Tan hoang rừng tái sinh - Ai chịu trách nhiệm?

(ĐTTCO)-Tại huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), cuộc chiến giữ rừng vẫn luôn nóng bỏng dù Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng. Mới đây, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan bảo vệ rừng, các đối tượng đã lẻn vào chặt phá nhiều cây gỗ lớn và đốt rụi khoảng 10ha rừng tái sinh. 
Một thân cây lớn bị chặt hạ và đốt cháy
Một thân cây lớn bị chặt hạ và đốt cháy

Chạy lòng vòng qua nhiều đoạn đường đất đỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi đến được khu vực có rừng bị tàn phá tại Tiểu khu 52 (thôn Bù Ka, xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắc Mai. Tại các khoảnh 1, 2 thuộc Tiểu khu 52 có khoảng 10ha trong diện tích 23ha rừng tái sinh nằm ở khu vực triền đồi thoai thoải đã bị chặt phá, đốt cháy.

Xen giữa những bụi lồ ô rậm rạp đã lụi tàn có nhiều gỗ lớn như lim xẹt, cám đã bị chặt hạ trơ gốc, trong đó có cây dài gần 20m đã bị chặt hạ không thương tiếc và các đối tượng chưa kịp tẩu tán ra khỏi rừng. Gần khu vực rừng bị phá còn có một lều trại được dựng bằng gỗ nứa, quây bạt, giường, can đựng xăng. 

Anh H., một người dân trong vùng cho biết, khoảng trung tuần tháng 3 có một nhóm đối tượng ngang nhiên đốt phá. Vụ việc diễn ra trong nhiều ngày nên cả chục hécta rừng tái sinh trở thành đống tro tàn. Người dân địa phương cho biết thêm, vụ việc được phát hiện vào ngày 17-3-2019. Các đối tượng phá, đốt rừng là những người dân trong vùng, được một người ngụ huyện Phước Long thuê mướn với mục đích phát dọn để trồng cao su. Thời gian phát dọn diện tích rừng nói trên diễn ra vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2019. 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Gia Mập Trần Quốc Hùng khẳng định, không hề hay biết đến vụ chặt phá, đốt rừng nói trên và cho rằng cơ quan kiểm lâm có thiết bị theo dõi nên khi xảy ra vụ việc sẽ có thông báo trên hệ thống của đơn vị. 

Còn ông Đặng Khiết, Giám đốc BQLRPH Đắc Mai trưng ra hồ sơ xác nhận vụ việc xảy ra cách đây khoảng 1 tháng, song trong hồ sơ khu vực này gọi là “đất trống”. Khi phóng viên cung cấp hình ảnh hiện trường thì ông Khiết phân trần, khu vực bị chặt, đốt cháy chủ yếu là rừng lồ ô và có một số cây gỗ tái sinh nhưng không nhiều (!?). 

Theo tài liệu thu thập được, vào năm 2017, Công ty TNHH MTV Cao su Phước Long (Công ty Cao su Phước Long) đã có nhiều văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước xin tiến hành trồng rừng sản xuất ngay tại khoảnh 1, 2 thuộc Tiểu khu 52 và thực hiện các nội dung hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ thiết kế trồng rừng.

Tiếp đó, Công ty Cao su Phước Long đã cùng Công ty TNHH An Huy (Công ty An Huy) ký kết hợp đồng liên doanh về việc trồng rừng sản xuất cây lâm nghiệp, song không thực hiện được. Đến đầu năm 2019, Công ty Cao su Phước Long tiếp tục tiến hành các bước trồng rừng. Các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thủ tục hồ sơ của công ty không còn phù hợp nên yêu cầu dừng việc trồng rừng. 

Trước tình trạng nhùng nhằng trong quản lý rừng xảy ra trên địa bàn, ngày 5-3-2019, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập đã triệu tập cuộc họp nghe báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có nội dung liên quan đến hoạt động trồng rừng. Tại cuộc họp, huyện đã yêu cầu BQLRPH Đắc Mai có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, không để xảy ra cháy hoặc tác động khác đến toàn bộ hiện trạng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được tỉnh giao. Đặc biệt ngưng toàn bộ hoạt động trồng rừng sản xuất tại đây và giữ nguyên hiện trường; tăng cường quản lý, bảo vệ đảm bảo công việc phòng cháy chữa cháy. 

Tuy vậy vụ việc chặt phá 10ha rừng tái sinh hiện vẫn chưa rõ trách nhiệm của đơn vị nào.

Các tin khác