Thống đốc NHNN vừa đặt chỉ tiêu hạ lãi suất huy động xuống 10%/năm trong năm 2012. Trong khi thị trường còn đang có nhiều ý kiến trái chiều, một số NHTMCP đã manh nha tái diễn huy động tiết kiệm với lãi suất vượt trần 14%/năm.
Vượt trần kỳ hạn ngắn
Ảnh minh họa: LÃ ANH |
Cuối tuần qua, chị N.T ở quận 8 TPHCM, cho biết một người bạn của chị đang làm ở NH B. có trụ sở ở Hà Nội đã mời chào chị gửi tiết kiệm VNĐ lãi suất lên đến 18,5%/năm với số tiền gửi trên 100 triệu đồng. NH sẽ trả trước tiền lãi suất vượt trần, còn trên sổ tiết kiệm vẫn để lãi suất không quá 14%/năm và khách hàng sẽ nhận lãi suất này khi đến kỳ đáo hạn.
Một lãnh đạo của NH G. ở TPHCM cho biết thời điểm này thanh khoản tiền mặt không quá căng thẳng như vài tháng trước, nhưng các NHTM nhỏ cũng dự phòng dịp cận tết nhu cầu tiền mặt để mua sắm gia tăng, nên âm thầm huy động vượt trần lãi suất với các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng.
Sở dĩ, các NH không huy động lãi suất cao kỳ hạn dài vì dự đoán năm 2012 NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống 12%/năm, nếu huy động lãi suất quá cao kỳ hạn dài có thể chịu rủi ro về lãi suất. Thực tế, NHNN cũng đang tính toán để có thể áp dụng trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực khuyến khích các NHTM phát triển tín dụng.
Như vậy, khi việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực tiền tệ của NHNN lắng xuống, tình trạng lách lãi suất lại bắt đầu nhen nhóm ở một số NHTM nhỏ. Tận dụng dịp Noel, cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, hàng loạt NHTM tung ra các chương trình khuyến mại bốc thăm trúng thưởng, quay số dự thưởng, tặng quà… với tổng giá trị của mỗi chương trình lên đến hàng tỷ đồng.
Thực trạng trên đang khiến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay xuống 10%/năm trong năm 2012 chỉ có thể diễn ra trong quý II-2012 khi dòng vốn trong NH đã bớt căng thẳng.
Còn từ cuối năm nay đến đầu quý I năm tới các NHTM vẫn chịu áp lực trong huy động vốn, nếu giảm lãi suất quá nhanh người dân sẽ chuyển qua giữ vàng và ngoại tệ. Tình trạng này có thể gia tăng khi giá vàng đang có xu thế giảm mạnh càng kích thích người dân đổ xô mua vàng.
Ngưng bán vàng bình ổn?
Tuần qua cũng là một tuần tăng nóng của lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ”. Sau khi tăng lên 3,5%/năm vào cuối tháng 11, lãi suất huy động vàng của một NHTMCP có trụ sở quận 1, TPHCM tăng lên 3,7%/năm kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Ngoài ra, khách hàng còn được quà tặng nếu gửi vàng trên 100 lượng. Nếu cộng luôn cả chi phí khuyến mại, lãi suất tăng lên đến 4%/năm. Bên cạnh đó lãi suất một số ngoại tệ như EUR, AUD… cũng tăng lên 3,5-4,5%/năm.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, các NH tăng lãi suất huy động ngoại tệ “lạ” nhằm hút nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện các nghiệp vụ “swap” hoán đổi ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản khi cần thiết. Và khi cần các NH có thể thế chấp các ngoại tệ “lạ” trên thị trường liên NH để vay vốn.
Bởi hiện nay NH nhỏ muốn vay vốn NH lớn trên thị trường liên NH phải có tài sản thế chấp. Một lãnh đạo của VietABank cho biết thời điểm này VietABank đang có kho huy động vàng từ dân rất lớn. Điều này không chỉ giúp NH có thể tăng tổng tài sản lên, mà khi cần có thể thế chấp vay liên NH.
Tuần qua thị trường vàng khá èo uột, giá vàng thế giới giảm nhanh và giá vàng trong nước đứng yên ở mức 43,55 triệu đồng/lượng. Nhu cầu vàng trong dân vẫn tăng, nhưng nhiều khách hàng phản ánh một số NHTM được phép bán vàng bình ổn đã từ chối bán vàng cho dân với lý do hết vàng.
Không được mua vàng tại NHTM, nhiều khách hàng phải ra các tiệm vàng mua vàng miếng với giá cao hơn giá NH niêm yết 500.000-1 triệu đồng/lượng.
Dù giá bán vàng miếng cao nhưng chủ tiệm vàng cho biết không có nguồn để bán nên khách hàng đến mua vàng nhẫn, vàng trơn 4 số 9 rất nhiều. Nhu cầu vàng trang sức tăng cao mùa cuối năm, cộng với nhu cầu tích trữ vàng trong dân đang mạnh lên, đã đẩy giá vàng nhẫn, vàng trơn ở các tiệm vàng lên rất cao.
Lý giải về việc NH ngưng bán vàng miếng, một lãnh đạo NH cổ phần cho biết giá vàng đang ở xu thế giảm mà nhu cầu mua vàng của dân đang tăng cao. Nếu đẩy mạnh bán ra thời điểm này, các NHTM có thể chịu rủi ro khi mua lại để cân kho nếu giá vàng bật tăng trở lại.
Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh huy động vàng trong dân, các NHTM có kho vàng cũng “thủ thế” bán ra, để vừa đảm bảo thanh khoản cuối năm, vừa tránh rủi ro về giá.