LTS: Sau khi bài viết “CTCK mất thanh khoản?” đăng trên báo ĐTTC số 453, ra ngày 12-9, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của NĐT Lê Thụy Thanh Tâm.
Trường hợp mất thanh khoản “tạm thời” như CTCK SME không phải cá biệt mà đang xảy ra ở rất nhiều CTCK khác, chẳng qua chưa ai phát hiện. Tuần qua, tôi cũng được nghe về chuyện tương tự xảy ra ở một CTCK có trụ sở tại quận 1 (TPHCM), một khách hàng muốn rút hơn 80 triệu đồng tiền mặt nhưng không được đáp ứng ngay, sau khi “làm dữ” mới được chi trả.
Vậy vai trò của UBCKNN ở đâu trong những tình huống này? Với một tổ chức tài chính giữ tiền của nhiều NĐT, phải đáp ứng khi khách hàng có nhu cầu rút tiền chính đáng. Nếu CTCK nào “nhất thời” mất thanh khoản mà báo nêu cũng là điều không bình thường.
Với vai trò cơ quan quản lý TTCK, UBCKNN cần phải lên tiếng để trấn an NĐT, vì hiện có rất nhiều NĐT đang lo lắng tiền của mình có an toàn hay không.
Tháng 1-2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 226/2010/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1-4, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh CK không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Thế nhưng cho đến nay không thấy UBCKNN công khai có bao nhiêu CTCK đảm bảo an toàn, bao nhiêu CTCK vi phạm.
Như vậy đồng nghĩa không có CTCK nào vi phạm hoặc cố tình gian dối trong việc báo cáo với các cơ quan quản lý? Tổng giám đốc một CTCK lớn cho biết cách đây vài tháng, UBCKNN đã kiểm tra đột xuất tình hình tài chính của công ty ông.
Những biện pháp kiểm tra rất quyết liệt, chặt chẽ từng nghiệp vụ, chứng từ, nên có muốn gian dối cũng không dễ dàng gì. Đến đây, cần phải đặt câu hỏi: Tại sao những CTCK có vấn đề lại chưa bị “sờ gáy”? Và liệu UBCKNN có công khai những CTCK có vấn đề hay không?
![]() |
Rất nhiều NĐT đang lo lắng tiền của mình có an toàn không. Ảnh: LÃ ANH |
Nhìn sang Ngân hàng Nhà nước xử phạt nghiêm các ngân hàng huy động vượt trần 14%, thiết nghĩ UBCKNN cũng cần phải mạnh tay như vậy. Không khó để biết được CTCK nào có vấn đề nếu chắt lọc từ những thông tin chính thống lẫn không chính thống.
Những trường hợp CTCK mất thanh khoản, cho dù vì bất cứ lý do gì đều phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc cảnh báo.
Bên cạnh đó, cũng cần nói đến quy trình xét duyệt tín dụng giữa ngân hàng và các CTCK cũng có nhiều vấn đề. Một nhân viên môi giới có nhiều kinh nghiệm đã tiết lộ: Tài khoản (TK) của những NĐT có nhiều CP rất dễ trở thành “mồi ngon” để CTCK trục lợi.
CTCK sẽ chọn những TK có nhiều CP nhưng lại ít giao dịch, tạo hồ sơ xin cấp tín dụng gửi lên ngân hàng, ngân hàng chỉ cần kiểm tra xem có đúng TK đó có CP hay không và tiến hành cho vay. Số tiền này sẽ được CTCK sử dụng để làm gì không ai biết. Kẽ hở ở đây là ngân hàng không bao giờ xác minh (hay chỉ cần cuộc điện thoại) với NĐT có TK có muốn vay hay không nên NĐT cũng không biết TK của mình bị trục lợi.
Cũng dễ hiểu, vì khi chuyển tiền của NĐT từ CTCK về ngân hàng, ngân hàng chỉ biết mỗi việc “nắm” CTCK chứ không cần biết NĐT dù tiền của NĐT. Cũng có những trường hợp TK không giao dịch, CTCK làm khống một số chứng từ xác nhận những TK này vừa bán ra CP và yêu cầu ngân hàng cho vay để ứng trước tiền bán.
Kẽ hở ở đây có thể xảy ra khi ngân hàng không tìm cách xác nhận với trung tâm lưu ký về việc TK đó có hoạt động thực hay không. Với cách thức này, CTCK lại có thể sử dụng những TK ảo khác, vay khoản sau để trả cho khoản trước rất dễ dàng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngân hàng, UBCKNN và các CTCK cần ngồi lại với nhau để siết chặt hoạt động cấp tín dụng. Bởi mục đích của việc chuyển tiền trong TK NĐT từ CTCK về ngân hàng (đã dùng dằng và mất rất nhiều thời gian mới áp dụng) không nhằm mục đích an toàn khoản tiền này, xem ra chẳng an toàn chút nào khi không có sự phối hợp giữa các cơ quan.