Sóng TTP

Mặc dù Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán để tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), nhưng nhiều mã CP, đặc biệt là nhóm CP dệt may đã tăng mạnh với sự kỳ vọng về thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đua giá theo sóng TTP vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Mặc dù Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán để tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), nhưng nhiều mã CP, đặc biệt là nhóm CP dệt may đã tăng mạnh với sự kỳ vọng về thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đua giá theo sóng TTP vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Kỳ vọng

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Việt Nam gia nhập TTP thì các doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi mức thuế xuất khẩu của 90% mặt hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ sẽ được đưa về mức 0%, trong khi mức thuế trung bình hiện tại là 17%. Để được ưu đãi về thuế, phía Hoa Kỳ yêu cầu sản phẩm dệt may của Việt Nam phải được sản xuất “từ sợi trở đi” tại các nước TPP.

Với điều kiện này, CTCP Dệt may-Thương mại-Đầu tư Thành Công (TCM) sẽ là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may thỏa mãn yêu cầu. Thậm chí, nhiều NĐT còn kỳ vọng TCM sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 25% sau khi TPP chính thức áp dụng. Chính từ thực tế này, mã TCM được xếp vào nhóm mã CP dẫn đầu đợt sóng TTP hiện nay.

Từ mức giá chưa đầy 7.000 đồng/CP thời điểm giữa tháng 4-2013, TCM đã liên tục tăng giá và đạt mức đỉnh 18.700 đồng/CP trong các phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (tương đương mức tăng hơn 150%). Thanh khoản của TCM cũng tăng mạnh trong sự kỳ vọng của NĐT với khối lượng khớp lệnh trong nhiều phiên giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Kỳ vọng về TTP còn góp phần tạo sóng cho các doanh nghiệp dệt may khác như: CTCP Sản xuất - Thương mại - May Sài Gòn (GMC) hiện giao dịch ở mức 28.000 đồng/CP, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) hiện giao dịch ở mức 11.000 đồng/CP. Thậm chí, một trong những doanh nghiệp có “truyền thống” thua lỗ là CTCP Mirea (KMR) cũng “góp mặt” trong đợt sóng TTP lần này với mức tăng tương đối lớn.

Từ mức giá 2.500 đồng/CP thời điểm nửa cuối tháng 9, mã này đã có hơn chục phiên tăng trần và thiết lập đỉnh 4.400 đồng/CP trong các phiên giao dịch ngày 16-10, tăng hơn 75% chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Thận trọng

Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Sản phẩm dệt may được xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản (cũng là thành viên TTP) lần lượt là 55%, 18% và 12%. Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Do đó, nếu TTP được ký kết, Việt Nam sẽ giành được thị phần đáng kể từ Trung Quốc (không phải thành viên TTP).

Có thể nói, việc KMR tham gia sóng TTP khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi KMR là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm như: bông, tấm bông, vải kỹ thuật, nguyên phụ liệu ngành may mặc và các sản phẩm có liên quan khác. Hoạt động xuất khẩu đáng chú ý nhất của KMR chỉ là hợp đồng cung cấp nguyên liệu sản xuất các loại quân trang cho quân đội Hàn Quốc.

Theo thống kê, mỗi năm KMR cung cấp khoảng 70% nguồn nguyên liệu cho toàn thị trường này. Như vậy, lý do để KMR tăng đột biến đến từ thông tin doanh nghiệp này ký được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với giá trị 2 triệu USD. Cũng chính vì lý do quá đơn giản nên KMR đã bất ngờ quay đầu giảm giá từ cuối tuần trước trong sự ngỡ ngàng của những NĐT trót mua giá cao.

Với trường hợp của TCM, theo các chuyên gia, nếu các cam kết được hoàn tất hoặc ít nhất một phần thỏa thuận đạt được trong năm nay, các thỏa thuận này cũng chỉ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015. Do vậy, triển vọng của TCM nếu có cũng chỉ đến trong dài hạn.

Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp này là dây chuyền sản xuất khép kín từ việc nhập bông, sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm cho đến công đoạn may và xuất khẩu. Để đón đầu cơ hội từ TTP, lãnh đạo TCM chủ động đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất ở các khâu hoàn thiện sản phẩm như: đan, nhuộm và may. Hiện TCM đang tìm mua lại một cơ sở may trong nước có quy mô từ 1.000-2.000 công nhân với vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD.

Một yếu tố NĐT cần biết khi đầu tư vào TCM là các rủi ro trong kinh doanh. Bởi lẽ, lợi nhuận của TCM hiện đang phụ thuộc nhiều vào giá bông nguyên liệu nhập khẩu. Mặc dù giá bông đã giảm 50% trong năm 2012 nhưng TCM vẫn ghi nhận khoản lỗ 20 tỷ đồng từ việc mua bông giá cao theo hợp đồng tương lai trong năm 2011. Đặc biệt, TCM còn là doanh nghiệp mạnh tay đầu tư ngoài ngành.

Hầu như những ngành tăng nóng đều có sự tham gia của TMC, từ y tế, du lịch cho đến chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, khoản đầu tư hiệu quả nhất TCM chỉ có lĩnh vực y tế với khoản đầu tư gần 14 tỷ đồng vào Trung tâm Y khoa Thành Công.

Các tin khác