9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2014, nhập siêu ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng khoảng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một vấn đề nổi cộm được đưa ra tại hội nghị đó là sự sụt giảm nghiêm trọng thị phần xuất khẩu đối với ngành nông sản, thủy sản chủ lực trên thị trường thế giới. Hiện kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của nhóm ngành hàng này chỉ đạt 15,14 tỷ USD, giảm 9,9% so cùng kỳ năm 2014.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm cả về số lượng lẫn giá trị chủ yếu là thủy sản, cao su, cà phê, gạo… Những nước giảm tiêu thụ nông sản, thủy sản của Việt Nam lớn nhất là Mỹ với mức độ giảm 47%. Kế đến, thị trường các nước châu Âu, trên 30%. Số còn lại là các nước châu Á trên 10%.
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tuy không giảm lượng xuất khẩu nhưng do giá xuất khẩu giảm sâu, kéo theo giá trị xuất khẩu cũng giảm, như dầu thô giảm 49,7%, giá xăng dầu giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp chế biến tăng 19,2% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm sản phẩm vi tính, sản phẩm điện tử có mức tăng trưởng cao nhất với 52,8%. Kế đến là nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 34,3%; dệt may tăng 10,6%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 9,8%…
Nhận định về thị trường xuất khẩu quý 4-2015, nhiều DN cho rằng khó có tín hiệu tích cực do thị trường thế giới vẫn phục hồi chậm. Các nước vốn được xem là thị trường truyền thống của Việt Nam có xu hướng mở rộng nguồn nhập khẩu, nên cạnh tranh về giá, chất lượng càng gay gắt hơn. Do đó, để tăng tốc kim ngạch xuất khẩu đạt mức 10% như kế hoạch đề ra, cần thiết phải áp dụng các chính sách hỗ trợ DN.
Cụ thể, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chủ tịch Hội Cao su Việt Nam cho biết, trước hết phải tháo nút thắt hỗ trợ vốn cho DN. Việc hỗ trợ vốn không nhất thiết là hỗ trợ nguồn vay mà giải quyết ngay những vướng mắc về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu. Hiện sản phẩm nông sản sơ chế xuất khẩu thì vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng. Dù thuế này được hoàn lại nhưng thủ tục hoàn thuế rất mất thời gian, khiến DN bị ứ đọng vốn. Trường hợp phải vay ngân hàng thì phải chịu lãi suất.
Nhiều DN khác cũng kiến nghị thủ tục thông quan cũng như thủ tục hành chính liên quan đến chứng nhận xuất khẩu vẫn rất nhiêu khê, tiêu tốn quá nhiều công sức, thời gian của DN. Điều này rất khó để DN bứt phá trong xuất khẩu.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen nhấn mạnh, một vấn đề khác đang khiến DN nội mất sức là chúng ta đang thu hút DN FDI rất mạnh nhưng thiếu những điều kiện ràng buộc cần thiết. Khảo sát của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện đang có nhiều DN sản xuất thép của Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam nhưng thay vì đầu tư sản xuất, họ chỉ đầu tư để chuyển đổi xuất xứ. Nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt, DN nội sẽ khó tồn tại ngay trên sân nhà.
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, hiện bộ đã thành lập tổ công tác liên ngành chuyên hỗ trợ DN phát triển xuất khẩu. Ngoài ra, trong thời gian tới, bộ sẽ đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc thuế giá trị gia tăng cho ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu; tăng cường hoạt động xúc tiến cho những ngành hàng, thị trường có nhu cầu cao hơn.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với DN để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia phù hợp với từng thị trường DN hướng đến, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường để tạo sự bền vững cho thị trường xuất khẩu.
Nhập khẩu, tiêu thụ ô tô tăng cao Bộ Công thương cho biết, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua là sự sụt giảm của nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong khi nhóm hàng tiêu dùng các loại giảm tương đối cao, duy nhất chỉ còn mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ là vẫn tăng mạnh, tới 50%; linh kiện phụ tùng ô tô tăng gần 45%. Con số thống kê này phù hợp với xu hướng tăng chung của tổng số xe tiêu thụ toàn thị trường, kể cả sản lượng xe lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt khoảng 163.500 xe, tăng 53% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 52%. Riêng xe nhập khẩu, 9 tháng đầu năm đã nhập khẩu hơn 83.000 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 93,2% so với cùng kỳ và số thuế nhập khẩu đạt hơn 21.000 tỷ đồng. |