Tam giác thể chế cho kinh tế số

(ĐTTCO) - Theo GS. TRẦN THỌ ĐẠT, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dữ liệu là ba trụ cột thể chế cho chuyển đổi số. 

Tam giác thể chế cho kinh tế số

PHÓNG VIÊN: - Thưa GS., năm 2024 Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu. Vừa rồi Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vậy theo GS. ý nghĩa và tác động của các luật này đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thế nào?

GS. TRẦN THỌ ĐẠT: - Việc Quốc hội ban hành liên tiếp ba luật này không chỉ là sự kiện mang tính pháp lý, mà thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước ngoặt chiến lược trong việc xây dựng một nền kinh tế số dựa trên dữ liệu và công nghệ trong nước.

tho-dat.jpg

Ba luật đóng vai trò như ba trụ cột, tạo nên tam giác thể chế cho tiến trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số Việt Nam. Chúng là xương sống thể chế cho Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, giúp Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, lấy dữ liệu làm tài sản chiến lược, công nghệ làm động lực, và người dân làm trung tâm.

- Vậy từng trụ cột đó có ý nghĩa và tác động thế nào?

- Luật Công nghiệp công nghệ số là khung pháp lý đầu tiên cho ngành công nghiệp công nghệ số, khẳng định đây là một ngành kinh tế mũi nhọn, được ưu tiên phát triển.

Luật định danh, quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) công nghệ số trong nước phát triển, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái DN số. Luật tạo thuận lợi về thuế, đất đai, đầu tư cho DN công nghệ số , khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm “Make in Vietnam”, định vị ngành công nghiệp công nghệ số là lực lượng dẫn dắt quá trình chuyển đổi số.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước đột phá, lần đầu tiên quy định quyền cá nhân với dữ liệu, trách nhiệm tổ chức trong xử lý, lưu trữ, bảo mật dữ liệu cá nhân. Luật này giúp Việt Nam hội nhập với xu hướng toàn cầu, tương thích chuẩn quốc tế, tăng sự tin cậy vào dịch vụ số.

Đây là nền tảng pháp lý cho kinh tế dữ liệu cá nhân, mở ra các mô hình kinh doanh mới, xem dữ liệu là tài sản hoặc tín dụng xã hội. Đồng thời, tạo áp lực buộc DN đầu tư bảo mật, minh bạch dữ liệu, nâng sức cạnh tranh quốc tế.

Luật Dữ liệu thiết lập nền tảng thể chế cho khai thác, chia sẻ, kết nối và quản trị dữ liệu trong toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế. Luật phân loại dữ liệu, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hệ sinh thái dữ liệu, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu liên ngành, liên cơ quan, giảm tình trạng cát cứ dữ liệu trong khu vực công, hỗ trợ chính phủ số và đô thị thông minh.

- Đâu là những điểm đột phá của ba luật này?

- Khi được thực thi, bộ ba luật sẽ tài sản hóa dữ liệu, công nhận dữ liệu là tài nguyên. Chúng biến dữ liệu thành tài sản có thể sở hữu, định giá, chuyển nhượng. Biến công nghệ trở thành lực sản xuất trong nước, tạo ra việc làm và giá trị. Biến niềm tin số trở thành vốn xã hội, khuyến khích người dân và DN tham gia vào nền kinh tế số.

Các luật này hỗ trợ và bảo vệ DN công nghệ bản địa trong môi trường cạnh tranh số toàn cầu. Từ đây, Việt Nam có thể xây dựng nền kinh tế số có chủ quyền, cạnh tranh toàn cầu, mang bản sắc riêng.

Các luật không chỉ thiết lập quyền tài sản và hạ tầng quản trị dữ liệu, mà còn định danh dữ liệu là tài nguyên quan trọng, có giá trị khai thác và thương mại hóa. Luật thiết lập hệ thống phân loại dữ liệu (dữ liệu mở, cá nhân, công ích, dữ liệu lớn…).

Đồng thời xác lập quyền sở hữu, giá trị kinh tế của dữ liệu, nghĩa vụ của các chủ thể sở hữu, sử dụng, chia sẻ dữ liệu. Nhờ đó hình thành các thị trường dữ liệu, trung tâm dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu, gia tăng liên thông giữa Nhà nước, DN và tổ chức nghiên cứu.

Bộ ba luật này còn tạo nên tam giác thể chế cho nền kinh tế số, cho quá trình tài sản hóa dữ liệu. Trước đây dữ liệu thường chỉ là phụ phẩm trong các hoạt động số hóa, giờ đây được công nhận là tài sản chiến lược, có thể đầu tư, bảo vệ và khai thác để tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Tam giác thể chế này là nền tảng pháp lý mới cho giai đoạn phát triển số của Việt Nam.

- Như vậy việc khai thác dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân được cân bằng ra sao?

- Lần đầu tiên tại Việt Nam, quyền cá nhân với dữ liệu được quy định rõ trong luật. Dữ liệu cá nhân được bảo vệ, sử dụng trong khuôn khổ trách nhiệm và tin cậy. Tổ chức và DN bị ràng buộc trách nhiệm khi thu thập, sử dụng, chuyển giao dữ liệu cá nhân.

Điều này giúp tăng niềm tin của người dân vào chia sẻ và sử dụng dữ liệu số. Từ đó quy mô nền kinh tế dữ liệu được mở rộng, DN Việt Nam dễ tuân thủ chuẩn quốc tế, kết nối thị trường toàn cầu, giảm nguy cơ xâm phạm dữ liệu, bảo vệ nền tảng đạo đức và công bằng trong không gian số.

- GS. có thể nói thêm việc "biến công nghệ thành lực sản xuất nội địa"?

- Luật Công nghiệp công nghệ số là trụ cột xây dựng lực lượng sản xuất, DN số nội địa để khai thác dữ liệu. Luật định danh rõ DN công nghệ số trong nước là lực lượng trung tâm của ngành công nghiệp dữ liệu.

Luật ban hành chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng, phần mềm, nền tảng số và dịch vụ dựa trên dữ liệu. Các DN Make in Vietnam trong lĩnh vực AI, phân tích dữ liệu, blockchain, cloud, an ninh mạng… sẽ được hỗ trợ.

Luật sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ và nền tảng khai thác dữ liệu có chủ quyền, có bản sắc Việt. Từ đó DN nâng cao khả năng cạnh tranh và tự chủ công nghệ trước các nền tảng toàn cầu, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng đóng góp của kinh tế số vào GDP. Đây là trụ cột sản xuất, giúp biến dữ liệu thành hàng hóa, dịch vụ, tức tài sản tạo ra giá trị tăng thêm.

- Như vậy ba luật này sẽ định hình nền kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo và dữ liệu?

- Đúng vậy. Ba luật cùng tạo nền móng thể chế cho kinh tế dữ liệu và đổi mới sáng tạo. Dựa trên thực thi đồng bộ và phối hợp ba luật này sẽ giúp định danh, định giá và quản lý dữ liệu công và tư như một loại tài sản chiến lược quốc gia. Từ đó cho phép khai thác dữ liệu để phát triển các ngành mới như Fintech, GovTech, HealthTech, EdTech…

Đồng thời tạo điều kiện để phát triển AI, học máy, mô hình dự báo, và các dịch vụ công - tư thân thiện và thông minh dựa trên phân tích dữ liệu lớn. Từ đó hình thành nền kinh tế số mà ở đó dữ liệu là nguyên liệu đầu vào, AI là công cụ khai thác, và DN công nghệ trong nước là lực lượng sản xuất chủ lực.

- Xin cảm ơn GS.

Các tin khác