã có những bước đi trong năm 2014 để đảm bảo lợi thế cạnh tranh cũng như giữ vững thị phần của mình?
- Đầu năm 2014, tôi đã đề ra chủ trương tiết kiệm đối với 4 khối hoạt động của SMC bao gồm kinh doanh, gia công thép dẹt, tài chính kế toán và hành chính nhân sự. Nhưng tiết kiệm ở đây không phải là cắt giảm mà để các khối rà soát lại các chi phí hoạt động, hướng đến việc bảo toàn, hạn chế những thiệt hại không đáng có. Chẳng hạn một số đơn vị để có thể tiêu thụ được hàng hóa đã chào bán dưới giá, chấp nhận thua lỗ, nếu gặp những trường hợp này SMC sẽ không theo đến cùng để bảo toàn vốn.
Tiết kiệm cũng nhằm hướng đến mục tiêu tối ưu hóa năng suất lao động và các khoản chi phí để tạo ra lợi nhuận cho công ty.
Trong mảng thép xây dựng, chúng tôi phấn đấu giữ vững thị phần, chú trọng công tác quản lý rủi ro, nhất là vấn đề nợ xấu. Trong năm 2013, công tác này đã được thực hiện khá tốt. SMC đã tiến hành một số công tác như thu hồi tài sản để cấn trừ nợ, khởi kiện, giãn nợ, đảo nợ, từng bước kéo giảm số nợ đang cần xử lý, đến cuối năm đã giảm được khoảng 1/3 số nợ đọng.
Về mặt thị trường, SMC vẫn hướng đến các dự án FDI, nhất là các dự án lớn nhằm đảm bảo sản lượng và an toàn. Đối với các sản phẩm thép dẹt, ngoài việc đảm bảo đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ các đối tác là các nhà sản xuất lớn, SMC cũng tiến đến việc thử nghiệm để chế biến các sản phẩm chuyên sâu, chứa nhiều giá trị gia tăng.
Trước mắt, năm 2014 này bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ được thành lập để phục vụ mục tiêu này. Tại thị trường Campuchia, SMC là công ty có uy tín và sản lượng xuất khẩu lớn với gần 68.000 tấn trong năm 2013, trong đó chủ yếu là thép dây (wire-rod) và thép cán nóng. Năm nay, SMC sẽ đưa sản lượng xuất khẩu phải đạt tối thiểu 10% tổng lượng tiêu thụ, giữ vững thị trường cũ và mở rộng từng bước thị trường mới.
![]() |
Với việc đưa vào vận hành nhà máy coil center thép cán nóng SMC Tân Tạo, |
- Ông nghĩ thế nào khi biến động giá cũng như thanh khoản của CP SMC trên TTCK thấp hơn so với các CP thép khác?
- SMC là công ty thép đầu tiên niêm yết CP (năm 2006) trên TTCK, chúng tôi xác định việc niêm yết là một quá trình dài hạn. Chúng tôi luôn nỗ lực làm hài lòng các cổ đông thông qua việc xây dựng doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Từ khi niêm yết, SMC luôn duy trì tỷ lệ chia cổ tức ổn định bên cạnh việc không ngừng nâng cao công tác minh bạch thông tin. Theo tôi đó là những gì tốt nhất doanh nghiệp đem lại cho các cổ đông. Năng lực của SMC hay giá trị của CP SMC sẽ được khẳng định rõ nét trong dài hạn.
- Xin cảm ơn ông.