Tại Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM) chào đón Tết Canh Tý 2020 du khách có cơ hội tham gia hội sách với chủ đề “Xuân đất Việt - Tết an nhiên” do Nhà sách Phương Nam tổ chức, kéo dài từ nay cho đến hết ngày 30-1 (mùng 6 Tết). Lấy cảm hứng từ tết cổ truyền, hội sách sẽ đưa khách đi ngược dòng thời gian, trở về một thời vẫn còn ông đồ già tỉ mẩn viết chữ Nôm trên tấm giấy đỏ, những lời bói toán cầu duyên giản dị giữa đôi lứa. Hội sách còn trưng bày nhiều tác phẩm hiện đại - truyền thống xoay quanh chủ đề Tết Việt, từ truyện cổ tích đến những cuốn sách hướng dẫn làm món ăn ngày tết, dọn dẹp nhà cửa hiệu quả, những câu chuyện du ký ngày xuân.
Bên cạnh đó, với những “tín đồ” của sách, khi tham gia hội sách có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm sách ảnh, sách tranh, hay bút ký viết về Sài Gòn - TPHCM, vừa được xuất bản để phục vụ độc giả trong dịp Tết Canh Tý như: bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, Sài Gòn - Phong vị báo xuân xưa, Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa của nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, hay tác phẩm Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Tranh và ký họa) của họa sĩ Phạm Công Tâm.
Các điểm vui chơi tại TPHCM cũng đã sẵn sàng. Thảo Cầm Viên Sài Gòn tổ chức chương trình ca nhạc - xiếc - ảo thuật đặc biệt tại sân khấu lớn; tham quan khu di tích lịch sử Quán Nhan Hương; mở cửa vườn bướm và vườn hồng hạc. Trong khi đó, Khu du lịch Suối Tiên với chuỗi hoạt động nghệ thuật đặc sắc qua hàng chục công trình 3D độc đáo. Công viên Văn hóa Đầm Sen cũng sẽ có các hoạt động như ông đồ cho chữ, hô bài chòi, giới thiệu những sản vật địa phương Nam bộ, biểu diễn âm nhạc ngoài trời, các chương trình ca nhạc - hài kịch dành cho người lớn và con trẻ.
* Tại không gian phố cổ Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm, sẽ diễn một loạt các hoạt động văn hóa nhằm tái hiện không gian tết Việt. Nghi lễ quan trọng nhất của sự kiện, sẽ là lễ dựng nêu tại vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm, trước cổng đền Ngọc Sơn; cùng với đó là các hoạt động diễn xướng dân gian như: Múa sư tử - nghê thời Lý; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền. Tại không gian Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) sẽ diễn ra lễ dâng Thành Hoàng, hát cửa đình - hát thờ Thành Hoàng; trưng bày tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ.
Các nghi lễ gói, luộc bánh chưng, nghi lễ cúng tất niên của gia đình Hà Nội được thực hiện tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Du khách sẽ được cảm nhận không gian tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản tết của Hà thành, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật dân gian Hàng Trống, xin chữ...
Các trung tâm văn hóa trên địa bàn Hà Nội từ ngày 18-1 đến 5-2, tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Hội chữ Xuân Canh Tý 2020. Với chủ đề “Thành Đức”, hội chữ thu hút 52 ông đồ viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ. Hội chữ còn có không gian tôn vinh, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống; không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn...; thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm các trò chơi truyền thống.