Tháo gỡ ách tắc nền kinh tế

Sáng qua 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2013. Những vấn đề bức xúc của các đại biểu (ĐB) liên quan đến quản lý thị trường vàng, tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tháo gỡ hàng tồn kho... tiếp tục trở thành đề tài nóng trên nghị trường.

Sáng qua 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2013. Những vấn đề bức xúc của các đại biểu (ĐB) liên quan đến quản lý thị trường vàng, tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tháo gỡ hàng tồn kho... tiếp tục trở thành đề tài nóng trên nghị trường.

Hiệu quả bước đầu chống vàng hóa

Là người giải trình đầu tiên trong phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm đã không làm tốt công tác thông tin truyền thông về chủ trương, chính sách thị trường vàng nên dư luận không có thông tin đầy đủ, gây cách hiểu không đúng.

Theo Thống đốc, hiện lượng vàng trong dân nắm giữ khoảng 300-400 tấn, trị giá khoảng 15-20 tỷ USD. Thời gian qua do kinh tế thế giới, trong nước bất ổn, khó khăn nên giá vàng trong nước biến động, tăng cao. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã xây dựng đề án chống vàng hóa với 2 mục tiêu: Không gây biến động thị trường, không để ảnh hưởng tỷ giá, lạm phát; ngăn chặn và đẩy lùi vàng hóa trong nền kinh tế và huy động ngược trở lại nguồn vốn này để phát triển kinh tế.

Sau 5 tháng thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, giá vàng trong nước dù cao hơn thế giới 1-3 triệu đồng/lượng nhưng đã không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua vàng, tỷ giá ổn định, vàng hóa nền kinh tế đã được ngăn chặn một bước.

Từ tháng 5 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (trị giá khoảng 3 tỷ USD) và từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào lượng vàng trị giá 10 tỷ USD. Nguồn lực vốn trong dân đã chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng
tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.
  

Ông Bình cũng thừa nhận còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng, nhất là về khái niệm độc quyền vàng miếng SJC chưa được thông tin rộng rãi, gây cách hiểu khác nhau, gây lo lắng trong dư luận. Ông Bình giải thích, kể từ 25-5, tất cả đơn vị, kể cả Công ty SJC, đều phải chấm dứt dập vàng miếng, chỉ NHNN được độc quyền dập vàng miếng SJC.

NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền của Nhà nước do 93-95% thị phần vàng miếng toàn quốc là vàng SJC, sẽ hạn chế được lãng phí nếu xây dựng thương hiệu mới. Tuy nhiên, Thống đốc cũng khẳng định, từ sau 25-5, tất cả vàng miếng thương hiệu khác SJC vẫn được lưu hành bình thường.

Trước nhu cầu chuyển đổi các loại vàng khác sang SJC, NHNN đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng năng lực trong việc chuyển đổi. “Quản lý thị trường với các kết quả nêu trên thể hiện sự đúng đắn phương án chống vàng hóa của Chính phủ. Những vấn đề phát sinh, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ” - ông Bình nói.

Minh bạch chính sách, công nợ

Không đồng tình với giải trình của Thống đốc, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho rằng quản lý thị trường vàng hiện nay chưa đạt được mục tiêu sát với thế giới. Việc người dân chen chúc xếp hàng chuyển đổi vàng sang thương hiệu SJC do đâu mà có? Từ lúc siết chặt quản lý thị trường vàng, giá vàng nhãn hiệu SJC cao hơn thế giới trong khi các loại vàng khác trong nước sát với diễn biến thế giới.

Và tại sao các ngân hàng lại mua vào 60 tấn vàng nếu tỷ giá ổn định? Công ty SJC nhận gia công vàng với mức phí 5.000 đồng là gia công cho ai? Sự chênh lệch giữa giá vàng SJC với các vàng khác ngân sách có được hưởng lợi?

“Chỉ nước ta mới có chuyện giá vàng phụ thuộc vào thương hiệu chứ không phải chất lượng vàng. Vàng vẫn là mặt hàng tích trữ truyền thống nên vẫn tồn tại khách quan. Tôi xin nhắc lại lời của ĐB Trần Du Lịch là không thể coi thường thị trường vàng. Việc công khai, minh bạch chính sách với thị trường vàng và các chính sách khác là hết sức cần thiết, tránh các nghi ngờ về mục tiêu” - ĐB Hiến nói.

Đề cập đến tái cơ cấu ngân hàng, Bí thư, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng có 2 vấn đề rất cần quan tâm là lợi ích nhóm và nợ xấu. Về nợ xấu, NHNN cần tập trung phân tích, bóc tách cho được để xử lý đúng.

ĐB Thanh phân tích: “Thông thường, người vay không trả được ngân hàng sẽ siết nhà, đất, nhưng tại sao ngân hàng vẫn không siết nổi nợ? Bên cạnh việc thị trường bất động sản đóng băng, giá xuống thấp còn có vấn đề quan trọng khác là nâng khống giá trị tài sản lên. Khu đất 200 tỷ đồng nhưng cả người vay và cho vay nâng khống lên 1.000 tỷ đồng để được vay 600 tỷ đồng. Bây giờ khu đất đó chưa đến 100 tỷ đồng và không còn ai mua, như vậy ngân hàng mất đứt 500 tỷ đồng”.

Theo ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), hiện các địa phương nợ doanh nghiệp xây dựng cơ bản hơn 90.000 tỷ đồng. Để giải quyết, ngoài ngành ngân hàng, Chính phủ cần thành lập ban chỉ đạo hoặc ủy ban để xử lý. Trước mắt cần rà soát các khoản nợ này và xem xét bố trí vốn để chuyển nợ từ doanh nghiệp sang Nhà nước.

Về xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích, chẳng hạn sản xuất chiếm 50% GDP và 20% nợ xấu của 50% GDP khoảng 4% nợ xấu ngân hàng, số nợ chưa giải quyết được của xây dựng cơ bản trên 90.000 tỷ đồng, tương đương 2% nợ xấu.

Nếu giải quyết được 2 khoản này sẽ giải quyết được 6% nợ xấu trên tổng số nợ xấu được xác định khoảng 8% hiện nay. Ông Bình cũng cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành giải quyết vấn đề tồn kho. “Các ngân hàng nếu không trích lập dự phòng rủi ro để xử lý sẽ không cho chia cổ tức và NHNN sẽ tiến hành thanh tra, giám sát với mục tiêu là lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải giải quyết nợ xấu” - ông Bình khẳng định.

Khơi thông thị trường bất động sản

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết thị trường bất động sản đóng băng nhưng người dân nghèo vẫn thiếu nhà ở.

Đến 31-8-2012, theo báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng, nợ xấu 6,6%. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản gồm cho vay kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản… khoảng 57% tổng dư nợ tín dụng, tức hơn 1 triệu tỷ đồng. Hiện có 2.399 dự án trên 44 tỉnh, thành chiếm xấp xỉ 71.000ha đất. Hàng tồn kho hơn 16.460 căn hộ chung cư.

Vấn đề của thị trường bất động sản đóng băng, ngưng trệ còn nằm ở chỗ chủ yếu là sản phẩm cao cấp, trung bình, cung lớn hơn cầu rất nhiều, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà giá rẻ, cho người thu nhập thấp.

Giải pháp về vấn đề này, ông Dũng cho biết Bộ Xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm để tăng lượng nhà ở phục vụ người thu nhập thấp, nhà xã hội (nhà cho người nghèo nông thôn, đô thị, công viên chức, nhà công nhân, sinh viên...) và đề nghị NHNN mở rộng tín dụng cho nhà đầu tư, người mua nhà xã hội.

“Ngoài ra, đề nghị Quốc hội miễn, giảm thuế VAT cho hộ, cá nhân mua nhà ở xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu; cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán” - ông Dũng nói.

Các tin khác