Tháng 10 trông chờ những cú hích

Thường trước những đợt sóng tăng, TTCK sẽ xuất hiện những biến động mạnh, có quy mô toàn thị trường hoặc tại một số CP. Những biến động kiểu này thường thu hút sự chú ý của NĐT, dù theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Thường trước những đợt sóng tăng, TTCK sẽ xuất hiện những biến động mạnh, có quy mô toàn thị trường hoặc tại một số CP. Những biến động kiểu này thường thu hút sự chú ý của NĐT, dù theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Nhìn sóng giảm, đón sóng tăng

Đơn cử như giai đoạn từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, trước khi có một đợt sóng tăng, thị trường đã có những đợt điều chỉnh tạo ra cảm giác VN Index chưa thể tạo đáy và có khả năng lao xuống 500 điểm. Nhưng lo ngại đã không trở thành hiện thực và chỉ số này đã tăng mạnh gần 100 điểm lên sát 640 điểm chỉ trong 2 tháng.

 

Hồi cuối tháng 8, sau phiên giảm hơn 30 điểm vào ngày 24-8 xuống vùng 520 điểm, nhiều quan điểm lo ngại về việc VN Index xuống 500 điểm lại xuất hiện, nhưng cuối cùng chỉ số này lại phục hồi lên 570 điểm và một loạt CP tăng khoảng 20% chỉ sau vài phiên.

Những diễn biến này cho thấy, trước mỗi đợt tăng thị trường cần vài phiên điều chỉnh mạnh gây sốc, giống như lùi lại lấy đà. Liệu điều này có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay hay không? Câu trả lời là có thể, nhưng xác suất khá thấp.

Bởi những phiên giảm mạnh, có tác dụng ép bán (wash out) thường chỉ xuất hiện khi tâm lý NĐT dễ bị dao động. Hồi tháng 5, nhiều NĐT đã rất chán nản vì TTCK đã trải qua khoảng 8 tháng không có một đợt sóng mạnh.

Còn trong bối cảnh hiện nay, một loạt tin tức vĩ mô tích cực liên quan đến tăng trưởng GDP, nợ xấu được xử lý xuất hiện. Chưa kể tháng 10 đã bước vào mùa công bố KQKD quý III-2015.

Việc VN Index vượt mốc 575 điểm và tiến đến 590 điểm trong tháng này là khả thi, nhưng sẽ chỉ diễn ra trong nửa cuối tháng 10 và trong số ít phiên giao dịch. Phần lớn các phiên trong tháng này dự báo sẽ đi ngang và phân hóa.

Trong trường hợp thị trường chưa tăng, những tin tức tích cực sẽ duy trì niềm tin cho NĐT như trong thời gian qua và dòng tiền thông minh sẽ chọn những CP có cơ bản tốt để đầu tư, tiêu biểu như VNM.

Nói vậy không hàm ý khẳng định thị trường sẽ không có phiên wash out, nhưng giả như nếu có xảy ra quy mô có thể chỉ trong một số mã CK nhất định và thời gian cao nhất chỉ 2 phiên.

Trong trường hợp này, khả năng xấu nhất VN Index cũng chỉ nằm ở vùng 545-550 điểm và rất khó giảm mạnh. Thường một phiên wash out chỉ có thể nhìn rõ sau khoảng vài tuần đến vài tháng, còn lúc mới xuất hiện thường được nhìn với xu hướng tiêu cực.

Theo chiều ngược lại, cú hích theo chiều tăng có vẻ dễ xuất hiện hơn. Chỉ báo khá phổ biến là VN Index hoặc HNX Index tăng liên tục 3 phiên cộng với thanh khoản tăng nhẹ, dù vậy diễn biến lại không mấy thuyết phục khi chỉ có một số CP hoặc nhóm CP tăng. Tuy nhiên, nếu đà tăng được kéo dài sang 4 hoặc 5 phiên, dòng tiền sẽ lại đổ vào mạnh. Rất nhiều khả năng lúc này sóng tăng mới sẽ xuất hiện.

Cú hích này có xác suất khá lớn, bởi trong 2 tuần vừa qua dù thị trường gần như đi ngang, sóng chỉ xuất hiện tại những CP cơ bản thanh khoản thấp, nhưng GTGD đã đạt khoảng 1.600 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10% so với trước đó. Nghĩa là dòng tiền tích lũy gia tăng để đón đầu những CP lớn. Khi dòng tiền đủ mạnh và kèm với những thông tin tích cực, thị trường tăng là hệ quả tất yếu.

Kỳ vọng KQKD

Đó là những cú hích đến từ thị trường chung, nhưng có những cú hích đến từ nhóm CP. Sóng tăng từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 8 bắt nguồn từ 2 nhóm CP chủ lực là ngân hàng với VCB, BID; rồi đến bảo hiểm BVH với tỷ lệ tăng 30% chỉ trong thời gian ngắn.

Hiện nay chưa xuất hiện 1 nhóm CP nào phát ra tín hiệu tăng mạnh, nhưng nhiều khả năng mức độ tăng giá sẽ trải đều các nhóm như ngân hàng, bảo hiểm thay vì dồn riêng cho nhóm nào. Một trong những lý do là nhóm này đã có những đợt tăng mạnh trước đó, nên cần thời gian để xác lập mức giá trung bình mới và kéo lại dòng tiền.

Sự bùng nổ chỉ có thể trở lại trong tình huống KQKD công bố đặc biệt tích cực. Khả năng này thường nằm ở nhóm CP mid cap hoặc penny, nên mức độ lan tỏa cho thị trường chung là không quá lớn.

Nhiều khả năng xu hướng thị trường sẽ không tăng gấp mà theo chiều tịnh tiến: lùi 1 bước, tiến 3 bước đi kèm với KQKD của từng nhóm CP xuất hiện. Cần nói rõ, quý III là thời gian gần như sẽ bộc lộ KQKD của cả năm, nên cũng có thể xuất hiện những kỳ vọng hoặc thất vọng với mức độ lớn hơn.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp chỉ đạt 40% kế hoạch sau 6 tháng đầu năm, nhưng đến hềt quý III lại thực hiện đến 80% (do yếu tố mùa vụ) thì kỳ vọng hoàn thành hoặc vượt kế hoạch sẽ tăng mạnh và tác động tích cực đến giá CP. Ẩn số lớn nhất của quý III năm nay có lẽ nằm ở vấn đề tác động của tỷ giá đến KQKD của một số DN.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vấn đề này đã được mổ xẻ, dự báo nên xem như đã được phản ánh vào giá CP. Minh chứng rõ nhất là trường hợp của NT2, dù có nợ vay bằng ngoại tệ nhưng thời gian qua vẫn tăng giá khá tích cực.

Một cú hích khác cũng đáng được chờ đợi, đó là chuyện mở room của từng doanh nghiệp trong thời gian tới. Nhưng điều này cần được cộng hưởng với KQKD và cả thị trường, bởi thông tin mở room giờ đã rõ hơn trước rất nhiều. Những thông tin liên quan đến đàm phán TPP cũng có thể thu hút sự chú ý của NĐT và tạo lực đẩy cho một số nhóm CP.

Nói tóm lại, cú hích cho TTCK trong tháng 10 này có thể sẽ không mạnh và gấp trong nửa đầu tháng, nhưng sẽ tăng tầm từ ngày 20 trở đi. Vì từ lúc này mức độ xuất hiện BCTC quý III sẽ trở nên dày hơn và khả năng các CP trụ cột sẽ có thể luân phiên tăng giá theo từng ngày, tạo ra lực đẩy cả về thanh khoản lẫn điểm số.

Các tin khác