Thêm nhiều nước tiếp tục chính sách giảm lãi suất, làm cho “cuộc đua” nói lỏng tiền tệ trở nên nóng.
Ngày 9-5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) quyết định giảm lãi suất khi tiền yên giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu và nợ hộ gia đình, kéo theo tiêu thụ giảm.
Thống đốc BOK ông Kim Choong Soo và Hội đồng quản trị BOK quyết định giảm lãi suất từ 2,75% xuống 2,5%.
Trước đó, ông Lee sang Jae - chuyên gia kinh tế của Hyundai Securites nói rằng các nước từ Nhật Bản cho tới châu Âu đều tung ra các chương trình nới lỏng và Hàn Quốc cần phải có hành động tương tự.
Ngày 8-5, Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết sẽ can thiệp thị trường ngoại hối để ghìm đà tăng của ngoại tệ trước ảnh hưởng của dòng tiền nóng từ bên ngoài chảy vào.
Một ngày trước đó, NHTW Australia quyết định hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn đà tăng của nhân dân tệ với chiến lược tiền tệ dài hạn, trong khi Thái Lan cân nhắc ghìm giá nội tệ khi baht lên cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 1997. Tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại nhiều tác dụng.
Nhà đầu tư đổ tiền vào châu Á để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu đồng loạt nới lỏng tiền tệ khiến tiền của các nước này mất giá. Ngoài ra, châu Á cũng hấp dẫn nhà đầu tư khi kinh tế khu vực này tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu của EPFR Global, từ đầu năm đến nay, gần 7 tỷ USD đổ vào các quỹ đầu tư chứng khoán thị trường mới nổi, tương tự như năm 2010. Dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi toàn cầu đến tháng 4 cũng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước lên 64 tỷ USD, báo cáo của World Bank cho hay.
Tiền đổ vào châu Á cũng khiến dự trữ ngoại hối của các NHTW ở đây tăng nhanh. Dữ liệu của World Bank cho biết, dự trữ ngoại hối của các nước châu Á đang phát triển tăng thêm 120 tỷ USD từ đầu năm đến nay, nâng tổng dự trữ lên 4.300 tỷ USD.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã quyết định hạ lãi suất từ 0,75% xuống còn 0,5%. Lãi suất tiền gửi vẫn ở mức 0%.