
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai và Thủ tướng Campuchia Hun Manet dự kiến sẽ gặp nhau tại Kuala Lumpur lúc 3 giờ chiều giờ địa phương, theo Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Jirayu Houngsub.
Cuộc gặp sẽ được tổ chức tại văn phòng của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người hiện là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24-7 diễn ra trong vòng 48 giờ sau khi ông Trump tuyên bố các nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đã đồng ý "nhanh chóng đạt được một lệnh ngừng bắn".
Sau các cuộc gọi riêng với Phumtham và Hun Manet vào 26-7, ông Trump đã đe dọa rằng Washington sẽ không ký kết thỏa thuận thương mại với cả hai nước chừng nào giao tranh còn tiếp diễn.
Lời đe dọa này đã gây ra một loạt hoạt động ngoại giao vào 27-7, và cuối cùng ông Anwar đã thuyết phục được hai bên đồng ý gặp mặt.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cũng đã trao đổi với các Ngoại trưởng Thái Lan và Campuchia, kêu gọi họ ngay lập tức giảm căng thẳng, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ các cuộc đàm phán trong tương lai.
Với thời hạn áp thuế quan của Trump vào ngày 1-8 đang đến gần, Thái Lan, quốc gia phụ thuộc vào thương mại, muốn tránh gây bất bình với Tổng thống Mỹ, đặc biệt là khi các quan chức nước này đang đàm phán để giảm mức thuế dự kiến lên tới 36% đối với hàng xuất khẩu của mình.
Ông Trump đã nhận công lao trong việc giúp chấm dứt xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan hồi đầu năm nay bằng cách tận dụng các biện pháp thương mại, và hiện đang gây áp lực tương tự ở Đông Nam Á.

Một cậu bé phải di dời do xung đột đang diễn ra giữa Thái Lan và Campuchia đang nghỉ ngơi tại một trung tâm sơ tán ở tỉnh biên giới Si Sa Ket của Thái Lan vào 26-7-2025.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Thái Lan và Hoa Kỳ bao gồm việc mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại 46 tỷ đô la với Washington.
Bất chấp những rủi ro kinh tế, Thái Lan vẫn giữ lập trường cứng rắn trước cuộc đàm phán. Các quan chức cho biết bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải gắn liền với việc giải quyết tranh chấp song phương, rút quân và ngừng sử dụng vũ khí sát thương. Ngược lại, Campuchia tuyên bố sẵn sàng chấm dứt chiến sự vô điều kiện.
Hôm 17-7, hỏa lực pháo hạng nặng tiếp tục nổ ra trên khắp đường biên giới chung dài 800km (500 dặm) giữa hai nước. Cả hai bên đều cáo buộc nhau tấn công các khu vực dân sự bằng rocket và pháo binh. Thái Lan đã đáp trả bằng cách triển khai máy bay F-16 và máy bay chiến đấu Gripen do Thụy Điển sản xuất để tấn công các vị trí quân sự của Campuchia.
Thái Lan và Campuchia có lịch sử tranh chấp biên giới, mặc dù mối quan hệ vẫn phần lớn ổn định kể từ cuộc đụng độ đẫm máu năm 2011 khiến hàng chục người thiệt mạng. Vụ xung đột lớn gần đây nhất tập trung vào đền Preah Vihear, một điểm nóng lịch sử bắt nguồn từ những bất đồng từ thời thuộc địa.
Phần lớn tranh chấp hiện nay bắt nguồn từ các bản đồ được vẽ dựa trên những cách giải thích khác nhau về các hiệp ước Pháp-Xiêm đầu thế kỷ 20, trong đó xác định biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, khi đó là một phần của Đông Dương thuộc Pháp.