S&P 500 rực xanh 2 phiên liền; Dầu WTI giảm hơn 4%

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào thứ Ba (10/09), khi Phố Wall tìm cách lấy lại chỗ đứng trong tháng 9 đầy biến động. Trong khi đó, các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh, đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, khi thị trường tăng cường bán tháo sau khi OPEC hạ dự báo nhu cầu lần thứ 2 trong 2 tháng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
S&P 500 rực xanh 2 phiên liền; Dầu WTI giảm hơn 4%

Ngân hàng đè nặng Phố Wall

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0.45% lên 5,495.52 điểm, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.84% lên 17,025.88 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones sụt 92.63 điểm, tương đương 0.23%, còn 40,736.96 điểm.

Cổ phiếu Nvidia tăng 1.5%, góp phần thúc đẩy S&P 500 và Nasdaq Composite. Cổ phiếu AMD và Microsoft cũng tăng. Nhóm cổ phiếu công nghệ đã gặp khó khăn trong thời gian gần đây, với chứng chỉ quỹ SPDR ngành công nghệ chọn lọc (XLK) bốc hơi 7% trong quý này. Những động thái đó diễn ra khi mối lo ngại về tình hình kinh tế gia tăng, khiến nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu công nghệ đang tăng cao.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng gây áp lực lên thị trường chung. Cổ phiếu JPMorgan mất hơn 5% sau khi đưa ra nhận định thận trọng về thu nhập lãi ròng năm 2025 tại một hội nghị của ngành. JPMorgan cũng là cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc Dow Jones.

Nhà đầu tư đang chú ý đến 2 báo cáo kinh tế quan trọng có khả năng sẽ là yếu tố tác động tiếp theo đến chứng khoán. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 sẽ công bố vào ngày 11/09 và báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ công bố một ngày sau đó. Nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng việc Fed hạ lãi suất như nhiều mong đợị tại cuộc họp ngày 17 - 18/09 có thể giúp xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế suy yếu.

Ngoài ra, cổ phiếu công ty nền tảng đám mây Oracle bứt phá hơn 11% sau khi công bố kết quả tài chính quý đầu tiên vượt kỳ vọng và công bố quan hệ đối tác với Amazon Web Services để cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu.

Dầu xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021

Bob Yawger, Giám đốc điều hành hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, cho rằng: “Nhu cầu dầu thô đã chịu 1 - 2 cú đấm từ Trung Quốc và OPEC đã giáng đòn chí mạng vào ngày hôm nay.”

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI lùi 2.96 USD, tương đương 4.3%, xuống 65.75 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 2.65 USD, tương đương 3.69%, còn 69.19 USD/thùng.

Các hợp đồng dầu tương lai đã chuyển sang sắc đỏ sau khi phục hồi phần nào vào ngày 09/09, khi cơn bão Francine đe doạ sản lượng dầu khí cũng như hoạt động lọc dầu ở vùng Gulf Coast.

OPEC hiện dự báo nhu cầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm 80,000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nhóm này dự kiến nhu cầu tăng trưởng 1.7 triệu thùng/ngày vào năm tới, thấp hơn khoảng 40,000 thùng/ngày so với dự báo ban đầu.

OPEC đã hạ triển vọng nhu cầu vào tháng 8 do nhu cầu tiêu thụ giảm ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc khi doanh số bán xe điện tăng vọt đã bao trùm thị trường dầu mỏ trong nhiều tháng nay. OPEC+ cũng dự báo sản lượng sẽ tăng vào tháng 12, với Morgan Stanley và các chuyên gia phân tích thị trường khác dự báo tình trạng dư cung trong năm 2025.

Theo ông Yawger, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm 2024.

Các tin khác