Do đó, nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác, bao gồm vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp và tránh tiếp xúc gần với người khác. WHO cũng khuyến cáo về việc sử dụng khẩu trang y tế hợp lý, tránh lãng phí không cần thiết, tạo cảm giác an toàn giả tạo và sử dụng sai khẩu trang. Theo WHO, điều này có nghĩa là chỉ sử dụng khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm nCoV với các triệu chứng nhẹ hoặc đang chăm sóc cho người nghi ngờ nhiễm nCoV.
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện nay đối với chủng nCoV nói chung và những chủng mầm bệnh nói riêng, nếu lây qua đường giọt bắn thì có thể bảo vệ được bằng khẩu trang y tế (khẩu trang phẫu thuật 3 lớp).
Khẩu trang y tế gồm 2 mặt, một mặt là màu xanh đậm, đây là mặt chống nước nên có khả năng ngăn giọt bắn, dịch tiết đường hô hấp người bệnh vào và không đi vào bên trong. Mặt thứ 2 màu trắng hoặc xanh nhạt hơn, sử dụng đeo vào bên trong. Mặt này có tính chất ngăn cản các dịch tiết đường hô hấp của người đeo tiết ra và sẽ không đi ra ngoài. Trong quá trình đeo khẩu trang, không sử dụng tay sờ lên mặt bề ngoài của khẩu trang hoặc kéo xuống khỏi mũi, khỏi miệng,… Khẩu trang đeo một lần là bỏ, sau khi bỏ khẩu trang phải rửa tay với xà phòng, bảo đảm bàn tay luôn luôn sạch.
GS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nêu rõ việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng chống bệnh hô hấp rất tốt, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, khói bụi và phòng nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch nCoV như hiện nay ở nước ta, người dân chỉ đeo khẩu trang khi tới bệnh viện, hay những nơi đông người, đi trên các phương tiện giao thông công cộng và tiếp xúc với người có biểu hiện của bệnh hô hấp. Không nhất thiết phải sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng N95 mà chỉ cần dùng các loại khẩu trang y tế thông thường hay khẩu trang vải (giặt hàng ngày).