Bà Thái Thị Liên xuất thân trong gia đình nhân sĩ - trí thức yêu nước miền Nam. Bà sinh ngày 4-8-1918 tại Sài Gòn, cha của bà là ông Thái Văn Lân, một trong số các kỹ sư điện tốt nghiệp ở Pháp đầu tiên của Việt Nam.
Tuy cả nhà đã mang quốc tịch Pháp, nhưng bà Liên cùng anh trai - luật sư Thái Văn Lung, và chị gái - nghệ sĩ piano đầu tiên của Việt Nam - nhạc sĩ sáng tác Thái Thị Lang đều là những người yêu nước, đấu tranh chống sự xâm lược và chế độ thực dân Pháp.
Cũng như những người con khác trong gia đình, bà Thái Thị Liên được học piano từ rất sớm, lên 4 tuổi, bà đã có những giờ miệt mài ngồi trên đàn với sự chỉ dạy nghiêm khắc của các soeur trường dòng hoặc với một bà giáo người Pháp từng tốt nghiệp loại giỏi piano Nhạc viện Quốc gia Paris… Bà Liên hoạt động cách mạng từ sớm, cả trong nước và nước ngoài. Trong thời gian được đưa sang Pháp du học, bà gặp và lấy chồng là ông Trần Ngọc Danh - em ruột Tổng Bí thư Trần Phú.
Năm 1948, ông Trần Ngọc Danh được phân công nhiệm vụ là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc, bà Liên theo chồng, tiếp tục học và tốt nghiệp ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha (Prague Conservatory) - Tiệp Khắc. Năm 1951, bà cùng chồng về Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Không may, ông Trần Ngọc Danh mất vì bệnh, để lại hai con thơ và người vợ trẻ - nghệ sĩ piano Thái Thị Liên.
Năm 1956, bà Thái Thị Liên cùng 6 người thầy thuộc các chuyên ngành âm nhạc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và hiện nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bà là Trưởng khoa Piano đầu tiên của trường, vừa trực tiếp giảng dạy chuyên ngành vừa làm công tác biên soạn giáo trình, chuyển soạn các tác phẩm piano Việt Nam…
NSND Thái Thị Liên và con trai Đặng Thái Sơn. Ảnh: TRẦN THANH GIANG
Kể từ ngày tập hợp và xây dựng đội ngũ giảng viên đầu tiên cho khoa Piano của Trường Âm nhạc Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu, khó có thể kể hết số học trò bà đã trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo. Nhiều người trong số đó ngày nay là giáo sư, phó giáo sư, NSND, NSƯT, nhiều người là nghệ sĩ hàng đầu của ngành piano Việt Nam, là những nghệ sĩ biểu diễn piano nổi tiếng.
Bà đã vượt lên những khó khăn của những ngày Hà Nội dưới mưa bom, khi cả trường đi sơ tán, nhiều thầy trò phải vẽ phím đàn trên bàn mà tập; vượt lên những khó khăn của đời sống riêng để nuôi dưỡng tình yêu với cây đàn piano và hoàn thành tâm đức của một nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Nhưng có lẽ thành công lớn nhất trong sự nghiệp đào tạo của NSND-NGND Thái Thị Liên, đó là tài năng của NSND Đặng Thái Sơn, con trai bà. Tình yêu với cây đàn piano của bà đã được phát triển và có một sức sống mới ở tài năng của NSND Đặng Thái Sơn và mang đến cho Việt Nam một vị trí vững vàng trên bản đồ âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Bà còn vừa là mẹ ruột, vừa là thầy của GS-TS-NGND Trần Thu Hà, nghệ sĩ piano, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Với tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ và quyết đoán trong quản lý, nhưng lại hết sức sâu sắc, tận tâm, tâm lý và có phần đòi hỏi cao, nghiêm khắc trong dạy học, bà để lại trong tâm trí học trò tình cảm của người mẹ, người thầy. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà vào thăm Nhạc viện TPHCM và cũng có ý định vào TPHCM sống, làm việc…
Nhưng với nhiều lý do, bà vẫn tiếp tục công tác ở Nhạc viện Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1980, khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất concours piano F. Chopin tại Ba Lan, bà trở thành “trợ lý”, “huấn luyện viên”, “thư ký” (bà tiếp nhận và trả lời tất cả thư từ, thông tin đến với nghệ sĩ) và là người thân duy nhất bên con trai trong suốt thời gian ông sống và làm việc ở nước ngoài. Vai trò đa năng đó là sự hy sinh tất cả cho con, với tinh thần gánh lấy tất cả những lo toan đời thường và nghệ thuật để cho con yên tâm cống hiến.
Cách nay hơn 10 năm, tuổi cao, sức giảm, bà trở về Hà Nội sống với con gái là GS-TS-NGND Trần Thu Hà… Bà đã ra đi nhẹ nhàng sau những ngày hạnh phúc bên con cháu. Đất nước luôn nhớ đến bà, người thầy luôn hy sinh, tâm huyết và có nhiều công lao đào tạo cho ngành piano chuyên nghiệp Việt Nam.