Sắc màu chiến thắng
30 năm sau ngày hội nhập trở lại với thể thao khu vực, Việt Nam đã thực sự khiến bạn bè nể trọng với một hành trình “thâu tóm” thành tích ở SEA Games, tạo nên một kỳ đại hội thắng lớn ở hầu hết những môn thể thao quan trọng của Olympic, chẳng hạn bóng đá (2 HCV), điền kinh (16 HCV), vật (12 HCV), bắn cung (3 HCV), bơi lội (10 HCV)…
“Người không phổi” Nguyễn Thị Oanh vượt qua bạo bệnh để giành 3 HCV điền kinh.
Trong đó, có những chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử, như tấm HCV đầy cảm xúc của đội tuyển U22 Việt Nam, là ngôi vô địch đơn nam đầu tiên của quần vợt, là sự thống trị đầy thuyết phục của các chàng trai, cô gái điền kinh lần thứ hai liên tiếp, và cả hình ảnh “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên kiêu hãnh bước vào “ngôi đền” dành cho các huyền thoại SEA Games (sau 4 kỳ đại hội, Ánh Viên đã sở hữu bộ sưu tập 25 tấm HCV)…
Nét rạng ngời của các nhà vô địch SEA Games môn bắn cung nữ. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Cảm xúc các tuyển thủ Việt Nam đem lại trong những chiến thắng của họ chính là câu trả lời chính xác nhất để giải đáp thắc mắc: thể thao Việt Nam đã thực sự thống trị khu vực? Ở thời điểm hiện tại, đấy là sự thật, bởi lẽ đến Philippines với lực lượng khá khiêm tốn 600 VĐV, nhưng thể thao Việt Nam lại biết cách tạo nên những dấu ấn đặc biệt, những chiến thắng đong đầy tự hào.
Đội tuyển nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ở giữa kỳ đại hội thăng hoa bậc nhất lịch sử tham dự SEA Games, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện phải thốt lên hãnh diện: “Chính tinh thần khát vọng, chính ý chí kiên cường vượt khó của người Việt đã giúp các tuyển thủ, VĐV làm nên thắng lợi cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Bỏ lại sau lưng nhiều khó khăn, thiếu thốn, các VĐV và HLV đã bước vào sàn đấu với tất cả sức mạnh, cháy hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc”.
“Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên chính là “Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30”.
Nếu chỉ đếm số huy chương mà Việt Nam giành được, sẽ chẳng bao giờ nhận ra giá trị đích thực của nó, bởi lẽ ẩn đằng sau chính là câu chuyện hy sinh thầm lặng, sự phấn đấu không mệt mỏi và khát vọng chiến thắng cháy bỏng được vun đắp trong nhiều tháng năm để bật thành cảm xúc từ hàng ngàn VĐV trên khắp dải đất hình chữ S.
Đấy là cô gái mảnh mai Nguyễn Thị Oanh của vùng đất Bắc Giang, người đã vượt qua bệnh thận, nhiễm độc chì rất nặng để sau cùng viết nên chiến thắng tuyệt đối trên đường đua điền kinh 1.500m, 5.000m và 3.000 vượt chướng ngại vật, đi cùng đó là 1 kỷ lục SEA Games.
Đội tuyển U22 Việt Nam đoạt tấm HCV lịch sử.
Đấy là “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên đã mạnh mẽ vươn lên sau thất bại Asiad, để trở thành gương mặt được kỳ vọng nhất của Đoàn thể thao Việt Nam. Ánh Viên đóng góp 6 HCV nhưng dấu ấn đáng kể nhất chính là được tôn vinh cùng danh hiệu “Nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30”, dù cô chỉ là một trong hàng ngàn VĐV đến Philippines để đua tranh thành tích.
Đấy là ý chí tuyệt vời của “bà mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền, người từng bị hắt hủi và suýt chút nữa bị lãng quên trước thềm SEA Games, nhưng tiếp tục khẳng định mình là một trong những nữ VĐV chạy 400m và 400m rào xuất sắc bậc nhất lịch sử của đấu trường này…
Phải đầu tư mạnh cho tương lai
Phải đầu tư mạnh cho tương lai
Sau SEA Games 30, thể thao Việt Nam đã trở lại với sự bận rộn vốn dĩ, mà theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, thì công việc tiếp theo của ngành TDTT không hề nhẹ nhàng: tuyển chọn và đào tạo thêm nhiều tài năng ở nhóm môn Olympic (bóng đá, điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục…) để duy trì tính kế thừa và khát vọng chiến thắng ở các sân chơi lớn Asiad, Olympic và cho cả SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021, khi Việt Nam là quốc gia đăng cai.
30 năm kể từ lần tham dự SEA Games đầu tiên (năm 1989) sau khi hội nhập, thể thao Việt Nam đã tiến những bước dứt khoát, khỏa lấp dần khoảng cách về trình độ so với các nền thể thao mạnh ở khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines.
Kỳ diệu thay, cứ theo tháng năm, thể thao Việt Nam lại lớn mạnh hơn, trình làng nhiều VĐV tài năng hơn, để không chỉ đeo bám mà còn vượt lên để khẳng định tiềm năng thành tích ở nhiều môn thể thao. SEA Games giờ đây đã giống như “chiếc áo chật” mà thể thao Việt Nam khoác trên mình, chờ được thay thế bởi những điều mới mẻ chỉ có ở những đấu trường lớn, giàu thách thức hơn…