Cuối năm 2019, hai bên tuyên bố sẽ đạt được thỏa thuận vào đầu năm nay 2020. Rõ ràng, chiến tranh thương mại giữa hai nước không đơn giản là một cuộc chiến chỉ có một bên được và một bên mất. Cả hai đều có những “gót chân Asin” và đều dễ bị tổn thương nếu như bên kia quyết tâm đánh vào điểm yếu của đối phương.
Cuộc chiến sẽ còn tiếp tục và sẽ còn tác động toàn diện đến kinh tế - chính trị thế giới. Về lâu dài, cuộc chiến sẽ gây mất ổn định môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong điều kiện chiến tranh thương mại, một số doanh nghiệp sẽ tìm cách “Việt Nam hóa” hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Nếu không tỉnh táo, Việt Nam sẽ bị tẩy chay và sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại căng thẳng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6-2019
Năm 2019 còn đánh dấu thất bại của tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên. Trong khi đầu năm, một số người còn kỳ vọng vào kết quả đàm phán Mỹ - Triều Tiên nhưng đến cuối năm, rõ ràng những hy vọng đó cũng đã tan biến. Thực ra, nhìn từ thực tế có thể thấy khoảng cách giữa 2 nước còn rất xa. Nhưng đôi khi hào quang của các cuộc gặp gỡ làm cho người ta không nhìn thấy hết được bản chất của vấn đề. Một khi chưa có đảm bảo cho an ninh của CHDCND Triều Tiên thì vấn đề sẽ vẫn còn đó.
Câu chuyện hạt nhân của Iran cũng nóng trong năm 2019. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, tháng 5-2019, Iran tuyên bố sẽ ngừng thực hiện một phần thỏa thuận hạt nhân, tăng làm giàu uranium và sản xuất nước nặng vượt mức thỏa thuận quy định. Ngay sau đó, Trung Đông nóng lên với các vụ tấn công các cơ sở lọc dầu cũng như các tàu chở dầu. Tháng 6, Mỹ và Iran còn chút nữa thì rơi vào một cuộc chiến sau khi Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ và Mỹ định trả đũa bằng việc tấn công Iran, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịp rút quyết định vào phút cuối. Tránh được cuộc chiến nhưng nhiều xung đột vẫn còn đó. Tháng 7-2019, sau khi dọa không thành công, Iran đã chính thức ngừng thực hiện một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân. Tương lai giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng xa vời. Giữa bức tranh tổng thể nhiều vấn đề quốc tế không giải quyết được trong năm 2019, một điểm sáng lóe lên khi vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU) gần như đã giải quyết xong sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh tháng 12 vừa qua.
Năm 2020 - năm đầu tiên của thập niên thứ 3 của thiên niên kỷ mới đã bắt đầu. Năm nay, thế giới sẽ còn phải tiếp tục giải quyết các bài toán dang dở của năm 2019 để lại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu có được giải quyết thì mâu thuẫn, cạnh tranh hai nước sẽ vẫn còn đó, thậm chí sẽ sâu sắc hơn trong lĩnh vực công nghệ và có thể cả tiền tệ. Vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên sẽ khó có một đột phá nào. Anh sẽ ra khỏi EU nhưng Liên minh châu Âu cũng sẽ đứng trước nhiều vấn đề như liệu các nước khác có theo Anh rời EU. Ngay cả khi không có các cuộc ly khai khác, EU cũng sẽ suy yếu phần nào. Tương quan Mỹ - Trung Quốc - EU có sự thay đổi nhất định.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy có nhiều điểm bất ổn hơn nữa ở khu vực Trung Đông trong năm 2020. Trung Đông sẽ đối mặt với sự phân cực hơn trong vấn đề Iran, bên cạnh vai trò của nước này tại Iraq và Lebanon. Do Mỹ tiếp tục rời xa khu vực này, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại Trung Đông. Xử lý vấn đề biến đổi khí hậu hay chiến tranh không gian mạng cũng sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm mới 2020 này.