(ĐTTCO) - Luật sư Trần Đình Triển - trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông không tham gia vụ việc liên quan đến Tân Hiệp Phát nhưng có đôi điều muốn gửi gắm đến người tiêu dùng và DN.
Tôi thấy lượng thông tin quá lớn, nên tham gia vài ý kiến. Tôi trân trọng cảm ơn nhiều ý kiến của các bạn đồng quan điểm; cũng cảm ơn các bạn có ý kiến trái chiều, tôi cho rằng đó là quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến,… Tuy nhiên, trên phương tiện thông tin đại chúng vẫn chưa kết thúc, vẫn có nhiều ý kiến nặng nề, cảm tính,… Vì lẽ đó, tôi xin trao đổi thêm:
Trước hết, chúng ta phải đồng nhận thức rằng: Hệ thống doanh nghiệp là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế, kinh tế không phát triển thì đời sống nhân dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề; Nhà nước không có nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ anh ninh - quốc phòng - phát triển xã hội - quản lý mọi mặt;…
Doanh nghiệp không có khách hàng thì coi như đã phá sản; vì vậy không chỉ cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm;…mà cần có chiến lược phát triển khách hàng; phải xác định “Khách hàng là ân nhân” để đối xử văn minh, lịch sự, vị tha,…
Mọi người cần ủng hộ và ưu tiên doanh nghiệp trong nước, đó cũng là chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới;…Cho nên nếu có sự cố nào đó xảy ra với doanh nghiệp, họ rất cần những ý kiến đóng góp đúng, hiểu họ và cùng họ tháo gỡ khó khăn, nhược điểm để đứng vững trên thị trường, ổn định, khắc phục thiếu sót để đi lên;… chứ không phải “dậu đổ bìm leo”, đổ thêm dầu vào lửa,… Nếu cứ tiếp tục như vậy thì không chỉ Công ty Tân Hiệp Phát mà các doanh nghiệp khác đều nản lòng.
Về người tiêu dùng: Họ có quyền mua hay không. Hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì họ mua. Doanh nghiệp phải lấy tiêu chí vì con người để đáp ứng nhu cầu của xã hội; lắng nghe ý kiến khách hàng để đổi mới kỹ thuật, chất lượng và mẫu mã, hướng dẫn bảo quản và sử dụng,…
Khách hàng cũng cần có nguyên tắc tôn trọng doanh nghiệp, đóng góp ân tình, nếu doanh nghiệp có sai sót sản phẩm thì cùng trao đổi, thương lượng, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật;… không vì động cơ tư lợi, tìm mọi cách để doanh nghiệp đáp ứng nguyện vọng phi pháp của mình.
Từ những vấn đề có tính nguyên tắc nêu trên, tôi muốn mọi người bình luận anh Võ Văn Minh có phạm tội hay không? Cơ quan điều tra có vi phạm tố tụng hay không? Tân Hiệp Phát có gài bẫy và bội ước với khách hàng hay không?
Một là: Vụ việc của anh Võ Văn Minh.
Khi anh Minh có trong tay chai nước ngọt mang nhãn mác của Tân Hiệp Phát, trong đó có con ruồi, anh Minh gọi điện đến Tân Hiệp Phát, Tân Hiệp Phát cử cán bộ đến gặp trực tiếp, anh Minh yêu cầu phải chi 1 tỷ đồng, nếu không sẽ công khai vụ việc này.
Cán bộ Tân Hiệp Phát đã giải thích, mẫu chai là của Tân Hiệp Phát, còn con ruồi trong chai là không thể có được vì dây chuyền sản xuất không thể có hậu quả đó và đề nghị đổi cho anh Minh hai két nước cùng loại và một thùng nước đá; nhưng anh Minh không chấp nhận (Có biên bản ghi nhận, có chữ ký của hai bên về nội dung trên).
Anh Minh tiếp tục gọi điện đến Tân Hiệp Phát đe dọa làm mất uy tín Tân Hiệp Phát; Tân Hiệp Phát tiếp tục cử cán bộ đến làm việc với anh Minh, anh Minh đưa ra yêu cầu phải đưa 500 đến 600 triệu, nếu không sẽ in 5.000 tờ rơi và cung cấp cho 2 trang thông tin (nêu cụ thể).
Sau đó, anh Minh tiếp tục gọi nhiều cuộc điện thoại đến Tân Hiệp Phát đe dọa; buộc Tân Hiệp Phát phải có đơn trình báo cơ quan Công an.
Theo nguyện vọng và sự đe dọa của anh Minh, Tân Hiệp Phát giao tiền 500 triệu cho anh Minh thì bị cơ quan công an bắt giữ.
Bản án của Tòa phân tích, lời khai của anh Minh tại cơ quan điều tra đã thừa nhận có đe dọa Tân Hiệp Phát để nhận số tiền trên.
Giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Nắp chai nước ngọt không còn nguyên vẹn, có dấu vết cạy mở từ dưới lên.
Hành vi như vậy, theo các bạn anh Minh có phạm tội không?
Hai là: Cơ quan điều tra có vi phạm tố tụng không?
Một số ý kiến nêu không hết nội dung vụ việc, và cho rằng cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khi điều tra viên cùng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tân Hiệp Phát tham gia xét hỏi bị can Võ Văn Minh.
Sự thật là: Với mong muốn khẳng định quá trình điều tra không bức cung, mớm cung, dụ cung,…Cơ quan điều tra đã tổ chức phiên xét hỏi có cả Kiểm sát viên, luật sư bào chữa cho anh Minh và luật sư bên Tân Hiệp Phát cùng tham gia; chứ không phải chỉ điều tra viên với luật sư bên Tân Hiệp Phát.
Như vậy, theo các bạn có vi phạm tố tụng không?
Ba là: Tân Hiệp Phát có cài bẫy anh Minh và thiếu thiện chí với khách hàng không?
Về nội dung vụ việc, hành động của anh Minh như trên, dẫn đến Tân Hiệp Phát phải báo cáo cơ quan Công an.
Trước khi vụ việc của anh Minh xảy ra khoảng 15 ngày, thì Tân Hiệp Phát vừa giải quyết một vụ việc là: Một nhân viên đưa một chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát, bên trong có một ốc vít, khi xác minh làm rõ thì nhân viên này khai: Do một phóng viên của một tờ thông tin nho nhỏ… chỉ đạo bỏ ốc vít vào để kiếm cớ với Tân Hiệp Phát.
Hiện nay, mặc dù vụ việc anh Minh đang rầm rộ trên báo chí, vậy mà có một đối tượng tiếp tục dùng một chai nước có lỗi và cho rằng là của Tân Hiệp Phát để đe dọa Tân Hiệp Phát phải chi 100 triệu đồng.
Với tình hình thực tế như vậy, Tân Hiệp Phát phải làm thế nào để ngăn chặn và đối xử văn minh với khách hàng? Các bạn thử góp ý xem.
Tôi không biết gì về Tân Hiệp Phát và cũng chưa làm luật sư cho Tân Hiệp Phát, nhưng trước một thực tế thương trường đang diễn ra cạnh tranh thiếu lành mạnh; nếu chúng ta nhận thức không đúng, hành động sai lầm thì sẽ đẩy hệ thống doanh nghiệp đến bờ vực thẳm. Mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển cho dân giàu nước mạnh có thực hiện được không?
Tôi cũng không thể chấp nhận được có thông tin viết: Ông chủ Tân Hiệp Phát là người Trung Quốc, dây chuyền sản xuất là của Trung Quốc,… trong khi ông chủ Tân Hiệp Phát là thành viên trong Ban liên lạc họ Trần Việt Nam, dây chuyền sản xuất nhập và được sản xuất tại Đức, chỉ một số công cụ nhỏ sản xuất tại Trung Quốc,… “Không ưa đổ cho dưa khú” viết lên như vậy.
Một số bạn bình luận nói tôi là Văn phòng Luật sư Vì Dân sao lại bảo vệ DN mà không bảo vệ cá nhân? Tôi xin trả lời rằng: Luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, chính là cũng vì dân; bảo vệ sự đúng đắn của doanh nghiệp để nền kinh tế nước nhà phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách,.. đó cũng chính là vì dân.