Trả lời câu hỏi của báo giới vào ngày 3-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia cảnh báo, vẫn còn 8 đợt triều cường nữa sẽ xảy ra tại TPHCM và Nam bộ từ nay đến cuối năm 2019 và sang tháng 1 và 2-2020.
“Nhiều khả năng 2 đợt triều cường từ ngày 26 đến 31-10 và 25 đến 30-11 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vừa xảy ra, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc từ phía Bắc biển Đông với cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía Nam”, ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, triều cường liên tục tạo ra mức kỷ lục mới, năm sau lại cao và nguy hại hơn năm trước.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia dẫn chứng: “Đợt triều cường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019 với mực nước quan trắc được tại Trạm hải văn Vũng Tàu thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 12-1999 chỉ 1cm (4,35m năm 2019 so với 4,36m năm 1999), nhưng lại tạo nên kỷ lục về độ cao mực nước tại Trạm Phú An trên sông Sài Gòn (1,77m năm 2019 so với 1,44m năm 1999)”.
Mổ xẻ nguyên nhân, ông Mai Văn Khiêm cho biết, hiện tượng triều cường thường do chế độ thủy triều ở khu vực cửa sông ven biển và nước biển dâng do gió, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Có thể do kết hợp của biên độ thủy triều lớn, gió mùa Đông Bắc mạnh.
“Mức độ ngập úng trong các đợt triều cường còn phụ thuộc vào mưa, lũ trong đất liền, khả năng thoát úng của cơ sở hạ tầng và mức độ sụt lún của bề mặt đất”, ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Thực tế cho thấy, có nhiều đợt xảy ra ngập úng nghiêm trọng mặc dù triều cường không phải quá cao, như đợt triều cường vào đầu tháng 10-2019.
Nhiều chuyên gia cũng xác định sụt lún bề mặt, khả năng tiêu thoát lũ kém, khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây ngập lụt tại TPHCM khi triều cường như vừa qua.
Còn nguyên nhân do biến đổi khí hậu cũng có, nhưng không đáng kể. Bởi từ năm 1995 đến 2010 nước biển chỉ dâng tối đa 2cm, trong khi thủy triều ở TPHCM lại dâng cao hơn mức cũ 20-25cm và có thể cao hơn nữa trong thời gian tới.