Tạo sức hút cho y tế Việt Nam

(ĐTTCO) - Ngày 13-12, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị góp ý Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”. 
Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân nước ngoài, Việt kiều đến nước ta, đồng thời giữ chân người Việt điều trị trong nước thay vì xuất ngoại.
Bác sĩ Việt Nam được đánh giá cao
Từ Campuchia, nữ bệnh nhân S.Sokunthea (38 tuổi) vừa được chuyển sang Việt Nam để điều trị tại bệnh viện (BV) Quốc tế City trong tình trạng nguy kịch, tri giác lơ mơ, vật vã, phù toàn thân, suy hô hấp nặng. Khai thác bệnh sử cho thấy, tại Campuchia, bệnh nhân được mổ bắt con cấp cứu và cắt tử cung để cầm máu.
Tuy nhiên tình trạng xuất huyết tiếp tục tiến triển sau phẫu thuật, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu thứ phát. Sau 2 tuần điều trị tại BV Quốc tế City, bệnh nhân dần hồi phục, tỉnh táo, chức năng thận cải thiện nhiều. Tương tự, bà Y.Vannara (54 tuổi, quốc tịch Lào) mắc u đại tràng và đã 5 lần sang Việt Nam để kiểm tra sức khỏe. “Ở Lào, có nhiều người bị bệnh giống tôi đã lựa chọn sang Việt Nam để điều trị và kết quả sức khỏe hiện rất tốt, bác sĩ và điều dưỡng ở đây rất nhiệt tình. Họ chỉ dẫn cho tôi từng bước, thăm hỏi, động viên, giúp tôi yên tâm chữa bệnh”, bà Y.Vannara chia sẻ. 
Tạo sức hút cho y tế Việt Nam ảnh 1 Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thăm khám cho người bệnh nước ngoài
ẢNH: THÀNH SƠN
Cùng với nhiều BV trong cả nước, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Gia An 115, BV Ung bướu… cũng thường xuyên tiếp nhận thăm khám và điều trị bệnh nhân người nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2019, BV Đại học Y Dược TPHCM khám 8.282 bệnh nhân và điều trị nội trú 927 bệnh nhân người nước ngoài. BV Chợ Rẫy thăm khám 1.793 bệnh nhân và điều trị nội trú 292 bệnh nhân người nước ngoài, chủ yếu mang quốc tịch Campuchia, Lào, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Australia. Ghi nhận cho thấy, hầu hết bệnh nhân người nước ngoài đều đánh giá cao chất lượng dịch vụ, trình độ bác sĩ tại các BV Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2019, nước ta có gần 89.000 lượt người nước ngoài đến khám chữa bệnh và hơn 10.100 bệnh nhân ngoại đến điều trị nội trú tại các BV trên cả nước. Các kỹ thuật được người nước ngoài lựa chọn nhiều nhất là: can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ. 
Cần tiếp tục đổi mới 
Thảo luận tại hội nghị góp ý, các chuyên gia y tế trăn trở, mỗi năm vẫn có khoảng 40.000 lượt người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. Đây là sự lãng phí rất lớn với nguồn lực trong nước, bởi hiện nay các dịch vụ y tế trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, cũng như của khách quốc tế.
Tạo sức hút cho y tế Việt Nam ảnh 2 Bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 đang tư vấn điều trị cho bệnh nhân Som Yem (quốc tịch Campuchia).
Trình độ y khoa của Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu và thậm chí vượt xa các nước trong khu vực. Tuy nhiên, từ thực tế điều trị, các chuyên gia cho rằng, những vướng mắc khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại BV điều trị sau khi phẫu thuật ổn định là do chưa có cơ chế thanh toán cho người sở hữu bảo hiểm y tế quốc tế.
“Cơ sở hạ tầng của ta còn yếu, luôn quá tải 30%, dịch vụ đi kèm y tế chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Các BV công ở Việt Nam thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, trong khi các bệnh nhân người nước ngoài đòi hỏi về vấn đề này rất cao, như có phòng bệnh riêng, có phiên dịch và người phục vụ 24/24 giờ...”, một chuyên gia y tế nhìn nhận.  
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Việt Nam có nhiều bác sĩ giỏi, chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng được yêu cầu điều trị những bệnh phức tạp. “Muốn giữ chân được người bệnh, đầu tiên là bộ mặt các BV phải thay đổi. Cần đầu tư nhiều hơn nữa, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực thì mới mong kéo được ngày càng nhiều người bệnh trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cho người dân về năng lực điều trị của BV trong nước có thể thực hiện nhiều kỹ thuật cao mà nước ngoài làm được. Thực hiện tốt những điều này, chúng ta sẽ tạo sức hút đối với bệnh nhân người nước ngoài và cả người bệnh trong nước”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
 PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM:
Đẩy mạnh phát triển du lịch y tế
Hiện nay, hạ tầng và chất lượng dịch vụ của nhiều BV tại TPHCM cơ bản đáp ứng được các sản phẩm du lịch y tế như du lịch nha khoa, du lịch thẩm mỹ, y học cổ truyền, khám tổng quát và tầm soát bệnh… Để có thể phát triển du lịch y tế, các đơn vị tham gia vào loại hình này phải hoạt động hợp pháp và đã được đánh giá chất lượng; có bố trí khu khám chữa bệnh dành riêng cho khách du lịch y tế; có bác sĩ chuyên môn, chuyên gia hành nghề phù hợp, có lực lượng y bác sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh; có giá cả, phương thức thanh toán phù hợp và có sự “bắt tay” thật chặt với các hãng du lịch, lữ hành.

 Theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, rất nhiều BV Việt Nam được đánh giá cao về điều trị với chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại BV Phụ sản trung ương (Hà Nội) là 50% - 60%, tại BV Từ Dũ (TPHCM) là 65%, với chi phí khoảng 100 triệu đồng (ở nước ngoài mỗi ca như vậy có giá 15.000USD - 30.000USD). Cùng với đó, nha khoa Việt Nam đã đạt trình độ kỹ thuật gần bằng các nước tiên tiến trên thế giới và vượt qua các nước trong khu vực, chi phí lại thấp hơn 3 - 10 lần.

Các tin khác