Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn từ các nước trong khu vực và thế giới. Điều này càng minh chứng rõ nét hơn cho sức hấp dẫn của ngành hàng này, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế.
Tiềm năng lớn
Phát biểu tại triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm - đồ uống - công nghệ diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa, nhận định những năm qua ngành thực phẩm và đồ uống tiếp tục tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cho thấy tiềm năng lớn của ngành này tại Việt Nam.
Theo đó, dự báo tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011-2016 sẽ tiếp tục tăng 5,1%/năm, ước đạt 538,4 triệu đồng. Trong khi đó, mức tiêu thụ bình quân theo đầu người tăng ấn tượng 4,3%/năm tính đến năm 2016, vào khoảng 5,8 triệu đồng/năm. Trong đó, ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp của Việt Nam sẽ tăng 4,3% về lượng và 10,4% về giá trị doanh số bán hàng.
Triển vọng đối với ngành đồ uống của Việt Nam cũng khá sáng sủa. Đồ uống có cồn tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nổi bật là một số thương hiệu như Diageo, Asia Pacific Breweries (APB) và Carlsberg. Dự báo trong giai đoạn 2011-2016, doanh số của ngành tăng 7,5%; doanh thu tăng 10,5% khi người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các loại đồ uống có giá trị cao hơn. Đồ uống không có cồn được dự báo đạt 8,2% về tốc độ tăng trưởng doanh thu và 6,3% về tốc độ tăng trưởng doanh số giai đoạn 2011-2016.
Một báo cáo khác của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International về thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam (quý III-2014), cho thấy tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam sẽ tăng trưởng rất ấn tượng ở mức 2 con số từ nay đến năm 2018. Đơn cử, tổng mức tiêu thụ thực phẩm năm 2014 ước tăng 19,2% và tiếp tục tăng 15,5%/năm từ nay đến năm 2018; tổng mức tiêu thụ thực phẩm/đầu người năm 2014 ước tăng 18,1%, và tỷ lệ này là 14,7%/năm từ nay đến năm 2018.
Những con số hấp dẫn trên đã thu hút sự tham gia đầu tư cũng như những tham vọng trong tương lai của nhiều nhà đầu tư thuộc các nước trong khu vực và trên thế giới. Mới đây nhất là thương vụ Tập đoàn Mondelez International (Hoa Kỳ), hiện đang có 2 sản phẩm được bán tại Việt Nam là bánh quy Orea và Ritz, đã mua 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng).
Còn trong ngành đồ uống, một thông tin cũng đang thu hút được sự quan tâm của các DN cũng như dư luận là công ty của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan ThaiBev đang có ý định sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trước đó, một công ty khác của tỷ phú này là F&N Dairy Investments Pte Ltd cũng đã sở hữu 110,4 triệu cổ phiếu VNM (CTCP Sữa Vinamilk), tương ứng 11,04% vốn điều lệ.
Thương hiệu Việt có bị nuốt?
Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại đang khiến sức ép cạnh tranh của DN nội ngày càng căng thẳng hơn. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là liệu các thương hiệu Việt có bị nuốt chửng bởi những con cá mập ngoại hay không. Nói riêng trong ngành bia, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco, từng chia sẻ đến nay Việt Nam đã có sự tham gia của khoảng 37 hãng bia trên thế giới. Nhiều thương hiệu ngoại đang dần thâu tóm các thương hiệu bia nội.
Cụ thể, hãng bia Huda Huế nay đã thuộc sở hữu của Carlsberg (Đan Mạch). Hãng bia ngoại này cũng đang thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam khi sở hữu cổ phần chi phối ở nhiều công ty, như sở hữu 55% nhà máy bia tại Bà Rịa-Vũng Tàu có công suất 50 triệu lít/năm. Trong liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) với Công ty Bia Việt Hà, Carlsberg sở hữu 60%. Và nếu ThaiBev mua được lượng lớn cổ phần của Sabeco, ván cờ hẳn sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa.
Ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. |
Nhìn lại thương vụ của Kinh Đô, ông Tim Cofer, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của Monelez International, chia sẻ: “Một trong những điểm Kinh Đô hấp dẫn Monelez Internatinnal là DN này sở hữu những nhãn hiệu lớn đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam. Trong mảng bánh kẹo không chỉ Kinh Đô bị chi phối bởi đối tác ngoại, mà Bibica cũng tương tự. Những đối tác ngoại với tiềm lực tài chính mạnh đang ngày càng thể hiện rõ những chiến lược chiếm lĩnh thị trường của mình.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa DN nội không còn cơ hội trong thị trường này. Thực tế đã có những cái tên Việt đình đám như Masan Group với những thương vụ M&A đáng chú ý trong lĩnh vực đồ uống. Masan hiện nắm giữ 63,5% Nước khoáng Vĩnh Hảo, 53,2% Vinacafé Biên Hòa và sau đó là chi 252 tỷ đồng để mua CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên. Một cái tên khác là Tân Hiệp Phát cũng đang có thị phần đáng kể với những sản phẩm Number 1, Trà xanh 0 độ hay Trà thảo mộc Dr. Thanh.
Cuộc chiến phía trước vẫn còn dài và DN nội còn phải đứng trước thách thức khi cánh cửa thị trường mở rộng bởi nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nỗi lo sẽ càng lớn hơn bởi đa số DN Việt Nam là DNNVV, thậm chí siêu nhỏ. Tiềm lực tài chính khiêm tốn cùng với kinh nghiệm còn yếu rất dễ trở thành lực cản với nhiều DN nội trong hành trình chiếm lĩnh miếng bánh thị phần đầy hấp dẫn ngay trên sân nhà.