Tăng cường công tác phòng chống dịch trong tình hình mới

(ĐTTCO)-Ngày 12-3, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị số 26-CT/TU về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Tăng cường công tác phòng chống dịch trong tình hình mới
Theo đó, để công tác phòng chống dịch Covid-19 được hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư ngày 7-3 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định ở giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất, là tiền đề để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và tiến hành Đại hội Đảng các cấp.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh tại từng đơn vị, địa phương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.
Huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng phòng chống dịch của ngành y tế các quận huyện và TP, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến phường xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và gia đình trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; có phương án đảm bảo an toàn cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan mình, không để cơ quan có người bị lây nhiễm dịch bệnh, dẫn đến phải đóng cửa cơ quan, làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc của mỗi cơ quan, quận huyện và thành phố, giảm sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang của TP.
Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát nhiều quy mô khác nhau, đối tượng khác nhau, môi trường khác nhau ở cấp thành phố, hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận huyện xác định các nhiệm vụ tại chỗ và phương án tại chỗ của mình trong các tình huống dịch bệnh khác nhau.
Phát huy hiệu quả phương châm 5 tại chỗ, hết sức chủ động, bình tĩnh ứng phó mọi tình huống. Thực hiện truyền thông kịp thời, chính xác trên diện rộng để mọi người dân, người nước ngoài đang sinh sống tại TP nâng cao ý thức tự phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.
Phát hiện sớm những trường hợp nghi vấn, báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để giám sát, khoanh vùng kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Xem việc tự cách ly và thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình, bạn bè, người thân về nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 là trách nhiệm, quy tắc sống cần tuân thủ.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam cả ba con đường: hàng không, đường bộ, đường thủy, trọng tâm là người đến từ vùng có dịch. Tổ chức sàng lọc những người có nguy cơ nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Song song đó, chỉ đạo UBND các quận huyện tiếp tục tăng cường triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi vấn để thực hiện các biện pháp y tế, khoanh vùng để dập dịch kịp thời, tại chỗ; thực hiện cách ly hợp lý những người có nguy cơ lây nhiễm theo mức độ của nguy cơ; quản lý, giám sát chặt chẽ những người đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực và trốn khỏi nơi cách ly; triển khai thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo Sở Y tế tổ chức thực hiện nghiêm việc theo dõi tình hình sức khỏe của người đang được giám sát tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nơi cư trú, lưu trú, khách sạn.
Thành phố đầu tư cơ sở vật chất, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế, máy trợ thở, xét nghiệm, xe chuyển bệnh, hóa chất, vật tư, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cho bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung và các cơ sở y tế; đảm bảo đầy đủ trang phục bảo hộ, các phương tiện chống dịch, chế độ cho nhân viên y tế, không để nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ; đảm bảo các chế độ cho người mắc bệnh và người bị cách ly y tế.
Chỉ đạo Sở Tài chính đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, cách ly và kinh phí trang bị khẩu trang miễn phí cho học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Chỉ đạo Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, dung dịch rửa tay kháng khuẩn, xà phòng diệt khuẩn... đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của học sinh, cán bộ, công chức và nhân dân thành phố; tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tăng giá; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân.
Chỉ đạo Bộ Tư lệnh TP có phương án triển khai các khu cách ly tập trung, phối hợp Công an thành phố huy động toàn lực lượng, tập huấn, xây dựng các phương án ứng phó với dịch bệnh trong phương án của toàn thành phố khi dịch bệnh lan rộng. Trong trường hợp dịch bệnh được khoanh vùng một địa bàn cụ thể, huy động Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp lực lượng vũ trang thành phố kiểm soát địa bàn, khoanh vùng chống dịch, hỗ trợ đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động và giám sát, đặc biệt là nơi tập trung đông người, đảm bảo phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ (cà phê, quán nét, nhà hàng, siêu thị...), dán khẩu hiệu và nội dung tuyên truyền, đảm bảo có khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn đầy đủ.
Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh; phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ mức độ, liều lượng thông tin tuyên truyền, không gây tâm lý “hoang mang” nhưng cũng không tạo tâm lý “chủ quan” trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng định hướng; xử lý nghiêm các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch bệnh.
Giao Ban Thường vụ Thành đoàn phát huy tinh thần xung kích, theo sự hướng dẫn của Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đội ngũ y, bác sĩ trẻ tuổi của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố sẵn sàng tham gia tình nguyện phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu.

* Sức khỏe các ca nhiễm mới được kiểm soát tốt

Ngày 12-3, Bộ Y tế cho biết tới 19 giờ cùng ngày, cả nước đã có 44 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 6 ca (từ ca bệnh 39 đến 44) tại Hà Nội và Bình Thuận. Đáng chú ý, đối với 5 ca mắc mới tại tỉnh Bình Thuận đều tiếp xúc gần, hay liên quan tới bệnh nhân số 34 đã được công bố vào ngày 10-3. Theo đó, qua báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang thì 5 ca bệnh này là: ca bệnh 40 là bệnh nhân nữ (2 tuổi, ở TP Phan Thiết); ca bệnh 41 là bệnh nhân nam (59 tuổi, ở TP Phan Thiết); ca bệnh 42 là bệnh nhân nam (28 tuổi, ở TP Phan Thiết); ca bệnh 43 là bệnh nhân nữ (47 tuổi, ở TP Phan Thiết) có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 38 (bệnh nhân 38 là con dâu của bệnh nhân 34); ca bệnh 44 là bệnh nhân nam (13 tuổi, ở huyện Hàm Thuận Bắc) có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 37 là nhân viên của bệnh nhân 34. Có thể thấy tại ổ dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận, số người mắc không chỉ tiếp tục gia tăng mà đã có sự lây lan trong cộng đồng từ F0 tới F1 rồi lây sang F2.

Ngày 12-3, trao đổi với báo chí về tình hình sức khỏe của các trường hợp nhiễm dịch Covid-19 gây ra tại nước ta, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, tất cả 23 bệnh nhân (từ ca thứ 17 tới 39) đang được điều trị cách ly tại một số bệnh viện trong cả nước, đến nay chưa có bệnh nhân Covid-19 nào phải thở máy hay phải thở hỗ trợ bằng các biện pháp thở xâm lấn. “Các bác sĩ đã kiểm soát được tình hình. Phần lớn bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe diễn tiến tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Ngày 12-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin về việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN với nội dung quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ hôm nay (13-3).

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa yêu cầu toàn ngành ngân hàng triển khai một số nội dung, giải pháp cấp bách phòng chống dịch trong hệ thống. Đặc biệt, loại tiền cũ khi các TCTD, Kho bạc Nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra tùy thuộc vào khả năng cân đối của từng NHNN chi nhánh.

Các tin khác