Thất thu thuế khoán - Cách nào phòng chống?

(ĐTTCO) - Một hành vi sai phạm như nhau nhưng luật xử phạt vi phạm hành chính hiện hành quy định mức phạt đối với hộ kinh doanh cá thể chỉ bằng ½ so với doanh nghiệp. 
Liệu đó có phải là lý do hộ kinh doanh cá thể cứ ẩn mình trong “ốc đảo” của mình để né thuế, mãi không “chịu lớn” thành doanh nghiệp, và cách nào để công bằng giữa các đối tượng kinh doanh.

Vì sao hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp?

Vì hộ kinh doanh được nộp thuế khoán nên việc ấn định thuế là do địa phương cùng cán bộ thuế phụ trách địa bàn, mức thuế ấn định cũng được ổn định trong 1 năm nên ít bị “hậu kiểm” như thanh tra, kiểm tra. Đã vậy, đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải đóng thuế, điều đó dẫn đến những hộ vượt nhẹ qua biên độ 100 triệu/năm phải “chạy” để né nộp thuế. 

Trong năm 2017, Tổng cục Thống kê khảo sát cho ra số hộ kinh doanh cả nước lên đến 5,1 triệu hộ. Thế nhưng, Tổng cục Thuế báo cáo chỉ quản lý 1,7 triệu hộ kinh doanh cá thể. Vậy hàng triệu hộ kinh doanh còn lại ở đâu?

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) lý giải, do Tổng cục Thống kê đã thống kê cả xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, quán cóc vỉa hè; các hoạt động tại nhiều địa điểm kinh doanh trong cùng một xã phường, hoạt động tại các địa điểm tự phát (không chính thức) được phép hoạt động như chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng, thôn, bản; cư dân tại các làng nghề truyền thống; cư dân tại khu vực du lịch theo thời vụ, hộ kinh doanh có thu nhập thấp không có địa điểm cố định... nên số lượng lớn hơn so với dữ liệu quản lý thuế.

Còn cơ quan thuế chỉ quản lý những hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ngành thuế vẫn thừa nhận, sau khi trừ các đối tượng “chênh lệch về tiêu chí thống kê” kể trên thì số liệu do cơ quan thuế quản lý chỉ có 1,7 triệu hộ kinh doanh là bị “lọt sổ” khoảng 500.000 hộ.

Ngược lại, ở đối tượng hộ kinh doanh lớn thì nhiều hộ đủ điều kiện phải lên doanh nghiệp nhưng không muốn thoát vỏ hộ kinh doanh. Dù cho Luật Doanh nghiệp quy định rõ, hộ kinh doanh có sử dụng 10 lao động thường xuyên trở lên buộc phải chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp. Thế nhưng, luật lại không quy định chế tài đối với đơn vị đủ điều kiện nhưng không thực hiện chuyển đổi. Do vậy, rất nhiều hộ kinh doanh có doanh số cao, nhiều lao động nhưng vẫn không chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

Chính phủ đã ban hành nhiều quy định miễn thuế môn bài, tạo thuận lợi về thủ tục để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Thế nhưng, việc khoán thuế quy định lỏng lẻo, tạo thuận lợi cho cán bộ và hộ kinh doanh bắt tay ấn định thuế thấp, gây thất thu thuế cho ngân sách và “cưa” lợi ích cho các bên, còn các quy định xử phạt chưa hợp lý.

Nếu một hành vi vi phạm như nhau, nhưng mức phạt đối với hộ kinh doanh cá thể chỉ bằng ½ mức phạt của doanh nghiệp. Bà N.T.T là tiểu thương ở chợ đầu mối tâm sự: “Biết là lên doanh nghiệp thì dễ giao dịch, hợp tác trong làm ăn, nhưng chúng tôi rất ngại các thủ tục thuế. Vì lên doanh nghiệp phải kê khai, quyết toán thuế, phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra… Đó là chưa kể, chỉ cần rình rang một tí thì hết bị tổ chức này kiểm tra đến tổ chức khác đến xin tài trợ. Ngay quy định xử phạt cũng thế, quy mô như nhau nhưng mang tên doanh nghiệp là bị phạt gấp đôi…”.

Một số bất cập và kiến nghị

Thực tế, việc phân các nhóm ngành với mức thuế khoán khác nhau đã dẫn đến nhiều bất cập. Chẳng hạn, đều là dịch vụ nhưng người kinh doanh dịch vụ giữ xe phải nộp thuế cao hơn phòng khám của bác sĩ. Một bãi giữ xe cũng đầu tư máy móc, phòng cháy chữa cháy, máy soi, camera… có doanh số 500 triệu đồng/tháng sẽ thuộc nhóm “dịch vụ không bao thầu nguyên liệu” với mức thuế suất là 7% (gồm 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng).

Số thuế chủ bãi xe phải nộp là 500 triệu x 7% = 35 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một phòng khám bác sĩ cũng trang bị máy móc, đèn chiếu, có doanh số 500 triệu đồng/tháng nhưng được phân vào nhóm “ngành nghề, lĩnh vực khác” thì chỉ bị áp thuế 3% (gồm 1% thuế thu nhập doanh nghiệp và 2% thuế giá trị gia tăng) nên số thuế phải nộp chỉ 500 triệu x 3% = 15 triệu đồng/tháng. Điều đó cho thấy, chỉ cần phân nhóm ngành khác nhau thì số thuế phải nộp chênh lệch hơn gấp hai lần.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, cơ quan thuế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử ở các doanh nghiệp thì đến lúc Nhà nước cần ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát doanh thu và khoán thuế. Cơ quan thuế cần trang bị máy tính tiền cho hộ kinh doanh, có kết nối với cơ quan thuế để nhà nước quản lý được số thu. Khi đã giám sát được số thu thực tế thì tránh được việc cán bộ bắt tay với hộ kinh doanh cá thể để giảm thuế, đồng thời có thể áp thuế giá trị gia tăng một cách thống nhất giữa các phương pháp tính thuế.

Qua đó, sẽ giảm được nhân sự, chi phí tuân thủ. Nếu không, với số thu hộ khoán chỉ bằng 1,6% tổng thu thuế, nhưng để áp thuế khoán, phải thông qua hội đồng tư vấn thuế phường xã gồm 5 người như hiện nay (cả nước có 11.162 xã phường, tính trung bình có đến 55.810 người lo chuyện tính thuế khoán ở địa phương) thì e rằng số thu chỉ đủ bù đắp chi phí quản lý? Đó là chưa kể, khi bỏ sót trong thu thuế - điển hình là việc lọt sổ hơn nửa triệu hộ kinh doanh - thu thuế không đúng, không đủ, thì vẫn không xác định được trách nhiệm thuộc về ai.  

Sau khi ứng dụng công nghệ trong quản lý, cán bộ thuế chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám sát, hậu kiểm. Đồng thời, cần nâng mức phạt thật nặng nếu hộ kinh doanh cá thể sai phạm trong tính thuế.

Thất thu qua việc khoán thuế trong thực tế thời gian qua là không nhỏ. Chúng tôi thử khảo sát một hộ kinh doanh bán trái cây ở chợ đầu mối có doanh số hàng trăm triệu đồng/đêm, nếu lấy số thấp nhất là 100 triệu đồng/đêm thì một tháng doanh số sẽ là 3 tỷ đồng, số thuế lẽ ra phải nộp cho ngành thương mại này là 1,5% (0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% thuế giá trị gia tăng) trên doanh thu thì số thuế phải nộp là 45 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cơ quan thuế chỉ khoán 10-15 triệu đồng/tháng.

Các tin khác