Thế giới trong hạt nano

Hiện là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Trưởng Phòng thí nghiệm công nghệ nano  (Khu công nghệ cao TPHCM), ông Nguyễn Chánh Khê (ảnh) có học vị tiến sỹ do trường Đại học Công nghiệp Tokyo, Nhật Bản cấp năm 1982.

Hiện là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Trưởng Phòng thí nghiệm công nghệ nano  (Khu công nghệ cao TPHCM), ông Nguyễn Chánh Khê (ảnh) có học vị tiến sỹ do trường Đại học Công nghiệp Tokyo, Nhật Bản cấp năm 1982.

Theo TS. Khê, loại vật liệu mới được thế giới chú ý hiện nay là than phẳng (graphene), được trao giải Nobel hồi năm ngoái. Than phẳng, tức nhiều phân tử carbon xếp trong 1 mặt phẳng, là một loại vật liệu có khả năng dẫn điện rất cao trong khi rất bền và không bị oxít hóa.

Mới đây, 2 nhà khoa học người Nga tuyên bố có thể cô lập được than phẳng, nhưng giá thành của loại than họ “sản xuất” còn đắt hơn cả bạch kim và vàng do quy trình chế tạo rất phức tạp, tốn kém.

Để khắc phục điều này, TS. Khê cho biết ông và đơn vị đã nghiên cứu thành công cách chế tạo than phẳng trên quy mô lớn từ những nguyên liệu rẻ lấy trong thiên nhiên Việt Nam. Kết quả này được báo cáo ở hội thảo khoa học quốc tế IWNA 2011, nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và DN, đã đăng ký sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ.

Theo TS. Khê, than phẳng do đơn vị ông chế tạo có độ dẫn điện siêu việt hơn bất cứ loại than nano nào từng được biết đến trên thế giới như than ống đơn thành, than phẳng thuần chất.

Vì vậy, ông kỳ vọng vật liệu nano mới này sẽ cho nhiều ứng dụng khác nhau trong công nghệ năng lượng, chẳng hạn dùng chế tạo pin mặt trời - đây cũng là một công trình TS. Khê đang đăng ký sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ.

Theo TS. Khê, hiện pin mặt trời dùng silicon công suất 12-15% rất đắt, trong khi các loại pin mặt trời công suất trên 40% lại càng đắt hơn vì sử dụng vật liệu bán dẫn GaAs. Với vật liệu than phẳng, TS. Khê kỳ vọng pin mặt trời do trung tâm nghiên cứu sản xuất sẽ đạt công suất cao với giá thành rẻ hơn.

TS. Khê cũng cho biết đơn vị của ông sẽ ra mắt một sản phẩm “độc” vào cuối tháng 12 này. Đó là máy phát điện chạy bằng nhiều loại chất lỏng. Đặc biệt, loại máy này không dùng nguyên tắc của bình ắcquy độc hại mà dùng chất xúc tác là vật liệu nano cho công suất cao.

Ngoài sự độc đáo về nhiên liệu, loại máy phát điện này còn là máy lọc nước, có thể biến nước biển thành nước tinh khiết. TS. Khê hy vọng loại máy phát điện mới này sẽ được ứng dụng rộng rãi để trở thành bộ phận cấp điện cho xe đạp điện, xe gắn máy và ô tô với đầu vào là nước và đầu ra là hơi nước, giúp cải thiện môi trường.

Công nghệ nano là công nghệ của những hạt thể siêu nhỏ, nhỏ hơn 100 nanomét (1 nanomét = 1 phần tỷ của mét). Hạt nano nhỏ bằng 1/1.000 sợi tóc. Có rất nhiều loại hạt nano: nano carbon, nano kim loại, nano oxýt, nano muối, nano canxi…

Ngoài những công trình đang hứa hẹn, TS. Khê cho biết Trung tâm nghiên cứu triển khai đã chế tạo thành công nano canxi và chuyển giao công nghệ cho công ty Nam Khoa để chế tạo thực phẩm chức năng ổn định đường huyết; than ống nano đang được Good Year thử nghiệm để làm chất độn cho bánh xe; nano kim loại cho Viện Nông nghiệp công nghệ cao làm nông dược.

Hiện TPHCM có các phòng nghiên cứu công nghệ nano ở Khu Công nghệ cao và trường đại học. Điều đó cho thấy chúng ta đang vươn tới đỉnh cao khoa học - công nghệ của thế giới. Trung tâm nghiên cứu triển khai đã chế tạo được những vật liệu nano thế giới chưa có.

Mục tiêu của TS. Khê và các cộng sự của ông là đưa ngành công nghệ nano Việt Nam tiến tới giai đoạn đưa kết quả nghiên cứu vật liệu nano thành sản phẩm thương mại giá trị cao.

Công nghệ nano hứa hẹn sẽ mang đến những nguồn lợi lớn cho đất nước, nhưng cần được quan tâm đầu tư đúng mức. TS. Khê cho biết  Trung tâm nghiên cứu triển khai đã nhận được những khoản tiền chuyển giao công nghệ khoảng 190.000USD. Nhưng, đó chỉ là “bước đầu”.

Các tin khác