1. Chiếc áo dài đã gắn bó với Huế từ rất lâu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ năm 1744 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.
Thời Minh Mạng, để sửa đổi cách ăn mặc thiếu đồng nhất tại các miền sau giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhà vua ra sắc chỉ quy định y phục trên toàn quốc: Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều mặc áo dài ngay khi vừa bước chân khỏi cấm cung. Dân gian phải mặc quần, cấm váy. Riêng với người lớn, áo dài trở thành trang phục bắt buộc khi ra đường.
Trước năm 1945, Huế là một xứ sở của áo dài. Những gánh đậu hũ, bún bò heo… với mấy mệ, mấy o bán phải mặc áo dài mới “đúng điệu”. Khi có người mua, mấy mệ, mấy o dừng lại, hạ gánh xuống, và “dạ thưa”… Tà áo dài, đôi quang gánh, dáng đi chậm rãi do đó đã trở nên thân thuộc một thời của mảnh đất xứ Huế.
Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, hai con gái và Đức Từ Cung trong trang phục áo dài truyền thống.
Trước năm 1917, những chiếc áo dài của nữ sinh Đồng Khánh có cổ vuông ngắn, eo buông, tay dài, tà rộng che kín toàn thân. Trong trang phục đó, những cô nữ sinh Đồng Khánh càng cảm nhận được niềm tự hào đức hạnh và ý thức giữ gìn đức hạnh ấy.
Bởi trong tà áo dài, các cô nữ sinh Đồng Khánh buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay, khó có thể nói cười thoải mái. Màu sắc tím đồng phục của những cô nữ sinh Đồng Khánh lại càng làm cho nét Huế thêm duyên dáng và mặn mà. Nhà thơ Mai Văn Hoan đã dành tặng cho những cô nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ thật dễ thương: “Gió vờn tà áo khẽ lay/ Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười”.
2. Tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa). Lễ hội Áo dài Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ, nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài.
2. Tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Huệ và Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa). Lễ hội Áo dài Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ, nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những chiếc áo dài.
Và cứ mỗi kỳ Festival về trên đất Cố đô, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vận động chị em phụ nữ mặc áo dài khi đến công sở, nơi làm việc. Trong khi đó, tiểu thương các chợ Đông Ba, An Cựu… đã tự nguyện mặc áo dài trong suốt những ngày diễn ra Festival.
Nữ nhân viên nhà hàng, khách sạn và lực lượng nữ tình nguyện viên cũng mặc áo dài để tạo ấn tượng đối với du khách khi đến Huế. Gần đây, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” tại sân khấu Bia Quốc Học với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế, cũng đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách.
Nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, ngày 31-8-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành Quyết định 48/2018/QĐ-UBND, quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hàng tuần”. Ngày 5-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, đã có thư ngỏ gửi các trường học đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THPT trên địa bàn tỉnh, về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống.
3. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tâm thức của người Việt khi nhắc đến Huế, người ta vẫn nhớ về hình ảnh không bao giờ thay đổi là những chiếc áo dài tím, nón lá và mái tóc thề. Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận định: “Huế nên có không gian áo dài để áo dài Huế có điều kiện phô diễn”. TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng phát triển áo dài Huế cần tránh xu hướng “tầm thường hóa”. Áo dài là “thượng phẩm” nên cần có chiến lược nâng cao, thể hiện được tính sang trọng…
3. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tâm thức của người Việt khi nhắc đến Huế, người ta vẫn nhớ về hình ảnh không bao giờ thay đổi là những chiếc áo dài tím, nón lá và mái tóc thề. Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận định: “Huế nên có không gian áo dài để áo dài Huế có điều kiện phô diễn”. TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng phát triển áo dài Huế cần tránh xu hướng “tầm thường hóa”. Áo dài là “thượng phẩm” nên cần có chiến lược nâng cao, thể hiện được tính sang trọng…
Hoa khôi Du lịch Huế 2015 Ngọc Trân trong tà áo dài tím tại Hàn Quốc.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế, trong dịp Festival Huế 2020, đơn vị sẽ tổ chức “Ngày hội Áo dài Huế”. Dự kiến, ngày hội gồm có các hoạt động chính như tri ân tiền nhân khai sáng áo dài Việt Nam; chương trình biểu diễn thực cảnh áo dài xưa và nay; phát động phụ nữ Huế nói chung, cán bộ công chức, viên chức, các nữ sinh viên, học sinh Huế mặc áo dài trong thời gian diễn ra Festival Huế và quảng diễn áo dài Huế trong các hoạt động cộng đồng.
Những chiếc áo dài đã trở thành trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của xứ Huế. Hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, của du lịch Huế, quyến rũ biết bao lữ khách dạo qua. Đúng như lời bài hát Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”.