Thế nhưng, điều đó hoàn toàn không dễ một khi ThaiBev chấp nhận bỏ ra với mức giá cao phải đặt những điều kiện ràng buộc mà Sabeco khó chấp nhận. Và trong tuyên bố mới đây, ThaiBev cho biết vẫn chưa chốt số lượng cổ phần chào mua tại phiên đấu giá cổ phần nhà nước tại Sabeco trong phiên đấu giá được tổ chức ngày 18-12 tới đây.
Sức nóng của đợt chào bán cổ phần nhà nước tại Sabeco đang lên tới đỉnh điểm, sau khi Bộ Công Thương phát đi thông báo cho biết ThaiBev đã đăng ký mua hơn 25% cổ phần chào bán.
Ngay sau khi Bộ Công Thương phát đi thông báo trên, ThaiBev đã có công văn gởi lên Sở Giao dịch CK Singapore (SGX), nơi ThaiBev đang niêm yết CP, để xác nhận lại thông tin. Theo đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage đăng ký mua trên 25% cổ phần của Sabeco trong đợt đấu giá ngày 18-12 sắp tới, chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu quy định về đấu giá cạnh tranh của Sabeco.
Hãng bia đến từ Thái Lan này cho biết họ thật sự quan tâm rất lớn đến Sabeco, nhưng chưa đăng ký thủ tục đấu giá cũng như phê duyệt bất kỳ hợp đồng, thỏa thuận nào về việc đặt mua cổ phần của Sabeco trong đợt đấu giá này. Việc đăng ký đấu giá vẫn đang được Vietnam Beverage xem xét cho đến thời hạn ngày 17-12, hạn chót để các bên tham gia đấu giá đăng ký với Ban tổ chức đấu giá cổ phần Sabeco.
Theo số liệu từ Forbes, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 19 tỷ USD và là người giàu thứ 3 tại Thái Lan. |
Trong cơ cấu cổ đông của F&B Alliance Việt Nam cũng có NĐTNN (sở hữu 49% cổ phần) là Beerco Limited, công ty con của ThaiBev. Với cơ cấu cổ đông như vậy, Công ty TNHH Vietnam Beverage là công ty trong nước.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, ThaiBev rất “khát” Sabeco và chấp nhận mua với giá lên đến 320.000 đồng/cổ phần, bởi hãng bia của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi này từng 2 lần đánh tiếng mua cổ phần Sabeco trong năm 2014 và 2015 nhưng đều thất bại. Thực tế, ThaiBev muốn mua nhiều hơn số cổ phần được mang ra chào bán sắp tới chứ không phải chỉ 25% như thông báo của Bộ Công Thương. Do vậy, với tham vọng thống lĩnh thị trường bia Việt Nam, nhiều khả năng ThaiBev chấp nhận bỏ ra hơn 4,5 tỷ USD nắm giữ 51% cổ phần tại Sebeco.
Một minh chứng cho thấy việc ThaiBev vội vã thành lập Công ty TNHH Vietnam Beverage cũng nằm trong kế hoạch nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Sabeco (tương 327 triệu cổ phần). Theo tính toán, muốn sở hữu 51% vốn điều lệ tại Sabeco, tỷ phú người Thái phải chi ra số tiền 104.640 tỷ đồng (tương đương 4,55 tỷ USD).
Trước đó, tỷ phú người Thái này thông qua các công ty thành viên, đã chi ra hơn 3 tỷ USD để nắm giữ cổ phần hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam trong các lĩnh vực như bất động sản, phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống.
Dây chuyền sản xuất tại Sabeco.
Tuy nhiên, mấu chốt lớn nhất trong thương vụ này không phải vấn đề giá, mà chính là những điều khoản mà ThaiBev đặt ra với Bộ Công Thương trong thương vụ này. Theo đó, ThaiBev muốn có 4/7 thành viên của mình trong HĐQT và Bộ Công Thương cam kết không được bán 36% cổ phần còn lại sau khi tập đoàn này mua vào.
Việc ThaiBev đòi 4/7 ghế tại HĐQT là điều hết sức bình thường, vì khi đó Sabeco đã là công ty con của ThaiBev. Thế nhưng, đòi hỏi nhà nước phải giữ lại 36% vốn điều lệ đang là “nút thắt” lớn nhất của thương vụ này, bởi lộ trình của Bộ Công Thương là thoái hết vốn khỏi Sabeco. Lý do ThaiBev đưa ra đề xuất này là do lo ngại Heineken hiện đang nắm giữ 5% cổ phần tại Sabeco sẽ gia tăng tỷ lệ nắm giữ nếu Bộ Công Thương tiếp tục thoái vốn.
Như vậy, động thái đính chính lại thông tin có thể là chiêu “giương đông kích tây” của ThaiBev với các đối thủ trong cuộc đua thâu tóm Sabeco. Được biết, 2 gã khổng lồ này là đối thủ trong thương vụ mua lại hãng bia Tiger (thuộc Asian Pacific Breweries-APB) để mở rộng ra thị trường bia châu Á. Trong cuộc đua đó, Heineken là người chiến thắng nên Sabeco chính là cơ hội để ThaiBev khẳng định lại vị thế dù cái giá phải trả cao hơn giá thị trường.