Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp
Chiều 10-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các sở-ngành và 21 quận huyện, TP Thủ Đức. Chủ trì tại điểm cầu UBND TPHCM có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Đảm bảo 1.000 giường hồi sức (ICU) cho điều trị
Báo cáo tại cuộc họp, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM đang quản lý 2.600 ca F0, trong 24 giờ qua, ghi nhận 220 ca mắc trên địa bàn thành phố (bao gồm 161 người sàng lọc tại bệnh viện, 47 người phát hiện tại cộng đồng, 12 ca được phát hiện sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận huyện và bệnh viện dã chiến); tổng số ca nghi ngờ qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên 121 ca; không phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong ngày 9-2, có 81 ca nhập viện tại bệnh viện tầng 2, tầng 3. “Số ca mắc mới trên địa bàn TPHCM tập trung chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin và cho biết thêm, tính đến 11 giờ ngày 10-2, TPHCM đã tiêm được gần 19.981.407 mũi vaccine Covid-19, bao gồm 8.106.421 mũi 1, 7.294.716 mũi 2, 661.269 mũi bổ sung và 3.919.001 mũi nhắc lại.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, ngành y tế đang sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch và khám chữa bệnh sau Tết Nguyên đán và đang sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn. Tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 của quận huyện, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại Khu chế xuất Linh Trung và Khu Công nghệ cao TPHCM.
Bên cạnh đó, sắp xếp lại các bệnh viện chuyển đổi công năng và các bệnh viện tách đôi điều trị Covid-19 (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân), chuyển đổi các bệnh viện này phục hồi lại công năng và thành lập Khoa, đơn vị Covid-19.
“Hiện Trung tâm Hồi sức Covid-19 đã không còn bệnh, Sở Y tế đã trình UBND TPHCM tạm ngưng Trung tâm hồi sức này để sớm chuẩn bị đưa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động. Bên cạnh đó tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến số 6, 8, 12; duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16. TPHCM đảm bảo sẵn sàng 1.000 giường hồi sức (ICU) cho điều trị Covid-19 và khi cần thiết Sở Y tế sẽ kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện điều trị Covid-19 tạm ngưng hoạt động trong vòng 24 giờ”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.
Triển khai sớm tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, công tác tiêm vaccine chưa đạt được mục tiêu 80% người tiêm mũi 3, vì vậy các quận huyện cần chủ động, khẩn trương bằng mọi cách tìm ra những người chưa tiêm đủ để tiêm ngay.
Sở GD-ĐT phối hợp với các quận huyện có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine cho các em đến hẹn tiêm; triển khai sớm tiêm vaccine cho các em từ 5-11 tuổi theo tinh thần của Chính phủ là tự nguyện, không bắt buộc. TPHCM cần vận động để đạt được tỷ lệ tiêm cao nhất, đặc biệt là đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền.
Liên quan công tác xử lý F0, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị chủ động phát hiện ra các ổ dịch có nguy cơ cao (những hộ gia đình vừa đi du lịch dài ngày từ những địa phương khác trở về) để rà soát, vận động khai báo trung thực, khi có triệu chứng cần xét nghiệm để xử lý sớm.
“Phải quyết liệt, chủ động có trọng tâm, trọng điểm. Nơi nào có nguy cơ cao phải xét nghiệm, phát hiện sớm và có biện pháp hỗ trợ cho người dân điều trị để sớm bình phục”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu và cho biết, những ngày gần đây, số ca tử vong chủ yếu là những người nguy cơ cao, đa số những người tử vong từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về điều trị; trong đó người chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ chiếm tỷ lệ cao. Do đó, Sở Y tế cùng các quận huyện cần tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao để nâng cao hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, bắt đầu từ 14-2, học sinh trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp, Sở GD-ĐT cần phối hợp với Sở Y tế và các quận huyện làm tốt công tác chuẩn bị đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo quy trình tốt cho công tác dạy và học.
“Phải có cơ chế cập nhật thông tin thường xuyên, trao đổi thống nhất với ngành y tế để phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc và đảm bảo môi trường học tập cho các em học sinh an toàn nhất. Các trường mầm non phải được quan tâm đặc biệt, tạo sự yên tâm cho cha mẹ các cháu làm việc, sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.