Diễn đàn kinh tế mùa xuân

Tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông dòng vốn

Đưa ra đánh giá chung nhất, TS Trần Đình Thiên nói: “Nền kinh tế có khơi thông, nhưng nghẽn mạch vẫn nghiêm trọng. Thu ngân sách còn khó khăn, nợ công lớn, ngân hàng đối mặt với thách thức như nợ xấu, sở hữu chéo. Hai khó khăn của ngân sách và ngân hàng đã ảnh hưởng mạnh đến lưu thông vốn”.

Nền kinh tế đã bước đầu phục hồi, nhưng vẫn chưa bền vững, thậm chí còn rất mong manh bởi các “điểm nghẽn” chưa có nhiều cải thiện. Vì thế, thời gian tới cần phải có những giải pháp mạnh hơn tháo gỡ các điểm nút như nợ xấu và nợ công, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức ngày 28-4 tại Quảng Ninh.

Trả giá để phục hồi, ổn định vĩ mô

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong quý 1 năm 2014, xu hướng chính của năm 2013 vẫn tiếp tục diễn ra: GDP tiếp tục cao hơn, CPI tiếp tục thấp hơn. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng, có xuất siêu nhưng đóng góp chủ yếu là khu vực FDI. Nền kinh tế đã phải trả giá rất nhiều để đạt được những kết quả như vậy. Đó là lưu thông kinh tế hiện đang có vấn đề, sức mua yếu, sức khỏe doanh nghiệp (DN) yếu. Đến nay xu hướng trả giá vẫn tiếp tục.

Đưa ra đánh giá chung nhất, TS Trần Đình Thiên nói: “Nền kinh tế có khơi thông, nhưng nghẽn mạch vẫn nghiêm trọng. Thu ngân sách còn khó khăn, nợ công lớn, ngân hàng đối mặt với thách thức như nợ xấu, sở hữu chéo. Hai khó khăn của ngân sách và ngân hàng đã ảnh hưởng mạnh đến lưu thông vốn”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng ghi nhận một số điểm sáng. Đó là việc chúng ta chấp nhận trả giá để phục hồi và duy trì ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó là cách tiếp cận mới đến tái cơ cấu kinh tế: thực hiện logic thị trường trong phát triển; sửa đổi hệ thống chính sách một cách đồng bộ, làm cả một dải luật một lúc; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN với quyết tâm chính trị cao. Đáng chú ý là chúng ta đã bắt đầu thoát khỏi “chủ nghĩa thành tích”, mà biểu hiện là định hướng thực tiễn cho tăng trưởng năm 2014.

Cần có giải pháp, giúp doanh nghiệp kết nối thị trường, hỗ trợ sau sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Việt Nam làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM). Ảnh: Cao Thăng
Cần có giải pháp, giúp doanh nghiệp kết nối thị trường, hỗ trợ sau sản xuất.
Trong ảnh: Công nhân Việt Nam làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM).
Ảnh: Cao Thăng

Đồng tình với nhận định trên, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nền kinh tế đến nay “được coi là ổn định nhưng chưa vững chắc”. Theo ông Sơn, từ nay đến năm 2015 nền kinh tế khó có thể có sự đột biến. Trong bối cảnh đó nên duy trì sự ổn định, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận xét: “Có người nói sự phục hồi của nền kinh tế chưa vững chắc, còn tôi nói là quá mỏng manh. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là DN lao đao ngay. Nền kinh tế chưa đủ vững để chúng ta thoát ra”.

Nợ công: Nguy cơ không nằm ở con số

Trong bối cảnh như vậy, TS Trần Đình Thiên cho rằng thời gian tới cần tập trung xử lý nợ xấu và nợ công - là 2 điểm nút gắn với lưu thông vốn cho nền kinh tế. Cả 2 điểm nút này đều có chung vấn đề là chưa rõ ràng, nhiều điểm khác với thông lệ quốc tế; số liệu về nợ còn khác nhau, sai số lớn; quy mô lớn và gia tăng nhanh; có xu hướng đánh giá nguy cơ của nợ thấp hơn thực tế.

Hiện nay tỷ lệ nợ xấu chính thức (gồm cả nợ đã cơ cấu) là 9,71% - đây là thông tin đáng tin cậy, nhưng nhìn vào hoạt động của Công ty Quản lý tài sản VAMC cho thấy công ty này khó có thể “gánh” được việc xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, tồn kho bất động sản tuy giảm đi nhưng tổng giá trị tồn kho vẫn lớn trong tương quan sức khỏe nền kinh tế. TS Trần Đình Thiên cũng đặc biệt lưu ý về nguy cơ đối với nợ công: Nguy cơ ở đây không nằm ở con số, ở tỷ lệ an toàn theo quy định. Nói nợ công hiện nay ở mức 55,7% GDP thấp hơn ngưỡng 65% theo quy định là ảo tưởng về tính an toàn. Hiện nay Việt Nam phải vay rất nhiều để trả nợ. Nguy cơ cũng nằm ở cơ cấu nợ: tỷ lệ nợ ngắn hạn quá lớn làm tăng áp lực trả nợ. Năm nay chúng ta sẽ phải trả nợ 208.000 tỷ đồng, bằng 26,7% số thu ngân sách.

GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam, lo ngại: “Nợ công ở dưới ngưỡng nhưng trong 5 năm gần đây tăng gấp đôi, chưa nói chúng ta đánh giá không theo chuẩn mực quốc tế”.

Xử lý nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”?

Bàn về các giải pháp sắp tới, TS Trần Đình Thiên cho rằng dứt khoát không được để xu hướng tắc nghẽn tiếp diễn. Muốn vậy, phục hồi sức khỏe cho DN nội địa là mục tiêu hàng đầu. Ngân hàng cần chia sẻ với DN nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó cần ưu tiên tối đa cho tái cơ cấu: thiết lập trục thị trường và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, tạo ra các tọa độ “đột phá phát triển” mạnh, chẳng hạn như phát triển một số đặc khu kinh tế. Về xử lý nợ xấu, ông Thiên nhận xét không phải ngành ngân hàng không nỗ lực, nhưng còn trông đợi quá nhiều vào VAMC nên quá chậm.

Chuyên gia này đề nghị một biện pháp quyết liệt, triệt để để xử lý một phần cơ bản nợ xấu. Đó là giải quyết nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”. Nguồn tài chính có thể lấy từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng không theo logic phong trào mà theo logic “cưỡng bức cải cách có điều kiện”. Để giải tỏa nguy cơ nợ công, theo TS Trần Đình Thiên, vướng mắc chủ yếu hiện nay là cơ chế, ở Luật Ngân sách Nhà nước, Luật DN, Luật Đầu tư công… liên quan đến cách sử dụng tài sản nhà nước. Hiện các luật này đang được sửa, nhưng cần nhanh hơn và nên có chương trình nghị sự đặc biệt để xử lý nhanh các luật này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về giải pháp xử lý nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đặt câu hỏi: Vậy lấy tiền ở đâu? Theo ông, các mô hình công ty xử lý nợ trên thế giới thường bỏ ra 0,5% - 3% tổng số nợ xấu để làm nguồn xử lý nợ. Hiện VAMC mới bỏ số vốn 500 tỷ đồng (khoảng 0,5%) tổng nợ xấu, sắp tới đề xuất tăng lên 2.000 tỷ đồng. Chuyên gia này cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào nguồn vốn để mua nợ: “Điều quan trọng là cơ chế xử lý tài sản sau khi mua nợ xấu, nhưng thông tư về vấn đề này đến nay các bộ, ngành vẫn đùn đẩy nhau. Bên cạnh đó phải sớm thiết lập được thị trường mua bán nợ”.

Trong khi đó, đề cập tới vấn đề quan trọng của nền kinh tế là phải tăng tổng cầu, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đề nghị nên dùng biện pháp gián tiếp là chính sách thuế để hỗ trợ cho sản xuất, cho DN. Nghiêng nhiều về vấn đề nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, cho rằng phải có giải pháp khơi thông được thị trường cho nông dân. Hiện nay khâu lưu thông hàng hóa nông sản bị kẹt giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương. Sắp tới cần bỏ tiền ra để nghiên cứu thị trường, tổ chức hỗ trợ người dân, DN kết nối với thị trường. Chúng ta vẫn thiếu tổ chức hỗ trợ sau sản xuất. Tuy nhiên, nếu chính sách tỷ giá như hiện nay thì sẽ khó khăn cho xuất khẩu, nên có sự điều chỉnh để tạo động lực.

Các tin khác