S&P 500 tăng 8 tuần liền; Giá dầu tiếp đà giảm nhẹ

(ĐTTCO) – Phố Wall tăng nhẹ hôm thứ Sáu (22/12) sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt. Các chỉ số chính trên Phố Wall đều đánh dấu 8 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu hạ nhiệt trước thềm Lễ Giáng sinh do kỳ vọng Angola có thể tăng sản lượng sau khi rời OPEC.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
S&P 500 tăng 8 tuần liền; Giá dầu tiếp đà giảm nhẹ

S&P 500 ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2017

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.17% lên 4,754.63 điểm. Ở mức hiện tại, chỉ số này chỉ còn cách mức cao kỷ lục khoảng 0.9%. Chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.19% đạt 14,992.97 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 18.38 điểm, tương đương 0.05%, xuống 37,385.97 điểm.

Cả 3 chỉ số đều ghi nhận 8 tuần tăng liên tiếp. Đối với S&P 500, đây là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2017, còn với Dow Jones thì đây là mức đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2019. Tuần qua, S&P 500 tăng 0.8%, Dow Jones cộng 0.2% và Nasdaq Composite nhích 1.2%.

Góp phần kéo giảm Dow Jones là Nike với mức giảm 12%. Đà lao dốc diễn ra sau khi công ty hạ dự báo về doanh thu và thông báo kế hoạch giảm chi phí khoảng 2 tỷ USD trong 3 năm tới.

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong ngày 22/12, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE lõi) trong tháng 11/2023, thước đo lạm phát yêu thích của Fed đã tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 3.2% so với cùng kỳ. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo ở mức tương ứng 0.1% và 3.3%.

Nếu bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, PCE tổng thể giảm 0.1% so với tháng trước, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2022, theo dữ liệu của Fed. Nếu so với cùng kỳ, PCE tổng thể tăng 2.6% so với cùng kỳ, sau khi lên hơn 7% vào giữa năm 2022. Điều này cũng cho thấy lạm phát đang về mục tiêu 2% của Fed.

Greg Bassuk, Giám đốc điều hành tại AXS Investments, chia sẻ “Chúng tôi tin rằng dữ liệu PCE mới nhất củng cố cho xu hướng hạ nhiệt của lạm phát. Bên cạnh đó, chúng tôi nghĩ rằng đó là một phần lý do cho tâm lý vui tươi của nhà đầu tư, rằng kinh tế Mỹ rồi sẽ hạ cánh mềm.”

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa trong ngày 25/12 nhân dịp Lễ Giáng sinh.

Giá dầu giảm nhẹ vì lo sợ khả năng Angola tăng sản lượng trong tương lai

Khép phiên, hợp đồng tương lai dầu Brent mất 32 xu, tương đương 0.4%, xuống 79.07 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ sụt 33 xu, tương đương 0.5%, xuống 73.56 USD/thùng.

Tuy vậy, cả hai chỉ số này đều tăng 3% trong tuần qua. Ở Trung Đông, ngày càng nhiều hãng tàu tránh xa Biển Đỏ vì lo sợ các đợt tấn công của nhóm Houthi.

Các hãng vận tải biển lớn Maersk và CMA CGM cho biết sẽ áp thêm phí liên quan tới việc chuyển tuyến. Các đợt tấn công của nhóm Houthi gây gián đoạn kênh đào Suez - vốn là nơi diễn ra khoảng 12% hoạt động hương mại trên thế giới.

John Evans, Chuyên viên phân tích tại PVM, cho biết “Sự gián đoạn về nguồn cung không phải lý do duy nhất tác động tới giá dầu. Giá cước vận tải và chi phí bảo hiểm cũng gia tăng.”

Ở châu Phi, quyết định rời OPEC của Angola co thể mở ra con đường để Trung Quốc tăng đầu tư vào lĩnh vực dầu khí nước này. Angola sản xuất khoảng 1.1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Phil Flynn, Chuyên viên phân tích tại Price Futures Group, chia sẻ “Cho dù Trung Quốc đầu tư mạnh vào Angola, thì vẫn cần thời gian để sản lượng dầu của Angola tăng lên.”

Ông cũng cho biết thêm rằng dữ liệu lạm phát Mỹ và các đợt tấn công của nhóm Houthi ở Biển Đỏ có thể hỗ trợ cho giá dầu.

Trong một diễn biến khác, chỉ số lạm phát yêu thích của Fed tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 11/2023. Điều này củng cố cho kỳ vọng giảm lãi suất vào năm tới. Việc giảm lãi suất sẽ góp phần kích thích kinh tế và nhu cầu dầu.

Các tin khác