Các bạn trẻ chia tay cha mẹ, người yêu, bạn bè thật cảm động trong màu cờ hoa, âm thanh rộn rã và những cái ôm, những nụ hôn “chúng tôi nhập ngũ/ những cái ôm thắm thiết nồng nàn”. Nhìn cảnh ấy, những cựu chiến binh thời chống Mỹ chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ ngày mình nhập ngũ hơn 40 năm trước, và có chút chạnh lòng vì không được như các bạn trẻ bây giờ.
Thời ấy, vào những năm 1970, thanh niên nông thôn chúng tôi chưa biết những thể thức giao tiếp thông thường khi gặp nhau hay khi chia tay như bắt tay, đập tay nhau, ôm nhau, hôn nhau đúng kiểu, thậm chí là vẫy tay như các bạn trẻ bây giờ. Mà ngày ấy, việc công khai bày tỏ tình cảm chốn đông người là điều cấm kỵ, thậm chí nam nữ bắt tay, hay ôm nhau bị quy là “ủy mị tiểu tư sản”, nam nữ yêu nhau cũng chỉ dám nắm tay nhau nơi kín đáo.
Ngày nhập ngũ, chúng tôi hầu như không có thời gian dành riêng cho mẹ. Từ tối hôm trước, các mẹ, các chị bận bịu dưới bếp nấu nước pha trà cho khách, nấu ăn cho con, nên mẹ con không có thời gian và cũng không tâm sự gì hay nói đúng hơn là không biết nói gì. Việc dặn dò những chuyện như hăng say chiến đấu, đoàn kết, giữ kỷ luật quân đội được coi là đại sự, đặc quyền của bố và các chú bác trong dòng họ.
Tôi còn nhớ, buổi sáng mùa Đông rét như cắt năm 1972, tôi chào bố, các em và cũng chỉ nói với mẹ được câu “mẹ ơi con đi đây”, rồi tất tả ra tập trung ở sân đình, đi thật nhanh không ngoái lại vì sợ nhìn thấy nước mắt của mẹ tôi, người mẹ đắng đót tiễn đưa 3 đứa con trai lần lượt ra mặt trận.
Đợt ấy, trên về tuyển toàn xã hơn 50 anh em, trong đó phân nửa là học sinh cấp 3 gấp rút bổ sung cho chiến trường bị tiêu hao nặng nề sau Quảng Trị 1971 và miền Đông Nam bộ thiếu vắng lực lượng chủ lực. Cả đám chúng tôi tay bị, tay nải đi bộ hơn 3km ra sông Hồng để tập kết với các xã khác ở bên kia sông, do yêu cầu bí mật quân sự nên không cho người đưa tiễn.
Những cái ôm chia tay thật nồng nàn.
Khi chúng tôi bắt đầu xếp hàng xuống thuyền, bất chợt hơn chục bà mẹ bất thình lình chui ra từ trong đám ngô cao hơn đầu người trồng ngoài bãi phù xa sông Hồng, chạy ra về hướng chúng tôi, trong đó có mẹ tôi. Các mẹ, các bầm vừa chạy vừa đưa hai tay lên trời rồi đập xuống, vừa kêu “các con ơi đi nhé, nhớ giữ sức khỏe nhé”, thỉnh thoảng có mẹ ngã dúi dụi vì mải nhìn con mà vấp phải bờ ruộng.
Ngày ấy làm gì có tivi hay phim ảnh mà biết cổ tay lắc qua lắc lại điệu nghệ như bây giờ. Cái cách liên tục đưa hai tay lên rồi hạ xuống của các mẹ chính là động tác vẫy tiễn biệt các con mình. Đó là cách vẫy kỳ lạ nhất trên thế gian này mà tôi tin là không đâu có. Sau này chúng tôi và rất nhiều đồng đội khác gặp lại kiểu vẫy tay ngã dúi dụi như thế một lần nữa trên đường vào Nam.
Sau thời gian huấn luyện, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh vào Nam. Chúng tôi nhận lệnh lúc nửa đêm, tức tốc hành quân ra ga Thường Tín rồi sau đó hành quân bộ vào Đông Nam bộ. Do bất ngờ nên không ai kịp viết thư về nhà, nên khi lên tàu ai cũng tranh thủ xé miếng giấy trong sổ tay, viết vội vài dòng kèm theo địa chỉ người nhận. Khi tàu chạy qua chỗ nào có các cô, các chị, các mẹ tập trung đông làm ruộng, chúng tôi ném mẩu giấy đó xuống qua cửa tàu.
“Thư” ném ra bay tứ tung như bươm bướm rơi dọc theo thân tàu và trắng cả ruộng. Các mẹ, các chị bươn bải chạy theo tàu và cứ đưa hai tay lên lên rồi đập xuống không khí, la bai bải “các con ơi đi nhé, nhớ về nhé”. Do mắt mải nhìn những đứa con trẻ măng lao vào nơi tuyến lửa, chân chạy bước thấp bước cao, xiêu vẹo, ngã dúi dụi, nhiều mẹ nước mắt lưng tròng, thấy thương lắm.
Lính nhìn cảnh ấy đứa nào cũng ứa nước mắt. Người lính viết cầu may, thấy người này viết thì người kia viết như một hiệu ứng đám đông và sự an ủi là mình có báo tin cho cha mẹ. Nhưng thật kỳ lạ, những miếng giấy bé nhỏ, mỏng manh lấm lem bùn đất tất thảy đều đến nhà. Các bà, các mẹ, các chị nhặt cho kỳ hết và mang ra bưu điện.
Các anh chị ở bưu điện chịu khó phơi khô, vuốt phẳng phiu cho vào phong bì, dán tem và gửi về không sót một ai. Sau này, khi quay về quê nhiều đứa chúng tôi lại thấy chúng được đặt trên bàn thờ cha ông đặt giữa nhà, và tất nhiên hai phần ba số chúng tôi ngày ấy vĩnh viễn không về nữa. Ngày ấy cả miền Bắc nhà nào không có người đi bộ đội, tất cả anh bộ đội ngày ấy đều được coi là con, em, cháu như người nhà.
Những người lính chúng tôi ngày ấy nếu còn sống nay đã bước vào tuổi 70, chả ai còn mẹ nữa. Như tất cả những đứa con trên đời này, chúng tôi cũng yêu mẹ, yêu bầm, yêu u lắm. Cho dù mẹ chúng tôi răng đen, răng vẩu, quần áo nhầu nhĩ, xanh bủng vì đói ăn, nhưng đấy là mẹ chúng tôi, đó là lẽ tự nhiên như chúng tôi yêu Tổ quốc của mình vậy.
Đời người có nhiều điều đáng tiếc, một trong số đó là chúng tôi chưa bao giờ ôm mẹ thật chặt và nói “bố mẹ ơi, chúng con yêu bố mẹ lắm”. Thế hệ chúng tôi là thế, rất mộc mạc, vụng về, hơi ngố, không biết biểu hiện tình yêu của mình với cha mẹ, ngay cả với bạn gái, nhưng lại sống rất thật. Thế hệ chúng tôi nợ các bà mẹ một cái ôm, mà không bao giờ trả được nữa.