Sạt lở bủa vây
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mưa lớn kéo dài gây ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, làm hư hỏng nhiều nhà cửa, hoa màu và công trình dự án trọng điểm. Cụ thể, tại huyện Tuy Đức, ngày 1-8 xuất hiện nhiều vị trí nứt gãy đất kéo dài hơn 200m tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực. Đến sáng 5-8, khi chúng tôi có mặt tại vị trí này, các điểm nứt gãy đất tiếp tục lan rộng, kéo dài hơn 1km và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngược về điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) sụp lún đang diễn ra nghiêm trọng, nền đường sụp xuống có vị trí sâu gần 1m; nhiều nhà dân bị nứt toác, đất bên dưới đùn lên bung hết nền nhà.
Trong khi đó, tại Dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting (được đầu tư có sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vẫn còn dấu hiệu sụt lún nghiêm trọng. Theo quan sát, tại dự án này đã nứt vỡ bê tông mặt cầu và 2 bên mái gia cố thượng hạ lưu tràn; mái taluy đất phía hạ lưu tràn đã xảy ra hiện tượng nứt gãy, vết nứt có những vị trí kéo dài khoảng 20m. Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã khẩn cấp sơ tán hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: MAI CƯỜNG |
Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết, phía hạ lưu hồ thủy lợi Đắk N’Ting có hàng chục hộ dân đang sinh sống, nếu xảy ra tình trạng vỡ đập thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Cùng với di dời khẩn cấp các hộ dân đến nơi an toàn, chính quyền địa phương phối hợp ngành chức năng khảo sát, xác định nguyên nhân để có hướng xử lý, khắc phục.
Tại Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Sạt lở đất kèm theo các hiện tượng mưa lớn, ngập lụt, lốc xoáy đã gây hư hại 235 căn nhà, 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi cùng hàng trăm mét đường dân sinh. Gần đây nhất là cuối tháng 7, sau nhiều ngày mưa lớn, tại đèo Bảo Lộc (tuyến đèo quan trọng trên quốc lộ 20), một trận sạt lở đã vùi lấp trạm CSGT, làm 3 cán bộ - chiến sĩ CSGT và 1 người dân tử vong. Vụ sạt lở cũng cắt đứt giao thông qua đèo Bảo Lộc trong nhiều giờ.
Trước đó, ở hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt cũng xảy ra vụ sạt lở làm 2 người tử vong do bờ taluy công trình đang xây dựng đổ sập sau một trận mưa lớn… Với địa hình dốc, chia cắt và thường xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ, hiện tỉnh Lâm Đồng đã xác định được 163 điểm có nguy cơ sạt lở. Nguy cơ sạt lở tại các vùng đô thị có mật độ dân cư cao vẫn luôn tiềm ẩn.
Còn tại Bình Thuận, nhiều ngày qua, người dân sống hai bên đường ĐT 719 (tuyến giao thông huyết mạch ven biển kết nối các khu du lịch phía Nam của tỉnh Bình Thuận), liên tiếp chứng kiến tình trạng đất, cát, nước kèm bùn đỏ từ trên đồi tràn xuống phủ kín mặt đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, hoạt động du lịch và giao thông.
Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, quốc lộ 55 đoạn qua xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cũng liên tiếp xảy ra hàng loạt điểm sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Đa Mi, cho biết, tình trạng sạt lở trên tuyến quốc lộ 55 qua địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, mật độ sạt lở dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đe dọa tính mạng người dân… Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, đến nay, tại khu vực trên đã có khoảng 43 vị trí bị sạt lở, trong đó có 7 vị trí sạt lở nặng gây ách tắc giao thông cục bộ.
Tương tự, tại Kon Tum, các địa phương dễ bị sạt lở vào mùa mưa bão là huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đắk Glei. Ghi nhận thực tế, một đoạn đường tránh Măng Rơi (huyện Tu Mơ Rông) đang sạt lở, khiến phần đất đá tràn xuống mặt đường. Cầu tràn tỉnh lộ 678 qua xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông) cũng bị ngập một số thời điểm, khiến dân đi lại khó khăn.
Khẩn cấp ứng phó
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, một trong các nguyên nhân gây ra sạt lở trên địa bàn do trong tháng 6 và 7-2023, lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu. Ngoài ra, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa..., lại có độ dốc cao, kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở rất lớn khi xảy ra mưa kéo dài.
Để ứng phó tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện UBND tỉnh đang giao các huyện, thành phố rà soát, xác định chính xác từng địa điểm có nguy cơ sạt lở, sau đó xây dựng bản đồ vị trí các điểm, số lượng dân cư, cấp nguy cơ, phương án xử lý.
Liên quan tình trạng đất, cát, bùn đỏ liên tiếp tràn xuống tuyến đường ĐT 719, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, nêu nguyên nhân, trước đây các ngọn đồi khu vực này rất nhiều cây xanh, nhưng do sự tác động của con người nên giờ không còn nữa. Từ đó, hễ có mưa lớn là đất, cát lại tràn xuống nhà dân và đường sá.
Trước mắt, tỉnh Bình Thuận nghiên cứu để tạo các miệng cống lớn nhằm giải tỏa lượng cát, bùn đỏ tràn xuống. Về lâu dài, cần phải có phương án xây tường kè để chắn các sự cố sạt lở, nhưng kinh phí quá lớn nên phải chờ chủ trương. Về các sự cố sạt lở liên tiếp xảy ra trên tuyến quốc lộ 55 qua tỉnh Bình Thuận, Sở GTVT tỉnh đã kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Đồng thời, kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp và cho chủ trương để Sở GTVT tổ chức thực hiện.
Nói về lý do địa bàn dễ xảy ra sạt lở, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho rằng, trên địa bàn có đồi núi nhiều, thành phần đất là cát pha nên dễ sụt trượt khi có mưa lớn. Việc sạt lở đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân. Có thời điểm, sạt lở đã làm lấp đường, người dân bị cô lập. Hiện tại, huyện còn khoảng 120 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. Vào mùa mưa bão, huyện sẽ di dời những hộ này đến nơi an toàn.
Theo ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc Sở GTVT Kon Tum, tình trạng sạt lở đường sá mùa mưa bão là mối lo của ngành. Những năm qua, mưa bão xảy ra đã làm sạt lở nhiều tuyến đường, gây thiệt hại nặng. Đơn cử như mùa mưa bão năm nay, có nhiều tuyến đường ở các huyện Sa Thầy, Đắk Glei do sở và địa phương quản lý, đã bị sạt lở.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng, Trưởng Bộ môn Lâm Sinh, Khoa Nông Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên, nguyên nhân dẫn đến các vết nứt là mưa lớn nhiều ngày khiến đất trữ nước trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Tình trạng nứt gãy đất xảy ra ở các khu vực đồi núi, dốc và những khu vực đã bị mất rừng.
“Có thể dẫn chứng vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, khu vực bị sạt lở trước đây là rừng và đã bị người dân xâm canh trồng sầu riêng. Đối với những loại cây nông nghiệp bộ rễ chỉ ở phần lớp mặt và trồng thưa, không ăn sâu như cây rừng, nên thiếu khả năng giữ đất”, Tiến sĩ Hùng nhận định.