Tại Hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam - Kỳ vọng và bài học kinh nghiệm” do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức khi 6 FTA đang được đàm phán và sẽ ký kết trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế (INTAC VCCI):
Chưa tận dụng thành công cơ hội
Các FTA thế hệ cũ mang lại nhiều cơ hội nhưng Việt Nam đã khai khác không thành công khi tham gia. Thực tế, DN chưa tận dụng được đầy đủ các lợi ích thuế quan từ các FTA; xuất khẩu dù tăng, song giá trị gia tăng không cao, phần lớn xuất nguyên liệu thô, hàng gia công; tỷ trọng xuất khẩu của các DN FDI ngày càng tăng, từ dưới 50% (2000-2002) lên 61,4% năm 2013.
Trong khi đó, DN trong nước bị cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại tại thị trường nội địa. Đáng lưu ý, sau 5 năm gia nhập WTO, năng suất lao động tăng thấp hơn nhiều so với 5 năm trước gia nhập (3,4% so với 5% hàng năm). Thực trạng trên cho thấy khi chúng ta hội nhập càng sâu DN nội càng nhỏ đi. Khả năng liên kết, mở rộng, nâng cao năng lực của DN (tài chính, công nghệ, quản trị) yếu dẫn đến năng suất lao động giảm. Khi các FTA được ký kết sẽ xuất hiện những nhóm bị tổn thương.
Nông sản bị cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà. Các DNNVV đang điều chỉnh để tồn tại nhiều hơn là tận dụng cơ hội. Đối tượng DN này Nhà nước đã có những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia vào thị trường một cách bình đẳng. Đáng tiếc là quá trình thực thi chính sách chưa thật sự toàn diện. Ở các nước, người ta thành lập cả cơ quan bộ cho DNNVV, chưa kể những ưu đãi như cơ hội mua sắm chính phủ, dự án đầu tư công cho phép DNNVV được tham gia 30%.
Nhà nước phải phân bổ nguồn lực hợp lý, hạn chế bớt những tác động không có hiệu quả đối với DNNN và cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước để có một sự cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời tạo khả năng liên kết về mặt tài chính, pháp luật, kinh tế để đưa các DN vào chuỗi giá trị toàn cầu, lúc đó mới khai thác được thế mạnh của DN. Bài học rút ra khi tham gia đàm phán các FTA trước hết phải lắng nghe, thấu hiểu DN.
Có người cho rằng DN còn hờ hững, yếu như vậy thì nghe cái gì. Tôi cho rằng cuối cùng DN là người thực hiện nên phải nghe họ. Dù họ yếu, hờ hững nhưng chúng ta phải tìm mọi cách để tiếng nói của họ vọng vào được các cơ quan đàm phán, nghị trường Quốc hội.
Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam:
Cần sự minh bạch trong thực thi chính sách
DN ngành mía đường hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trước thực trạng đường lậu. Lượng đường lậu vào Việt Nam rất lớn, chiếm 30% sản lượng. Hiệp hội đã nhiều lần báo cáo nhằm tìm biện pháp xử lý, tuy nhiên các bộ, ngành chưa tìm được biện pháp giải quyết hữu hiệu và nếu không để ý sẽ khiến mất định hướng về chiến lược. Với ngành đường, nếu trong nước chúng ta không bảo vệ được làm sao hội nhập, cạnh tranh?
Tôi cho rằng cùng với nỗ lực của DN, phải có sự minh bạch trong thực thi của các cơ quan chức năng. Thí dụ, mới đây khi đang nghiên cứu về TPP, chúng tôi nhận được những công văn của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong đó mặt hàng đường đưa ra một số đề xuất rất vô lý như “nhập khẩu đường của các nước ngoài TPP để xuất khẩu trở lại”.
Thí dụ khác, tại một số tỉnh ở ĐBSCL đang cấp phép cho những nhà buôn sản xuất, chế biến đường dù thực ra họ không có nguyên liệu, nhà máy. Thực tế, những đơn vị này nhập đường lậu về đóng bao, dán nhãn của mình rồi cho lưu thông, việc làm này của chính quyền địa phương vô hình trung hợp pháp hóa hàng lậu.
Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại |
-Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:
Thay đổi nhận thức về cạnh tranh
Hội nhập là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam phát triển. Hội nhập có rủi ro lẫn thách thức, nhưng nếu không chấp nhận rủi ro và thách thức sẽ không có phát triển. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi mỗi quốc gia phải vượt qua chính mình, cải cách chính mình.
Nhìn vào trên dưới 30 chương của TPP, phần lớn các chương đụng vào nhiều vấn đề “sau đường biên giới”, chứ không phải những vấn đề “trên đường biên giới”, như DNNN, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, đầu tư... Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, thương mại, đầu tư, dịch vụ.
Đã đến lúc DN chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá. Sản phẩm cần gắn liền với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch… Cạnh tranh bây giờ không phải là cạnh tranh sản phẩm mà cạnh tranh đối tác bằng cách tham gia vào mạng, chuỗi, cụm để vươn lên trong chuỗi ấy, kiếm nhiều lợi nhuận hơn.