Lối truyền thông kiểu “phát xít”
Tin đồn luôn là một phần tất yếu của thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Hàng trăm năm tồn tại của TTCK cũng gắn liền với tin đồn. Thậm chí trên thế giới, những tờ báo tài chính có tiếng tăm như Nhật báo Phố Wall hay Bussiness Insider... cũng phải mở những chuyên mục “Stock Rumors”, “Rumors News”, hay “Heard on Street”.
Dĩ nhiên tin đồn trong nhiều trường hợp cũng là sự thật, nhưng cho đến khi được xác nhận, đó vẫn chỉ là những gì được truyền tai. Điều quan trọng là các nhà đầu tư (NĐT) đều phải xác định ngay từ đầu, rằng đó là một tin đồn và tự mình chịu trách nhiệm cho các quyết định dựa trên tin đồn. Đó là những gì mà hàng trăm năm phát triển TTCK đã tôi luyện cho các NĐT chuyên nghiệp một bản lĩnh xử lý thông tin.
Đối với thị trường Việt Nam, dạng thông tin đồn thổi gần đây lại liên quan đến hành xử của cơ quan quản lý nhà nước và những tin đồn như vậy tự nó cố gắng tạo một vỏ bọc đáng tin cậy cho thông tin. Những tin đồn này có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều những tin đồn “vi mô”, chẳng hạn liên quan đến các cá nhân hay hoạt động của một doanh nghiệp niêm yết đơn lẻ.
Bất cứ ai am hiểu nghệ thuật truyền thông đều biết rằng, “một nửa sự thật không bao giờ là sự thật”. Các tin đồn thường dựa trên một phần của sự thật, vốn dĩ có thể kiểm chứng được. “Nửa sự thật” đó tự tạo ra độ tin cậy cho “nửa phi sự thật” còn lại. Lấy thí dụ một công văn yêu cầu thanh kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản mới đây, ngay lập tức “kích động” hàng loạt tin đồn về những cái tên doanh nghiệp “trong tầm ngắm”. Thậm chí trắng trợn hơn còn có những tin bắn đi nhiều hội nhóm kín về việc “anh em nhà X thức trắng đêm để ký tá”, “sau anh Q sẽ là anh T”... và kết quả là cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc không phanh. Hoặc như việc thanh kiểm tra tại doanh nghiệp về một vấn đề bình thường khác được gắn với chủ đề trái phiếu bất động sản theo hướng cố tình suy diễn để định hướng người tiếp nhận.
TTCK tuần qua chứng kiến sự sụt giảm liên tục gây thiệt hại lớn cho các NĐT cổ phiếu bất động sản, ngân hàng cũng là do tràn lan các thông tin đồn thổi như vậy. Chưa bao giờ, thậm chí là cả thời điểm kiểm tra hoạt động cấp bù lãi suất năm 2010, TTCK lại xuất hiện một phong trào “săn phù thủy” rầm rộ như vậy: Đó là cuộc tìm kiếm, điểm danh những doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản nhiều, những ngân hàng cho vay bất động sản lớn hoặc có hoạt động liên quan đến trái phiếu bất động sản. Thậm chí xuất hiện cả các ý kiến bình luận, phân tích của các cá nhân có uy tín đánh giá tiêu cực về lĩnh vực này, như thể cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu bất động sản nói riêng là một cục nợ đầy rủi ro và sẽ phát nổ.
Những thông tin như vậy đầy rẫy trên các diễn đàn chứng khoán, được lan truyền qua các hội nhóm kín, room phím hàng. Khi có quá nhiều người nghe được rồi nói lại cho nhau thì lối truyền thông kiểu “phát xít” sẽ phát huy hiệu quả, vì tự những người này sẽ thuyết phục lẫn nhau.
Doanh nghiệp cần coi trọng quan hệ với NĐT
Doanh nghiệp cần coi trọng quan hệ với NĐT
Nếu NĐT hiểu rằng tin đồn là một phần của “cuộc chơi” trên TTCK, thì tự mình cần phải phát triển một bộ lọc thông tin đủ trình độ. Đáng tiếc là thị trường gần đây bùng nổ quá nhiều NĐT mới đầy lòng tham với chiến lược chỉ săn tìm “3 chữ cái”, đầu tư, đầu cơ nhờ trí tuệ hoặc thông tin của người khác. Khi sự thanh lọc và nâng cấp trình độ chưa hoàn tất cho số đông, thì những tin đồn từ “cá nhân có uy tín” sẽ càng tạo nên sự hỗn loạn trong phản ứng trên thị trường.
Giữa cơn bão tin đồn thất thiệt, doanh nghiệp niêm yết cũng là một chủ thể đóng vai trò quyết định để tạo luồng thông tin chính thống và chuẩn xác. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn coi nhẹ nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ tin cậy với NĐT và cổ đông. Những số điện thoại đường dây nóng của bộ phận IR (Investor Relations – Bộ phận quan hệ NĐT) luôn trong chế độ “tò tí te”, hay những hộp thư không bao giờ được kiểm tra và phản hồi, chính là đang tạo điều kiện cho tin đồn phát tán. Sự yếu kém non nớt trong việc xử lý khủng hoảng thông tin thậm chí còn góp phần củng cố cả tin đồn. Một trường hợp mới đây doanh nghiệp hốt hoảng trước tin đồn thâu tóm, thay vì bình tĩnh công bố thông tin cần thiết thì lại vội vã đề nghị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra giao dịch và nếu cần thì ngừng giao dịch cổ phiếu, hủy bỏ kết quả giao dịch... Để rồi kết quả lại là chẳng có giao dịch thâu tóm nào trong phiên hôm đó cả.
Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã phát đi thông báo cảnh tỉnh NĐT mới về các hội nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo để lôi kéo xúi giục NĐT mua bán chứng khoán. Khả năng của cơ quan quản lý thị trường chỉ đến thế, không thể hơn, để rồi vài tháng sau đó rầm rộ các “tút” nạn nhân lên tiếng bóc phốt về lừa đảo của các chủ room phím hàng. Những vi phạm pháp luật về tung tin không chính xác cũng sẽ bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên các hành động giám sát hay xử phạt luôn đi sau một bước so với thực tiễn, và dù hành động mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ không ngăn cản hết được vấn nạn này. Vì vậy các chủ thể trực tiếp liên quan là doanh nghiệp, NĐT trước hết phải tự bảo vệ mình.
TTCK tuần qua chứng kiến sự sụt giảm liên tục gây thiệt hại lớn cho các NĐT cổ phiếu bất động sản, ngân hàng là do tràn lan các thông tin đồn thổi. |