Tuy nhiên rộn ràng và rực rỡ sắc màu của tết cổ truyền hơn cả là những hoạt động tại các chợ hoa tết cổ truyền trên phố Hàng Lược, Quảng Bá và Bưởi. Tại những chợ hoa này, từ sáng sớm tới tối khuya luôn tấp nập người và xe, ai cũng hồ hởi lựa chọn những cành đào, cây quất hay những bó hoa cúc, ly, lay ơn, violet, thược dược, lan... rực rỡ sắc thắm để cắm trong nhà trong những ngày Tết Nguyên đán. So với năm ngoái, giá hoa tết ở Hà Nội năm nay khá cao nhưng bù lại hoa nở đẹp và rất tươi.
Cùng với chợ hoa ngày tết, tại khu vực phố cổ Hà Nội và xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham dự. Đặc biệt lần đầu tiên, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Nhóm Đình làng Việt tổ chức chương trình “Tết phố” tại khu phố cổ kéo dài tới hết ngày 9-2 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Canh Tý).
Chương trình “Tết phố” diễn ra tại nhiều điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội như: tại đình Kim Ngân (ở 42 - 44 Hàng Bạc), người dân và du khách được chứng kiến hoạt động sắp mâm lễ của một dòng họ ở Hà Nội dâng cúng các lễ vật đặc trưng lên đình vào ngày đầu năm mới. Tại Ngôi nhà Di sản (ở 87 phố Mã Mây), Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng sắp đặt giới thiệu không gian đón tết của một gia đình Hà Nội và giới thiệu hoạt động gói bánh chưng. Còn ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (ở 50 phố Đào Duy Từ) là không gian trưng bày giới thiệu hình tượng chuột trong văn hóa dân gian với hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ nhạc.
Trong khi đó, tại khu vực không gian phố bích họa Phùng Hưng cũng diễn ra nhiều hoạt động phong phú, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ tết như: tranh dân gian, con giống đất, nghề mây tre đan, nghề gốm, đồ gỗ mỹ nghệ, điêu khắc, thư pháp, trò chơi dân gian và một số sản phẩm nông sản đặc trưng của các tỉnh trên cả nước.