Đây là năm thứ 8 TPHCM tổ chức hội nghị, là chương trình xúc tiến thương mại lớn nhất trong năm nhằm tạo không gian trao đổi, mua và bán hàng hóa hiệu quả cho các doanh nghiệp (DN).
Đặt mục tiêu hơn 500 hợp đồng được ký kết
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết hội nghị kết nối cung - cầu năm nay thu hút 2.341 DN đến từ 45 địa phương của cả nước. Đáng chú ý, hội nghị năm nay sẽ giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng của 558 DN trưng bày tại 449 gian hàng.
Đây cũng là nơi để nhà sản xuất và phân phối gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm, bàn bạc để ký kết thỏa thuận hợp tác và bao tiêu sản phẩm. Trong đó, các hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Satra, Big C… cung cấp thông tin về quy trình sản xuất và đóng gói để nhà cung cấp từ các tỉnh thành có thể hình dung công đoạn sản xuất các sản phẩm này, từ đó tạo thêm nguồn cung về thực phẩm sạch cho thị trường thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm xem sản phẩm cơ khí công nghiệp chủ lực giới thiệu tại gian hàng TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Các DN và hợp tác xã đã mang đến hội nghị nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo và là đặc sản của từng địa phương như nhãn xuồng cơm vàng, sữa ong chúa, trà lá sen, yến sào, rượu sâm nhung, bánh khô mè, sản phẩm mây tre nứa, bưởi cốm, thanh trà, tinh bột sắn, sản phẩm từ đá (tranh đá quý, bột đá, đá cục), nho, táo và các loại rong biển của Bình Thuận, bưởi da xanh, quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, các loại đặc sản khô (khô cá lóc, tôm khô, khô cá sặc)…
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá rất cao kết quả thực hiện chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành. Có được kết quả này là nhờ sự cộng hưởng của nhiều phía, từ lãnh đạo các tỉnh thành đến DN chủ động trong xúc tiến, đưa hàng hóa của các vùng, miền tiếp cận với người tiêu dùng thành phố và ngược lại.
Mỗi năm, số lượng DN đến từ các tỉnh thành cũng như các hợp đồng nguyên tắc được ký kết tại hội nghị không ngừng gia tăng. Nếu năm đầu tiên 2012, hội nghị chỉ thu hút 14 tỉnh thành tham gia với 43 hợp đồng ký kết, thì đến năm 2019 đã tăng lên 45 tỉnh thành, số lượng hợp đồng ký kết dự kiến sẽ vượt con số 500.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh các DN, nhà phân phối, hội nghị đã thu hút đông đảo người dân TPHCM đến tham quan và mua sắm hàng hóa. Các mặt hàng được khách hàng chọn mua là hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm chế biến, trà, cà phê, hàng may mặc và hàng đặc sản vùng, miền.
Đưa thực phẩm an toàn vào nhà hàng, khách sạn
Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2019, Sở Công thương TPHCM phối hợp Sở Du lịch và Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch”.
Khách nước ngoài tìm hiểu sản phẩm công nghiệp chủ lực tại gian hàng TPHCM
Ảnh: CAO THĂNG
Ảnh: CAO THĂNG
Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, mục tiêu của hội thảo mong muốn nâng cao ý thức người sản xuất, lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu; đây là yêu cầu cấp bách không chỉ của người tiêu dùng TPHCM, mà còn của người tiêu dùng cả nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các đơn vị khách sạn, nhà hàng trong việc phục vụ các món ăn, thức uống cho khách hàng phải đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt nhất.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết thành phố hiện có 4.000 cơ sở lưu trú du lịch, 150 khách sạn 3 - 5 sao và hàng ngàn các cơ sở kinh doanh ăn uống. Nhưng đến nay mới chỉ rất ít các cơ sở đạt chuẩn phục vụ du khách. Do vậy, việc sử dụng nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn trở thành vấn đề nóng bỏng nhằm chung tay xây dựng, giữ gìn hình ảnh và thương hiệu du lịch TPHCM.
Đi vào thực tế, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối để đưa thực phẩm an toàn vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn. Nhưng chỉ sau 5 - 10 lần lấy hàng với đầy đủ giấy chứng nhận rồi các nhà hàng lại tiếp tục ra chợ mua thực phẩm về nấu bán.
Hoặc cũng có trường hợp, phía nhà bếp làm khó các DN, nói là hàng không đảm bảo chất lượng để “bẻ cò”, vì các nhà cung cấp không thực hiện chiết khấu cho nhà bếp. Khi phát động thì nhà hàng nào cũng nói cần thực phẩm sạch, nhưng chỉ thực hiện trong thời gian rất ngắn. Khoảng cách cung cấp thực phẩm sạch giữa nhà cung cấp và các nhà hàng, khách sạn còn rất xa.
Tại hội thảo, nhiều DN sản xuất cho rằng, họ không thể tiếp cận được bộ phận thu mua tại các hệ thống nhà hàng và khách sạn 3 - 5 sao vì nhiều nguyên nhân. Nếu ý thức về an toàn thực phẩm và đạo đức kinh doanh của người kinh doanh không nâng lên thì các sản phẩm an toàn mãi mãi đứng bên ngoài thực đơn!
Chia sẻ vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, thông tin đây là vấn đề diễn ra khá phổ biến và cũng có tình trạng các chủ khách sạn bị “qua mặt”. Do vậy, khi ban đi kiểm tra là xét trên thực tế hóa đơn mua hàng chứ không xét trên hợp đồng mua bán.
Sau khi kiểm tra hóa đơn thì cũng phải kiểm tra chéo với các nhà cung cấp xem có đúng như vậy không. “Phải sòng phẳng trong mua bán và phải đặt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khách sạn thì may ra việc công khai, minh bạch nguồn gốc thực phẩm mới có tác dụng”, bà Phong Lan nói.
Ghi nhận các khó khăn mà các DN nêu tại hội thảo, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết từ cuối năm 2018 TPHCM đã có ký kết liên tịch giữa Sở Công thương, Du lịch và Ban Quản lý ATTP để phối hợp giải quyết các vấn đề cung ứng sản phẩm sạch cho nhà hàng, khách sạn, với nhiều giải pháp được đưa ra.
Gần đây nhất, ngày 13-9, thành phố cũng có văn bản gửi các nhà hàng, khách sạn khuyến cáo, nếu các đơn vị còn thiếu trách nhiệm về nguồn gốc chất lượng nguyên liệu đầu vào để chế biến thực phẩm phục vụ khách hàng mà bị các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc, như công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong giai đoạn 2017 đến hết tháng 6-2019, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã tiến hành kiểm nghiệm hơn 19.000 mẫu. “Đây là một số lượng rất lớn so với giai đoạn năm 2015 và 2016 chỉ kiểm tra được hơn 4.000 mẫu. Thực tế có tới hơn 10% số mẫu không đáp ứng về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, ban sẽ tăng cường các đợt kiểm tra, các đơn vị vi phạm nhiều lần sẽ bị bêu tên trên trang web, đồng thời có biện pháp xử lý thật nghiêm”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định. |