Thử thách để thay đổi
Một thanh niên là Byron Roman (tiểu bang Arizona, Mỹ) đăng tải trên trang cá nhân vào ngày 5-3-2019 bức ảnh trước và sau khi dọn dẹp hết đống rác ngổn ngang, đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng mạng trên toàn thế giới với hơn 310.000 lượt chia sẻ chỉ sau một tuần. Điều này thực sự tạo ra một trào lưu mới trên toàn thế giới, đó là “Challenge For Change” (tạm dịch “Thách thức để thay đổi”) và nó bắt đầu và lan tỏa ra nhiều quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ… Mạng xã hội liên tục cập nhật những hình ảnh trước và sau khi dọn rác cùng hashtag #Challenge For Change (hashtag là thẻ dữ liệu sử dụng trên mạng xã hội, giúp người sử dụng dễ tìm thấy thông tin có cùng chủ đề).
Ở Việt Nam, trào lưu đã trở thành một hot trend (xu thế hiện tại) được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Hình ảnh trước và sau khi dọn rác được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội, trải dài khắp các tỉnh thành: Đà Nẵng, Vinh, Bình Phước, TPHCM, Hà Nội, Đà Lạt, Hạ Long…
Nhóm bạn dọn dẹp tại khu vực bãi Đá Đen (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng)
Cười trừ trước câu hỏi: “Ủa không đi làm hả?” của nhiều người, nhóm bạn trẻ vẫn hăng hái đi dọn rác tại khu vực bãi Đá Đen (bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng) để trả lại nét hoang sơ vốn có ở khu vực. Nhóm 8 bạn trẻ, sau 4 giờ dọn dẹp, chinh phục những mỏm đá dốc, tìm sâu trong những hốc đá và lôi ra 30 bao rác lớn nhỏ. Số rác được các bạn dùng xe máy chở ra điểm tập kết. Anh Thành An (28 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) kể: “Rác thải ở đây chủ yếu là do sóng biển xô tạt vào và một số khách du lịch thiếu ý thức bỏ lại. Tụi mình 8 đứa chơi chung, thấy khu vực này đẹp nhưng dơ quá nên quyết tâm dọn, chỉ hy vọng mọi người biết được sẽ ý thức hơn”.
Qua mạng xã hội, sau khi chia sẻ những hình ảnh trước và sau khi dọn dẹp ở khu vực bãi Đá Đen, bài viết của Thành An thu hút gần 2.000 lượt yêu thích và 500 lượt chia sẻ. Nhiều tài khoản xã hội bày tỏ ý kiến ủng hộ, tài khoản D.B bình luận: “Hoan hô tinh thần vì môi trường, vì cộng đồng của những con người đáng yêu”; tài khoản T.N viết: “Thanh niên bây giờ ra đường gặp người khác thấy ngứa mắt muốn gây sự thì nhiều. Chứ thấy rác mà ngứa mắt như bọn em ít lắm. Cảm ơn cuộc đời. Cảm ơn các bạn trẻ”; tài khoản H.N: “Em tham gia với ạ. Em nữ 97 có tập gym nên cũng gọi là trẻ khỏe ạ”…
Với mong muốn mọi người đừng xem đó là một phong trào mà xem như một thói quen, nhóm tiếp tục dọn ở những khu vực khác trên bán đảo Sơn Trà và kêu gọi trên mạng xã hội, để nhiều người cùng tham gia.
Anh Hoàng Thám (24 tuổi, ngụ TPHCM) biết thông tin về một dòng kênh rác trên mạng và đã cùng nhóm bạn về Bình Phước tham gia thử thách dọn rác tại kênh Lộc Ninh. “Nhóm tụi mình nhặt rác ở kênh, sau đó được nhiều người dân trong xóm đồng lòng ủng hộ, cùng chung tay dọn dẹp con kênh, một số tuyến đường gần đó và cả khu chợ được sạch sẽ”, anh Thám kể lại. Sau một tuần lễ dọn dẹp, dòng kênh dài hơn 2km đã hồi sinh, dòng chảy được khai thông, không còn rác trôi nổi. Để duy trì kết quả, anh Thám cùng nhóm bạn còn lập thêm thanh chắn ngang dòng kênh để ngăn rác thải chảy từ đầu nguồn xuống. “Qua trào lưu này, mình hy vọng sẽ thức tỉnh được mọi người trong việc giữ gìn môi trường tự nhiên và hy vọng mọi việc sẽ được duy trì”, anh Thám chia sẻ thêm.
Scuba Project, với một đoạn phim ngắn ghi lại quá trình dọn rác tại một bãi biển ở Nha Trang đã trở thành một trong những nhóm mở đầu phong trào này tại Việt Nam và hiện vẫn đang có những hoạt động giúp phong trào phát triển mạnh mẽ hơn. Harrie Yelrek - thành viên của Scuba Project, chia sẻ: “Tôi nghĩ có 3 cách khiến người trẻ ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đó là giáo dục, hành động và du lịch. Hãy cho người trẻ hiểu nhưng khái niệm về thiên nhiên, hệ sinh thái, rác thải, sinh vật sống và bảo vệ môi trường. Cần nhận thức được môi trường chính là nơi ta sống, những nơi ta đến không phải những cánh rừng, vùng biển xa xôi, sống xanh chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Cách thứ hai, cũng chính là hoạt động nhóm và rất nhiều bạn trẻ đang thực hiện thông qua #ChallengeForChange. Chỉ khi chúng ta có hành động cụ thể và khi thấy được kết quả tích cực thì sẽ tạo động lực tiếp tục và lan tỏa thêm nhiều người. Và với cách thứ ba, thông qua những chuyến du lịch trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tư tưởng, nhiều môi trường, sau đó tự so sánh và bắt đầu hành động vì môi trường”.
Không chỉ là xu hướng
Cái nắng chang chang của những ngày cuối mùa khô khiến không khí trong chợ Đo Đạc (quận 2) thêm phần bí bách, ai cũng muốn mua nhanh, bán chóng để về nhà. Thi thoảng trong những tiếng mặc cả, trả giá ồn ào đặc trưng của chợ, vẫn nghe rõ mồn một lời trách móc của những khách hàng: “Bán cả quầy rau mà sao cái bịch mới không có hả trời? 10.000 đồng mua được cả trăm cái túi mà cũng tiếc”; “Thêm cái bịch đi, bịch gì mà mỏng tang, kiểu này về tới nhà thì…”. Giữa những ồn ào ấy, chị Đậu Mai (ngụ tại phường An Phú, quận 2) xách theo chiếc làn xinh xắn đi chợ thu hút sự chú ý của nhiều người. Dừng lại tại một cửa hàng bán cá, chị Mai lấy trong làn ra một chiếc hộp đưa cho người bán: “Dì xắt cá thành lát rồi bỏ hộp giúp con, khỏi lấy túi ni lông nhen, bớt được túi nào thì môi trường sạch tí đó”. Nhiều ánh mắt tò mò đổ dồn về chị. Người ta tò mò cũng phải thôi, người ta đã quen mỗi cọng hành cũng phải có một túi, túi này bọc ngoài túi kia mới an tâm.
"Mình không muốn hoạt động mang lợi ích cộng đồng trở thành lợi ích cá nhân, thương mại nên từ chối tất cả các lời đề nghị tài trợ ngay từ đầu. Cả nhóm dọn dẹp cũng vì muốn giữ gìn những nét đẹp hoang sơ của bãi biển, mình tin thay đổi ý thức từ mỗi người sẽ tác động tới ý thức của số đông"-Anh Thành An (thành viên nhóm dọn rác tại bán đảo Sơn Trà) |
Không phải đợi đến khi phong trào bảo vệ môi trường lan tỏa như hiện nay chị Mai mới xách làn đi chợ, mà từ nhiều năm nay, việc không xả rác đã trở thành thói quen của vợ chồng chị. Chị Mai tâm sự: “Nhiều người biết xả rác là phá hủy môi trường sống nhưng họ không hành động, đôi khi còn biện minh rằng, mình không xả thì người khác cũng xả, đằng nào môi trường cũng đã xấu xí rồi… Bởi vậy, tôi muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới nhiều người, họ nhìn một lần, hai lần rồi sẽ thấy hứng thú và làm theo”.
Mà không chỉ có giới trẻ đang “sốt” với trào lưu dọn rác, giới nội chợ, chị em văn phòng cũng đã có nhiều ý tưởng bảo vệ môi trường ngay từ những hành động rất nhỏ. “Chị em có biết chúng ta sử dụng mặt nạ dưỡng da cũng thải ra môi trường bịch ni lông khó phân hủy. Hãy làm đẹp bằng các sản phẩm bột, hạt từ thiên nhiên nhé”; “Mình tự trang bị túi dễ phân hủy để đi chợ, thay bằng trông chờ sự thay đổi từ người khác thì mỗi chúng ta hãy hành động đi”; “Ai biết cách làm túi rác bằng giấy thì chỉ giúp em nha”… những dòng trạng thái ấy xuất hiện ngày càng nhiều trên trang Facebook “Ý tưởng tái chế - Tái sử dụng”. Ở phía dưới, mọi người bày nhau cách làm những món đồ tái chế, có người lặng lẽ thực hành rồi khoe thành quả. Chị Nguyễn Ngọc Trang, thành viên của trang cho biết, trang thu hút hơn 5.000 thành viên, mỗi người một ý tưởng rồi cùng bắt tay làm, đồng thời tuyên truyền, vận động người thân nên sự lan tỏa là khá lớn.
Ý thức đến từ những điều rất nhỏ. Đó là hình ảnh quen thuộc của những bạn trẻ hăng hái nhặt rác ở các công viên tại trung tâm thành phố vào mỗi sáng cuối tuần. Rất nhiều người đã thay đổi hành vi xả rác vì hình ảnh ấy. Anh Đặng Thanh Việt (ngụ quận 5) cho biết, nhìn thấy các cháu ở tuổi con mình, mồ hôi nhễ nhại, lôi từng bịch rác, từng chiếc ly nhựa trong bồn hoa, gốc cây cảnh rồi gom lại thành từng đống mà thấy tự… mắc cỡ với hành vi xả rác của mình. Ai thế nào thì tôi không rõ, nhưng tôi đã thay đổi hành vi từ hình ảnh đó”.
Nhặt rác là hoạt động của CLB Công viên không rác (thuộc Trung tâm Công tác xã hội, Thành Đoàn TPHCM), với lực lượng nòng cốt hơn 40 bạn, chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM. “Chúng tôi cứ cần mẫn, hôm nay vài chục người nhìn thấy, ngày mai vài chục người khác biết đến, họ nhìn lần đầu sẽ không có ấn tượng gì, nhưng nhìn lần 2, lần 3 sẽ đọng lại gì đó, lúc đấy, tôi chắc chắn họ sẽ đắn đo khi quăng bịch rác ra nơi công cộng. Biết là để thay đổi ý thức phải cả quá trình, do đó chúng tôi cứ làm, cứ cần mẫn, cứ nhiệt thành rồi sẽ có kết quả”, anh Dương Ngọc Tuấn, giám đốc trung tâm cho biết.
Hashtag #Challenge For Change dù chỉ là một thử thách trên mạng xã hội nhưng thực sự gây ảnh hưởng, làm thay đổi suy nghĩ cũng như hành vi của nhiều người, những hình ảnh before - after (trước và sau khi dọn rác) đã thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ để cộng đồng cùng chung tay dọn rác. Bên cạnh phong trào ChallengeForChange còn có rất nhiều phong trào sống xanh khác như: #lessplastic (hạn chế nhựa dùng một lần) và #zerowwaste (hạn chế rác thải). Đây không chỉ là phong trào mà còn là những cách sống xanh áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều bạn trẻ đã thay đổi thói quen dùng vật dụng bằng nhựa và nhựa một lần bằng những vật liệu khác thân thiện với môi trường. Gần đây nhất, ReForm Vietnam đã tái chế thành công những chiếc tủ cá nhân có khả năng kháng nước từ hộp sữa giấy đã qua sử dụng. Với mỗi chiếc tủ được sản xuất, giúp giảm đi hơn 24.000 hộp sữa giấy thải ra môi trường. Những hình ảnh về sống xanh cũng rất được cộng đồng mạng quan tâm như: Bản gia quy gồm 4 điều phải thực hiện để sống xanh của Nhà Mình; hội chợ nông sản sạch Hội An dùng lá chuối và dây lạt bọc thực phẩm; làm gạch sinh thái từ nhựa dùng một lần; thông điệp khuyến khích không dùng ống hút nhựa tại các quán nước… |