Đó là những con đường tương đối bằng phẳng, vỉa hè vuông vức bị cắt nham nhở ngang dọc, trong khi việc tái lập mặt đường rất cẩu thả khiến người dân rất khó chịu.
Cuối năm 2021, rất nhiều tuyến đường ở TPHCM như Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp); Phạm Văn Hai, Lạc Long Quân, Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình); Huỳnh Văn Bánh, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trọng Tuyển, Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Lê Văn Sĩ (quận 3)… bị đào xới lên để phục vụ thi công ống nước, lắp đặt cáp quang, đường dây điện…
Điều người dân bất bình là việc tái lập mặt đường cẩu thả của đơn vị thi công. Người nói nó giống như cái áo cũ được những người thợ vụng vá chằng vá đụp, người khác nói nó giống như những vết sẹo hằn sâu trên khuôn mặt sau khi bị tạt axid, người khác nói các vết cắt trên mặt đường như vết dao chém vào mặt phố phường.
Cụ thể, phần trám nhựa đường mới vào vết cắt luôn cao hơn phần cũ, đã tạo ra những mảnh lồi lên, mà theo người thi công nói là phần trừ hao để sau ít ngày xe chạy qua lại nén nó xẹp xuống thì vừa. Song cách thi công như thế tạo ra độ chênh khá lớn giữa cũ và mới, tạo ra những cái gờ (còn gọi là lằn phui) gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Tệ hơn là sau hơn 1 tháng, 2 phần mới cũ vẫn không khớp nhau. Theo số liệu thống kê của Thanh tra Sở GTVT TPHCM, trong năm 2021 đã phát hiện và lập biên bản xử lý 448 trường hợp đối với lỗi vi phạm về thi công công trình. Số tiền xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng, một số đơn vị thi công bị tước quyền tham gia các công trình do Sở GTVT quản lý.
Thực lòng mà nói nhìn tổng thể, đường phố của TPHCM xấu thật, xấu cả về phương diện kỹ thuật và mỹ thuật. Về kỹ thuật, hầu hết mặt đường đều cao hơn vỉa hè như sống trâu, lồi lõm, dễ gây tai nạn cho cả người sử dụng phương tiện giao thông lẫn người bộ hành. Còn về mỹ thuật cũng tệ quá, nham nhở các vết cắt dọc ngang, mầu sắc mặt nhựa thảm và gạch lót lại vỉa hè không đồng nhất, cao độ vênh nhau thấy rõ. Với những kiểu làm ăn như thế này càng làm các con đường ở TPHCM ngày càng xấu và xuống cấp, và không biết đến bao giờ mới trở thành TP đáng sống.
Đường sá dùng lâu năm sẽ có những chỗ bị hỏng, chưa kể những sự cố xảy ra như nước xói mòn do bão lũ, động đất hay cắt đường sửa chữa các thiết bị dưới đất, nên việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa là chuyện bình thường. Song các con đường được coi là mạch máu trong cơ thể đô thị, quá quan trọng nên không thể muốn đào bới thế nào cũng được. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc có những tập đoàn chuyên lo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, là đầu mối của tất cả công việc kỹ thuật liên quan đến cung cấp điện, cáp viễn thông, cấp thoát nước, gas, ánh sáng..
Theo đó, những hoạt động liên quan đến không gian mặt đường, lòng đường, vỉa hè, trên cao và dưới lòng đất được giải quyết nhanh gọn, đồng bộ, chất lượng tốt nhất, không ảnh hưởng đến người dân và mỹ quan đô thị. Họ kỹ lưỡng đến mức, bất cứ con đường nào cũng có lý lịch rõ ràng, để khi cần nâng cấp, sửa chữa họ biết trước đó đã sử dụng loại đá gì, kích cỡ lớn nhỏ ra sao, sử dụng bê-tông, loại nhựa nguội hay nóng, nhựa thảm bề mặt có độ kết dính, nhiệt độ dãn nở là bao nhiêu, để đảm bảo 2 thành phần cũ và mới kết hợp được với nhau.
Trong khi đó ở Việt Nam, rất nhiều cơ quan “có quyền đào bới” mặt đường để lắp đặt các hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông…, nhưng dường như không ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng về việc tái lập mặt đường cẩu thả. Tất nhiên, ngoài việc phối hợp thiếu đồng bộ dẫn đến những trục trặc, còn có những điều khác như trình độ tay nghề non kém cũng dẫn đến hậu quả chất lượng công trình kém.
Thực sự, trong những công nhân hàng ngày làm việc trên các công trường ở TPHCM, số có tay nghề, được đào tạo bài bản không nhiều, phần lớn là công nhân thời vụ, thợ đụng. Trong một tốp thợ may ra mới có một, hai người thạo việc, họ là đội trưởng, là thợ chính, số còn lại chỉ đâu đánh đó.
Chính vì thế, những việc tái lập mặt đường chỉ là việc phụ so với việc thi công kỹ thuật như đi dây, lắp ráp, đấu nối… Và những người thợ đụng sẽ đảm nhiệm những công việc được coi là không cần thiết đó, đồng nghĩa hậu quả nhãn tiền hiển nhiên là như thế.
Một chuyện nữa cũng cần nói đến, là rất nhiều người làm việc khá tắc trách, cẩu thả và đại khái. Biểu hiện thường gặp nhất là họ có tư tưởng làm cho xong, không quan tâm đến chất lượng, miễn sao kết thúc công việc cho nhanh để về nhà hay đi nhậu.
Hoặc tệ hơn những người này chủ động bỏ qua những cái được coi là “chút xíu” cho nhẹ việc. Công trường đang thi công mương thoát nước, việc kéo hàng rào che chắn công trình chỉ là “chút xíu” không mất bao công sức, nhưng người chủ bỏ qua. Công nhân không thấy ai bảo làm cũng bỏ qua, mưa xuống, không biết đâu là đường đâu là mương. Vậy là một hai mạng người chết vì cái cẩu thả đại khái đó.
Hay việc thảm thêm lớp nhựa cho mặt đường cho đầy đặn lên, việc đầm cho kỹ không để mặt đường nham nhở lồi lõm, xem ra chỉ là sự cố gắng chút xíu không tốn bao nhiêu thời gian. Nhưng hậu quả của việc cố tình bỏ qua cái chút xíu ấy thật tai hại khi gây nguy hiểm cho những người đi xe gắn máy. Bởi đã xảy ra không ít trường hợp người đi xe máy vấp lằn phui bị ngã sóng xoài ra mặt đường, tai nạn sẽ nghiêm trọng hơn nếu lúc đó một chiếc ô tô đang trờ tới.
Xem xét một cách nghiêm túc, hình như bất cứ người Việt Nam nào cũng có ít hay nhiều, lúc này hay lúc khác một phần phẩm chất của cẩu thả, tắc trách, đại khái, hay nói quá một chút là vô trách nhiệm. Chính vì thế, xã hội của chúng ta từ nông thôn ra thành thị, từ trong nhà ra công cộng, từ cơ quan đến chợ búa đều chực chờ những rủi ro. Trong báo cáo chỉ số TP an toàn (The Safe Cities Index) năm 2017 được tạp chí Economist và tổ chức NEC xây dựng và công bố sau khi khảo sát ở 50 nước, TPHCM đứng thứ 48/50 về an toàn sức khỏe; 50/50 an toàn về cơ sở hạ tầng.