Khủng hoảng tài chính là thời điểm tốt để NĐT tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu thâu tóm. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức thâu tóm nào hiệu quả và tránh được các rủi ro mới chính là chìa khóa thành công.
Mục tiêu chân chính
Việc lựa chọn thâu tóm theo hình thức nào phụ thuộc vào mục đích của doanh nghiệp thâu tóm. Thực tế các doanh nghiệp niêm yết và số lượng thâu tóm thông qua các giao dịch trên sàn và thỏa thuận không thông qua sàn có số lượng tương đương nhau. Điều này cho thấy sự đa dạng về cách thức và chiến lược thực hiện.
![]() |
ĐHCĐ thường niên 2012 của Sacombank. Ảnh: CAO THĂNG |
Theo CTCK Bản Việt, thông thường hình thức thâu tóm qua sàn được thực hiện khi cơ cấu cổ đông mang tính đại chúng cao, ban lãnh đạo công ty không sở hữu lượng CP chi phối, trong khi giá trị của doanh nghiệp đang bị đánh giá thấp so với sự nhìn nhận của các đối tác.
Việc thâu tóm thông qua sàn thường nhắm đến sự thay thế các thành viên HĐQT để đạt tỷ lệ quá bán. Theo đó, doanh nghiệp thâu tóm sử dụng hình thức mua gom CP trên sàn hoặc chào mua công khai.
Ngược lại, hình thức thâu tóm không qua sàn xảy ra ở các doanh nghiệp có cùng một công ty hay từ NĐT nắm cổ phần chi phối ở cả 2 doanh nghiệp. Hoạt động thâu tóm này có thể đến từ sự thỏa thuận của NĐT chiếm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp mục tiêu.
Nếu có sự hợp tác, công tác hậu thâu tóm sẽ diễn ra suôn sẻ và làm gia tăng giá trị của công ty. Dù thực hiện với cách thức nào, hình thức thâu tóm cũng hướng đến mục đích tăng sức mạnh cho sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Nhiều trắc trở
Các quy định pháp lý hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi không thể xác định chính xác loại giao dịch mua bán, sáp nhập mà doanh nghiệp dự định tiến hành là loại giao dịch nào. Khi xác định đúng loại hình giao dịch sẽ giúp các bên xác định cụ thể được loại giao dịch, quy trình khi tiến hành giao dịch thâu tóm, thiết lập các điều khoản trong hợp đồng, xác định nghĩa vụ công bố thông tin nhằm tránh những tin đồn mập mờ về các thương vụ thâu tóm như hiện nay. Th.S PHẠM THỊ TƯỜNG VÂN, |
Mặc dù mục tiêu thâu tóm hết sức thiết thực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhưng không phải cuộc thâu tóm nào cũng diễn ra suôn sẻ, thậm chí còn xảy ra tranh chấp mà câu chuyện về Descon là điển hình. Một nhóm cổ đông lớn bên ngoài (nắm hơn 50% cổ phần) đã mua gom CP và đòi thay thế toàn bộ ban lãnh đạo của doanh nghiệp này.
Dù gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ nhưng cuối cùng những người này vẫn bị thay thế bằng các quyết định bãi miễn tại ĐHCĐ. Bị mất ghế, ban lãnh đạo cũ còn không nhận được bồi thường do điều lệ của doanh nghiệp không có quy định về việc này.
Những gì đã xảy ra tại Descon lý giải vì sao hình thức thâu tóm không qua sàn không nhận được sự đồng thuận của ban lãnh đạo doanh nghiệp hiện hành.
Đây là điều hiển nhiên bởi lãnh đạo các doanh nghiệp bị thâu tóm luôn bị bất ngờ và chỉ biết được khi sự việc đã rồi. Do lo ngại sự góp mặt của các cổ đông mới sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi đã dẫn đến sự phản kháng như trì hoãn việc tổ chức ĐHCĐ, bất hợp tác trong các quyết định tại ĐHCĐ.
Trong khi đó, phía NĐT đi thâu tóm mới chính là những người chủ thực sự của doanh nghiệp và họ sẽ không từ bỏ quyền chi phối nếu lợi ích mang lại không tương xứng.
Nếu thâu tóm thỏa thuận gặp sự phản kháng từ phía bị thâu tóm thì hoạt động thâu tóm qua sàn phải đối mặt với những rủi ro vô hình, như không đạt được mục đích về tỷ lệ nắm giữ cổ phần, giá trị đầu tư cao dẫn đến việc thực hiện thâu tóm không thành công.
Đặc biệt, nếu việc thâu tóm này không nhận được sự đồng thuận từ doanh nghiệp bị thâu tóm, sẽ dẫn đến những phản kháng mạnh mẽ từ ban lãnh đạo doanh nghiệp bị thâu tóm, như đã xảy ra với Sacombank.
Các hoạt động phản kháng có thể đến từ việc phát hành thêm CP nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của đối thủ, đăng ký mua CP quỹ, nhờ đối tác “thân thiện” tranh mua CP, thậm chí chấp nhận sự thâu tóm bởi đối tác thứ 3. Vì vậy, dù đạt được mục tiêu thâu tóm, cổ đông mới cũng gặp khó khăn nhất định trong việc tái cơ cấu.
Luật chưa theo kịp thực tế
Hiện tại, các quy định về thâu tóm, sáp nhập đã được quy định khá chi tiết tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thu Huyền, các văn bản điều chỉnh hoạt động thâu tóm, sáp nhập vẫn chưa theo kịp các diễn biến và yêu cầu đa dạng của thực tiễn.
Thí dụ, Luật Chứng khoán có đề cập quyền chọn bán, quyền chọn mua nhưng lại chưa có quy trình cũng như quy định trách nhiệm pháp lý cho các trường hợp này. Một trường hợp khác là bán cổ phần cho NĐTNN thông qua việc phát hành chứng chỉ lưu ký CK quốc tế.
Cũng vì thiếu các quy định cụ thể mà “con đường” phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu nhằm tiếp cận nguồn vốn quốc tế của Kinh Đô hay Masan còn rất gập ghềnh.
Thủ tục chuyển nhượng cũng còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP, trong trường hợp vốn nước ngoài dưới 49% chỉ cần sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, theo quy định về đầu tư của Bộ Công Thương, chỉ cần 1% vốn ngoại cũng phải làm giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, nếu mua dưới 49% cổ phần hoặc một phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước, NĐTNN sẽ không biết phải làm theo thủ tục nào. Trường hợp này đã từng xảy ra với Mekophar.
Chỉ vì NĐTNN mua vào CP trên sàn mà doanh nghiệp này phải chịu nhiều thiệt thòi như không được đăng ký kinh doanh phân phối thuốc, không thể tham gia đấu thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện, không thể phân phối thuốc cho hệ thống nhà thuốc, đại lý; không được xét công nhận chuỗi nhà thuốc đạt GPP (thực hành tốt nhà thuốc) và GDP (thực hành tốt phân phối thuốc). Thậm chí, Mekophar còn đang có nguy cơ thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
Theo quy định, NĐTNN muốn mua lại một phần cổ phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp trong nước phải mở tài khoản ở ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp góp vốn bằng ngoại tệ phải quy đổi ra VNĐ theo tỷ giá của ngân hàng thương mại tại thời điểm mua cổ phần.
Do đó, nếu NĐTNN bỏ ra số vốn lên đến hàng trăm triệu USD để mua cổ phần góp vốn tại Việt Nam sẽ rất khó tìm được ngân hàng có lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn để đổi số USD này sang VNĐ để chuyển cho bên bán.