TRUNG QUỐC ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH KINH TẾ

Tác động tích cực và tiêu cực

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung giải trình dự thảo kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kế hoạch 2016. Trong đó, bộ này tiếp tục đưa ra đánh giá những điều chỉnh nền kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung giải trình dự thảo kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kế hoạch 2016. Trong đó, bộ này tiếp tục đưa ra đánh giá những điều chỉnh nền kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Chi phí đầu vào giảm

Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn đầu vào sản xuất từ Trung Quốc (máy móc thiết bị, nguyên vật liệu). Do vậy, việc đồng NDT mất giá có tác động tích cực làm giảm chi phí đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nhờ đó sản xuất trong nước có điều kiện hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng cũng có những tác động tích cực đến Việt Nam. Đó là, giá các mặt hàng cơ bản trên thế giới sẽ giảm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất. Tiếp đến, kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam.

Cụ thể, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã vào Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam để tận dụng nhiều cơ hội đang mở ra khi Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để phụ thuộc ít hơn vào cầu từ bên ngoài và phụ thuộc nhiều hơn vào cầu trong nước. Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng theo hướng bền vững sẽ mang lại những tác động tích cực đối với Việt Nam.

Theo đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ở mức bền vững và chất lượng tăng trưởng tốt, lạm phát sẽ ở mức thấp và ổn định. Điều này sẽ tác động tích cực tới việc kiểm soát lạm phát ở những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc như Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng có thể có ảnh hưởng tích cực từ diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc mới đây có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế trên thị trường này. Một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam luôn nhập siêu với mức độ ngày càng lớn. Về cơ cấu hàng nhập khẩu, hàng hóa là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc...

Khi đồng NDT phá giá, nhập khẩu nhóm hàng này có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu. Tuy nhiên, ngay sau khi đồng NDT phá giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD và nới rộng biên độ tỷ giá và VNĐ đã giảm giá khoảng 5% so với USD, nhờ đó giảm thiểu tác động tiêu cực do NDT giảm giá mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu khoáng sản. Đây là một bất lợi lớn đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản do mặt hàng này khó chuyển dịch thị trường nếu không xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Do đó sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc suy giảm một mặt làm giảm nhu cầu nội địa đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; mặt khác có nguy cơ một lượng lớn các mặt hàng với giá rẻ sẽ được chuyển từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp đang trong tình trạng dư thừa công suất. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, gián tiếp tác động làm giảm tăng trưởng và thương mại toàn cầu, tạo sức ép làm giảm giá dầu thô và tác động tiêu cực đến thu ngân sách từ dầu thô...

Theo Bộ KH-ĐT, để tận dụng những cơ hội, hạn chế những tác động tiêu cực, một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu; tập trung công tác quản lý thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu đi đôi với kiểm soát chi; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và của nền kinh tế...

Các tin khác