Tấm lòng với Trường Sa

(ĐTTCO) - Đoàn Công tác số 5 - TPHCM vừa kết thúc hải trình 7 ngày thăm quân và dân quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), nhà giàn DK1. Trên con tàu KN-290 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 chở đoàn ra đảo, ngoài hiện vật, còn mang theo rất nhiều nghĩa tình của người dân TPHCM.
Tấm lòng với Trường Sa


Phóng viên Nguyễn Tam Nguyên (ngoài cùng bên trái) trao gửi đàn guitar tới các chiến sĩ tại đảo Trường Sa
Phóng viên Nguyễn Tam Nguyên (ngoài cùng bên trái) trao gửi đàn guitar tới các chiến sĩ tại đảo Trường Sa

1. Trong số 164 đại biểu của TPHCM tham gia chuyến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và nhà giàn DK1, có 3 đại biểu là thân nhân của các chiến sĩ đang công tác ngoài đảo. Trùng hợp là cả ba phụ huynh tham gia trong chuyến đi lần này đều là những người cha. Một trong số đó là anh Đặng Tài Nguyên (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM), cha chiến sĩ Đặng Anh Tuấn (đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa). Gặp lại con sau hơn 1 năm xa cách, anh Nguyên xúc động: “Tôi có vào phòng ở của con, gặp các sĩ quan chỉ huy và được nghe mọi người khen Tuấn là có trách nhiệm với những gì cấp trên giao. Theo như các sĩ quan thì con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tận mắt thấy cuộc sống của con, thấy con đã cứng cáp, trưởng thành hơn, là người cha, tôi thực sự yên tâm, tin tưởng rất nhiều”.

Ở đất liền, anh Đặng Tài Nguyên làm nghề tự do, còn vợ bán tạp hóa tại nhà. Thu nhập không cao, vậy nhưng khi hay tin được ra Trường Sa thăm con, vợ chồng anh đã đi mua và chuẩn bị nào bánh kẹo, đồ ăn khô, lạp xưởng, trà, mắm ruốc… Không chỉ chuẩn bị quà cho con trai, vợ chồng anh Nguyên còn lo thêm phần cho đồng đội của con. Anh Nguyên trải lòng: “Tất cả chiến sĩ đều là những đứa con của đất nước, vợ chồng tôi cũng xem như con của mình. Bởi các cháu, đứa nào cũng xa nhà, đều cần tình cảm, cũng có sự nhớ nhung. Cho dù không phải ruột thịt gì, nhưng mình ra đảo, chỉ cần một cái bắt tay thôi thì các cháu cũng rất mừng”.

2. Trong số những thành viên đoàn công tác, có một thanh niên, dù không là nhạc sĩ, nhưng rất hay vác theo cây đàn, đó là Nguyễn Tam Nguyên (27 tuổi, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM), một trong những đại biểu trẻ tuổi tham gia đoàn công tác năm nay. Dù ngay sau khi đoàn trở về TPHCM vào chiều 26-4, thì sáng sớm hôm sau, Nguyên về Đồng Nai ngay để làm lễ cưới vợ, nhưng anh vẫn quyết tâm tham gia đoàn công tác với tinh thần: nếu có bị trễ chút xíu, hy vọng đằng gái sẽ… thông cảm.

Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (TPHCM) vừa có quyết định cấp học bổng toàn phần cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chiến sĩ xuất ngũ tại Trường Sa và nhà giàn DK1 với 100 suất học bổng toàn phần mỗi năm kể từ năm 2023. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, cho biết: “Tham gia cùng Đoàn Công tác số 5 - TPHCM, chúng tôi đã nhận thức hơn nữa giá trị của hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo của đất nước. Cấp học bổng hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đã công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là tấm lòng tri ân của tập thể sư phạm nhà trường đối với sự đóng góp của các chiến sĩ đang bảo vệ lãnh hải Tổ quốc”.

Ngoài hành trang là ba lô, máy ảnh, điện thoại giống như rất nhiều phóng viên khác, thì cây đàn guitar, một bộ amply cùng 20 bộ dây đàn, Tam Nguyên mang theo để làm quà cho chiến sĩ. Tại mỗi đảo, điểm đảo mà đoàn ghé thăm, Nguyên gửi tặng các chiến sĩ 3 bộ dây đàn; riêng tại đảo Trường Sa là cây guitar, bộ amply cùng 5 bộ dây. “Ở Trường Sa, chắc hẳn các chiến sĩ cũng có đàn rồi. Nhưng nếu lỡ đàn bị đứt dây không biết sẽ mua ở đâu. Và ý tưởng mua bộ dây đàn làm quà cho chiến sĩ lóe lên trong đầu tôi như vậy”, Nguyên cho biết.

Khi Tam Nguyên ngỏ lời mua bộ dây đàn để tặng các chiến sĩ Trường Sa với anh Nguyễn Bửu Thăng, một trong những nghệ nhân hiếm hoi ở TPHCM chuyên làm đàn guitar, không ngờ anh Bửu Thăng đã tặng luôn một cây guitar kèm theo 20 bộ dây. “Tôi có hỏi anh Thăng, tại sao lại tặng nhiều như vậy, mà giá trị cũng không nhỏ. Anh Thăng nói với tôi: Tặng quà cho anh em chiến sĩ thì không có gì phải tiếc”, Nguyên kể.

×

Bình thường, một cây đàn phải làm trong 5-6 tháng, nhưng để kịp ngày lên đường, nghệ nhân Nguyễn Bửu Thăng đã phải thức nguyên một đêm để ép gỗ, khắc tên, đánh bóng và khắc hình ảnh Trường Sa. Thực ra, cây đàn vẫn chưa hoàn thiện 100%, nếu có thêm thời gian để đánh bóng bề mặt thì cây đàn sẽ đẹp hơn. Đặc biệt, ngoài nghệ nhân Nguyễn Bửu Thăng, một người bạn khi hay tin cũng gửi tặng bộ amply để Tam Nguyên mang ra đảo. Anh Nguyên chia sẻ: “Đây là món quà chứa đựng rất nhiều tình cảm của người dân thành phố. Mong muốn lớn nhất của tôi là anh em chiến sĩ sẽ dùng cây đàn này để giải trí những lúc nhàn rỗi, giúp vơi đi những nhọc nhằn. Bởi tôi biết, điều kiện ở đảo vẫn còn khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, không được đầy đủ như ở đất liền”.

3. Những năm tháng còn là sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM, chị Ngô Thị Hiền (Bí thư Đảng ủy phường 10, quận 3, TPHCM) đã mơ ước được một lần đến Trường Sa sau những lần giao lưu văn nghệ, hay qua các thước phim về biển đảo. Tháng 4 năm nay, ước mơ của chị đã trở thành hiện thực. Chị Ngô Thị Hiền cho hay, đến gần ngày đoàn lên đường, chị mới nhận tin mình được bổ sung vào đoàn theo diện là điển hình trong công tác phòng chống dịch Covid-19. “Khỏi phải nói, tôi đã vui đến mức nào”, chị Ngô Thị Hiền tâm sự. Chỉ có 3 ngày chuẩn bị trước khi xuống tàu, chị Ngô Thị Hiền tranh thủ đọc rất nhiều bài báo về các chuyến thăm Trường Sa trước đây, để có những chuẩn bị cho mình cũng như mang theo được nhiều nhất những gì mà cán bộ, chiến sĩ và người dân ở huyện đảo Trường Sa đang cần.

Khi chia sẻ niềm vui được đến Trường Sa với một nhóm bạn thân, không ngờ chị nhận thêm rất nhiều gửi gắm từ bạn bè. “Không phải là vận động hay quyên góp, nhưng tôi nghĩ, có rất nhiều người cũng mong muốn được chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Mình may mắn có cơ hội được đi trước, biết đâu có thể làm cầu nối giúp những người bạn của mình”, chị Hiền bộc bạch. Ban đầu, chị Hiền và những người bạn dự tính tặng móc khóa, trong đó có mã QR thông tin về quận 3. “Nhưng một phần vì thời gian gấp gáp nên bên sản xuất không nhận, mặt khác, tôi cũng e ngại ngoài đó internet chưa phổ biến, các chiến sĩ cũng khó mà sử dụng được mã QR. Sau cùng, tôi và những người bạn quyết định mua bánh kẹo, lương thực, đồ chơi xếp hình lego”, chị Hiền kể.

Những ngày theo đoàn công tác đến thăm các đảo, điểm đảo, đến đâu, chị Ngô Thị Hiền cũng gửi những túi quà chứa đựng rất nhiều thương yêu từ đất liền. Cũng như những thành viên của Đoàn Công tác số 5 - TPHCM, những tấm lòng của các thành viên đoàn công tác như chị Hiền hay phóng viên Tam Nguyên cũng là tấm lòng của người dân TPHCM gửi đến Trường Sa…

TPHCM phát động chương trình “Vì Trường Sa xanh”

Chương trình “Vì Trường Sa xanh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động vào tháng 4-2023, được tiến hành trong giai đoạn 2023-2025 với số tiền 76 tỷ đồng, huy động mọi nguồn lực để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại rau xanh, cây xanh, đặc biệt là cây chắn sóng... tăng mật độ che phủ cây xanh trên các đảo, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, không gian xanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yên tâm sinh sống, công tác, giữ vững chủ quyền biển đảo. Qua đó, tạo thành phong trào lớn, thể hiện tình cảm quân, dân của TPHCM luôn một lòng hướng về biển đảo của Tổ quốc, từ đó sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của quê hương.

Số tiền ủng hộ sẽ được trao tặng nhân chuyến công tác của đoàn đại biểu TPHCM thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa hàng năm. Thông tin đóng góp, ủng hộ chương trình “Vì Trường Sa xanh”: Bằng tiền mặt tại Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, số 55 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1; bằng phương thức chuyển khoản đến Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, số tài khoản: 118000048170, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh TPHCM.

Các tin khác