Tạo cơ hội đánh giá, xếp hạng độc lập

Sau khi ĐTTC đăng tải loạt bài “TTCK và những bộ lọc dở dang”, đã có nhiều bạn đọc, chuyên gia gửi ý kiến phản hồi nhằm làm rõ thêm một số vấn đề cũng như góp ý thêm các giải pháp. Toà soạn xin tổng hợp một số ý kiến đáng chú ý.

Sau khi ĐTTC đăng tải loạt bài “TTCK và những bộ lọc dở dang”, đã có nhiều bạn đọc, chuyên gia gửi ý kiến phản hồi nhằm làm rõ thêm một số vấn đề cũng như góp ý thêm các giải pháp. Toà soạn xin tổng hợp một số ý kiến đáng chú ý.

Xếp loại CTCK

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường ĐH Mở TPHCM, phân tích: Việc UBCKNN xếp loại CTCK theo chuẩn CAMEL cho thấy  tập trung vào đánh giá khả năng quản trị rủi ro của CTCK. Nhưng CTCK quản trị rủi ro tốt nhất hoặc có ít rủi ro trong hoạt động không đồng nghĩa với CTCK tốt nhất.

Cơ quan quản lý hỗ trợ cho các công ty cũng chính là góp phần chia sẻ, chuyên môn hóa cho công tác đánh giá, xếp loại, qua đó hoàn tất những bộ lọc trên TTCK, đem lại lợi ích cho tất cả các bên, chấm dứt tình trạng dở dang hiện nay.

Cách xếp loại này sẽ giúp UBCKNN quản lý hoạt động các CTCK tốt hơn, nhưng lợi ích đem lại cho NĐT vẫn còn để ngỏ. Thí dụ, để đánh giá chất lượng dịch vụ của CTCK, cần có những khảo sát chuyên sâu, cụ thể, thậm chí phải lấy ý kiến trực tiếp từ các NĐT. Một vướng mắc khác trong việc xếp loại CTCK nằm ở chất lượng của dữ liệu trong các loại báo cáo như báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng…

Những báo cáo này là đầu vào để tính toán một loạt các chỉ tiêu quan trọng nhằm xếp hạng CTCK. Mặc dù đều được kiểm toán nhưng thành thực mà nói mức độ chính xác, tính minh bạch liên quan đến báo cáo chưa đồng đều. Nếu đã không chuẩn ngay từ đầu vào thì khó ổn đầu ra. Với trường hợp này, cần phải đưa vào thêm những thang điểm để đánh giá. Chẳng hạn BCTC của CTCK được công ty kiểm toán lớn thực hiện sẽ phải có điểm khác với các công ty kiểm toán nhỏ.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs, chuẩn hóa dữ liệu là điều kiện cần trong việc xếp loại CTCK nói riêng, hoặc thực hiện các bộ lọc khác trên TTCK nói chung, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, đánh giá dựa trên dữ liệu có thể thiên về định lượng nhiều hơn định tính, hay tập trung mổ xẻ quá khứ mà bỏ qua những rủi ro về tương lai.

Điển hình là việc một số CTCK những năm trước đây công bố thị phần lớn, tốc độ tăng trưởng, mở rộng cao, nhưng giờ đang phải lãnh quả đắng vì đã chọn hướng đi quá “nóng”. Với nhiều tiêu chí, yêu cầu cao và khối lượng công việc lớn như vậy, việc phải có những đơn vị độc lập tham gia đánh giá, xếp loại, lập ra các bộ lọc trên TTCK là điều tất yếu.

Nâng cấp các công ty mua bán dữ liệu

NĐT Nguyễn Minh Hà (TPHCM) đã chỉ ra một thực tế đáng buồn: Các công ty ngay từ đầu thành lập với định hướng cung cấp dữ liệu từ thô đến tổng hợp trên TTCK đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn trong hoạt động. Tiêu biểu như trường hợp của công ty V. cách đây 4-5 năm đã tổ chức xếp loại CP rất hoành tráng nhưng sau đó đã không thể duy trì hoạt động của mình.

Bộ lọc hoàn chỉnh sẽ trợ lực cho NĐT rất lớn, tạo thêm niềm tin. Ảnh: LONG THANH

Bộ lọc hoàn chỉnh sẽ trợ lực cho NĐT rất lớn, tạo thêm niềm tin. Ảnh: LONG THANH

Do vậy về lâu dài, việc có những dịch vụ để “trợ lực” NĐT là điều tất yếu và đó cũng là lúc để các công ty cung cấp dữ liệu phát triển. Nhưng chỉ e rằng, nhiều công ty khi chưa tới đích đã “chết yểu” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Công ty A., công ty B. chào giá cho NĐT C. gói dữ liệu thông tin tài chính giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Nhưng lại có công ty E. nào đó đưa những dữ liệu cũng ở mức “một chín một mười” lên website cho NĐT sử dụng miễn phí. Thử hỏi, NĐT cá nhân yêu cầu về dữ liệu cũng không quá cao sẽ chọn phương án trả tiền hay xài “free”?

Trong xu hướng giành giật khách hàng hiện nay, CTCK cũng có thể tham gia hỗ trợ khách hàng bằng cách xử lý các thông tin, số liệu trong một phạm vi nào đó theo yêu cầu của khách. Quá nhiều dịch vụ free, trong khi tính phí cũng không quá vượt trội hoặc cũng chưa đến lúc cần thiết, tất nhiên chẳng ai muốn bỏ tiền ra. 

TS. Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm, các công ty cung cấp dữ liệu nếu muốn tiếp tục con đường trở thành những đơn vị xếp hạng, đánh giá độc lập cần tập trung xây dựng theo 2 trụ cột chính là cơ sở dữ liệu và chất lượng nhân sự. Muốn vậy cần phải tiến hành tái cấu trúc 3 yếu tố bao gồm dòng tiền, chiến lược duy trì hoạt động và xây dựng tính độc lập.

Ông Hoàng Thạch Lân cho rằng, nhu cầu về dữ liệu mặc dù không gia tăng, nhưng cũng không giảm mạnh và có xu hướng được duy trì. Các CTCK giờ đây trong xu hướng tiết giảm chi phí, tinh gọn đội ngũ sẽ sử dụng các dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) về dữ liệu thay vì có một đội ngũ như trước. Như vậy, nếu các công ty dữ liệu trên TTCK duy trì nguồn thu cũng như nỗ lực gia tăng chất lượng dịch vụ của mình vẫn có thể đủ khả năng để tái cấu trúc thành công và vượt qua giai đoạn sóng gió.

Nâng cấp các tiêu chí

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, chỉ ra rằng việc UBCKNN đưa ra 5 chỉ tiêu bao gồm vốn C, tài sản A, quản trị M, hiệu quả kinh doanh E và thanh khoản L để đánh giá công ty quản lý quỹ thoạt nhìn rất chi tiết, vì ngay cả các bộ đánh giá của nước ngoài cũng thường chỉ dùng khoảng 2 chỉ tiêu mà thôi.

Tuy nhiên, nếu đi vào cách đánh giá từng chỉ tiêu của UBCKNN thì lại khá sơ sài. Cũng tương tự, đã có không ít trường hợp đánh giá, xếp loại trên thị trường những năm qua nhìn chung khá ổn về mặt phương pháp luận, mục đích, nhưng lại làm không tới nơi.

Nên chăng, cần có một giải pháp kết hợp giữa cơ quan quản lý và các đơn vị khác trong việc đánh giá xếp loại? Tại một số quốc gia trên thế giới, thường cơ quan quản lý sẽ đưa ra một bộ khung tiêu chuẩn nhất định trong việc đánh giá, xếp loại, mang tính định hướng với sự góp ý của cả các thành viên TTCK, còn việc triển khai cụ thể, chi tiết như thế nào sẽ do các đơn vị khác thực hiện.

Luật sư Trần Minh Hải nói: "Có bao nhiêu bộ lọc, xếp loại từ các cơ quan quản lý khiến thị trường tâm phục khẩu phục? Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý phải tạo cơ hội để các yếu tố hiệu quả nhất phát huy".

Thực tế, tại một số ngân hàng hiện nay đều đã thiết lập được hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, đánh giá chất lượng tài sản, khả năng quản trị rủi ro từ bộ phận cho đến hệ thống khá chặt chẽ. Và điều tương tự cũng diễn ra tại các CTCK, chẳng hạn sau một giai đoạn phóng tay cho hoạt động margin, giờ đây cũng đã có cơ chế để đánh giá chất lượng tín dụng khách hàng.

Như vậy, nếu các cơ quan quản lý đứng ra tham khảo ý kiến từ các CTCK, hoặc có một đơn vị nào đó thống nhất được các ý kiến, quan điểm từ thành viên thị trường và cơ quan quản lý có thể sẽ đưa ra những xếp loại chuẩn xác hơn. 

Các tin khác