Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.
Nhiều đại biểu đánh giá cao về kết quả mà Chính phủ đạt được với 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, để phân tích rõ hơn về kết quả kinh tế-xã hội năm 2019 cũng như dành sự quan tâm như thế nào cho khu vực doanh nghiệp.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng về đích của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đến thời điểm này, tôi có thể tin tưởng rằng 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay, với tốc độ tăng trưởng cao, khả năng đạt trên 6,8%. Và theo dự báo của nhiều tổ chức tốc độ tăng trưởng có thể đạt trên 7%.
Như vậy, trong 4 năm liên tiếp kinh tế tăng trưởng liên tục từ 6,2% lên 6,8% rồi 7,08% và năm nay tiếp tục là 7%. Trong kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016-2020 mục tiêu đề ra là tăng trưởng từ 6,5-7%, như vậy là hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điểm then chốt cho kinh tế phát triển trong những năm vừa qua. Bởi từ những năm 2011-2012, khi Việt Nam quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế liên tục tăng trưởng.
Mặc dù, vẫn có những thách thức, tác động từ bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như nền kinh tế thế giới liên tục có những điều chỉnh giảm... nhưng những rung lắc đó không làm cho nền kinh tế Việt Nam suy giảm mà lại tăng trưởng. Đây là điểm nổi bật, do đó tôi hoàn toàn tin tưởng kết quả hoàn thành và vượt 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
- Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp cho nền kinh tế?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Một trong những động lực quan trọng là phát triển kinh tế tư nhân, bởi khu vực dân doanh còn nhiều dư địa phát triển. Đó cũng là việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về việc xác định kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế cá thể này hiện mới chỉ đóng góp 40% GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang phát triển rất nhiều. Do đó, cần phải tạo ra những cơ chế để thúc đẩy động lực này tăng trưởng.
Và một trong những điểm mà doanh nghiệp tư nhân rất cần là hệ thống thể chế phải đồng bộ, rõ ràng, minh bạch... tránh tình trạng vừa ban hành Luật rồi lại sửa đổi; cần một yếu tố pháp lý minh bạch để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân rất cần đất sạch cho sản xuất. Như vậy, cần phải có nhiều đất sạch dành cho doanh nghiệp tư nhân để họ đầu tư sản xuất, từ đó cũng giải quyết được bài toán về môi trường. Bởi hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Ngoài ra, cũng phải kể đến động lực tăng trưởng thứ 2 mà Việt Nam đã làm trong nhiều năm qua, đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bởi, khu vực này cũng đang nắm rất nhiều tài nguyên, nhiều nguồn vốn của quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu khu vực này thời gian qua chỉ mới cổ phần hóa được một số doanh nghiệp mà chưa thay đổi rõ ràng vấn đề quản trị của doanh nghiệp.
Cho nên, tới đây cần phải nâng cao hơn nữa khả năng quản trị của doanh nghiệp trong việc phân cấp, phân định rõ ràng hơn trách nhiệm của Hội đồng quản trị, của những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, gắn với đó là quyền lợi và trách nhiệm. Làm sao để có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
- Vậy theo ông cần có giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực động lực của nền kinh tế?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện, mỗi năm có khoảng hơn 120.000 doanh nghiệp mới được thành lập và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô nhỏ. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho họ mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn hơn. Thực tế, hiện đã có những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có đủ tiềm lực nhưng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Như vậy, để có nhiều doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn tư nhân lớn, kinh tế vĩ mô phải ổn định để kiểm soát được lạm phát, từ lạm phát sẽ kiểm soát được lãi suất. Bởi lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao, mặc dù chúng ta đang quyết tâm kéo giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Do đó, cần phải kéo giảm được lãi suất và đảm bảo ổn định. Có như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư dài hạn. Tôi cho rằng, đây là vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm.
Hiện, Chính phủ đang rất nỗ lực để có môi trường đầu tư thuận lợi nhất, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu... nhưng vẫn còn những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đối với doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng cần phải thúc đẩy giải quyết các điểm nghẽn này, doanh nghiệp tư nhân mới có điều kiện đầu tư phát triển. Ngoài ra, vấn đề đất sạch cho doanh nghiệp sản xuất cũng cần phải quan tâm hơn.
- Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức gì trong 2 tháng còn lại của năm 2019?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là những biến động bất thường trong sự thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, nên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một thách thức lớn đến kinh tế và thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam lại là điểm ở giữa, bởi Việt Nam xuất siêu sang thị trường Mỹ và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại và năm nay tiếp tục xuất siêu, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng tốt.
Vấn đề còn lại là làm sao để kinh tế tăng tốc nhanh hơn mà lại bền vững? Đây là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bởi trong kế hoạch kinh tế-xã hội của năm 2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt trên 6,8%.
Và ở giai đoạn tới 2021-2025, cũng phải dự trù kế hoạch tăng trưởng trên 6,8%, để có thể bắt kịp được các nước trên thế giới.
Cùng với những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, còn có những nguyên nhân chủ quan do thiếu sự quản lý nên đã dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nước, không khí. Do đó cần phải dành nguồn lực tài chính và nhân lực để kiểm soát vấn đề môi trường thật tốt.
Một vấn đề nữa là thể chế của nền kinh tế thị trường, đây là nhiệm vụ phải làm và làm thường xuyên, làm sao phải tăng thêm các đại biểu chuyên trách Quốc để làm luật và hoàn chỉnh hệ thống luật một cách đồng bộ.
Điểm cuối cùng, tôi cho rằng, bài toán về thu hút đầu tư cũng như lao động hiện nay. Tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề có nên kéo dài hay giảm giờ làm...
Nhưng vấn đề quan trọng là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí xã hội, sản xuất hàng hóa, logistics... bởi hiện nay doanh nghiệp đang chịu chi phí ngoài sản xuất hàng hóa, chi phí hành chính rất lớn, đặc biệt là chi phí giao thông.
Như vậy, đầu tư công cho cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cần phải được giải quyết. Quốc hội, Chính phủ đang dành nguồn vốn rất lớn để giải quyết bài toán về đường cao tốc Bắc-Nam, cũng như giải bài toán về đường sắt đô thị và tới đây là đường sắt tốc độ cao; trong đó còn một điểm nghẽn nữa về giao thông hàng không.
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, trong khi đó phương tiện hàng không đang ngày càng được nhân dân quan tâm và sử dụng nhiều. Do đó, cần phải giải quyết nhanh bài toán sân bay Long Thành
- Xin cảm ơn ông!