Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Canada

(ĐTTCO) - Việt Nam và Canada vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác về kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và năng lượng, thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Hợp tác cùng Saskatchewan" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Còn nhiều dư địa

Phát biểu tại sự kiện, ông Honorable Warren Kaeding, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển xuất khẩu, Chính phủ tỉnh bang Saskatchewan (Canada), khẳng định tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và tỉnh bang Saskatchewan không chỉ có trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu thực phẩm mà còn ở các lĩnh vực năng lượng, công nghệ sinh học và phát triển bền vững.

Việt Nam và tỉnh bang Saskatchewan có thể tận dụng thế mạnh bổ sung lẫn nhau để thúc đẩy hợp tác lâu dài và bền vững. Cụ thể, Saskatchewan hiện đang nổi bật với những thế mạnh vượt trội trong nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng tái tạo và công nghệ.

Được biết đến là vựa lúa mì lớn nhất của Canada, tỉnh bang này cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các loại nông sản quan trọng như hạt lúa mì, ngô, đậu tương.

z6329471819134_6add4c729d28793cd8e8892330bf2414.jpg
Ông Honorable Warren Kaeding, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Xuất khẩu, Chính phủ tỉnh bang Saskatchewan

Đặc biệt, trong năm 2024, Saskatchewan đã xuất khẩu 10,1 tỷ CAD (tương đương 7,11 tỷ USD) sang khu vực châu Á, trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam đạt 130,6 triệu CAD (tương đương 92,6 triệu USD), một minh chứng rõ ràng về sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai bên.

Không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, Saskatchewan còn sở hữu trữ lượng khoáng sản phong phú, bao gồm kali và uranium, đóng vai trò quan trọng trong ngành phân bón và năng lượng hạt nhân toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh bang này đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), cùng với các sáng kiến nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ sinh học.

Theo ông Kaeding, những thế mạnh này sẽ là nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác giữa Saskatchewan và Việt Nam. Trong đó, với nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm nông nghiệp và phân bón, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc nhập khẩu các sản phẩm chủ lực như lúa mì, hạt cải dầu, kali từ Saskatchewan.

Đồng thời, khi Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng sạch, Saskatchewan sẵn sàng chia sẻ các công nghệ tiên tiến về CCS, phát triển uranium cho năng lượng hạt nhân và cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo.

z6329471793343_772804d96be3e716f13be8dce790de45.jpg
Diễn đàn “Hợp tác cùng Saskatchewan (Canada)” diễn ra tại Hà Nội

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế và nghiên cứu khoa học cũng tạo ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Saskatchewan, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Ông Kaeding cho biết Saskatchewan đã và đang mở rộng sự hiện diện tại châu Á với 5 văn phòng thương mại tại các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore.

“Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực và thời gian vào khu vực Châu Á đầy năng động này vì nhận thấy có rất nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng cùng có lợi giữa Saskatchewan và các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam không chỉ có nhiều giá trị để mang đến cho chúng tôi mà Saskatchewan cũng có thể đóng góp nhiều lợi ích cho Việt Nam”, ông Kaeding nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác

Kể từ năm 2015, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vượt qua những thử thách của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Trong năm 2024 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đã đạt 7,24 tỷ USD, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Canada vào Việt Nam đạt 73,15 triệu USD.

Với những kết quả ấn tượng này, Canada không ngừng nỗ lực mở rộng và thắt chặt hợp tác với Việt Nam. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các tỉnh bang của Canada, đặc biệt là Saskatchewan, sẽ mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và kết nối giữa hai bên trong thời gian tới.

Đơn cử lĩnh vực nông nghiệp, hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa hợp tác. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 10 tỷ USD thức ăn gia súc mỗi năm nhưng mới chỉ nhập khẩu từ Canada khoảng 30 triệu USD.

Bởi vậy, hai bên hoàn toàn có thể mở rộng hợp tác để đảm bảo nguồn cung ổn định, đồng thời góp phần gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Việt Nam cũng quan tâm đến việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu. Đây là một hướng đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.

Do đó, phía Canada đã đề xuất mở rộng hợp tác với Việt Nam trên 4 lĩnh vực chính là tăng cường trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước; ứng dụng công nghệ giúp giảm thiểu tác động môi trường từ sản xuất nông nghiệp; phát triển và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp.

Ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam, đánh giá, thương mại giữa Việt Nam và Canada đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, nhờ vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và việc giảm thuế quan trong nhiều năm vừa qua.

“Chính vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa Việt Nam và Canada cũng như các địa phương của hai bên không kém phần quan trọng so với việc giảm thuế. Và sự hiện diện của tỉnh bang Saskatchewan tại Việt Nam chính là một minh chứng rõ ràng cho cam kết này của Canada trong với hoạt động thúc đẩy thương mại Việt Nam”, Đại sứ Shawn Steil chia sẻ.

Các tin khác