Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường gỗ nội địa với nhu cầu của 100 triệu dân là vô cùng tiềm năng, tuy nhiên, đây vẫn là “vùng mờ” do chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, cũng như có sự đầu tư hợp lý cho thị trường này.
Ảnh minh họa. |
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng hiện có 3 câu hỏi chưa giải đáp được về trị trường gỗ nội địa đó là: Lượng tiêu thụ bao nhiêu? Nguyên liệu chính cho trị trường trong nước là những loại gỗ gì, được lấy từ đâu? Và các chính sách để phát triển thị trường gỗ nội địa?
Ông Quyền nhấn mạnh, thị trường gỗ nội địa vẫn là 1 “vùng mờ” vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý thị trường gỗ nội địa, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan chỉ quản lý xuất khẩu… nên không biết được lượng tiêu thụ gỗ nội địa là bao nhiêu.
Việc xác định nguyên liệu làm cho gỗ nội địa cũng rất khó khăn. “Nhà nước chỉ cho khai thác khoảng 200.000 m3 gỗ. Trong khi đó, gỗ rừng trồng thì chưa làm đồ mộc được, chỉ làm ván nhân tạo, bột giấy…
Theo đánh giá sơ bộ của ông Quyền, 1 năm, người tiêu dùng Việt Nam chi cho đồ gỗ không dưới 1 tỷ USD, trong đó, ít nhất cũng có khoảng 300 triệu USD tiền mua gỗ nguyên liệu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết trước mắt đó là phải xác lập kênh phân phối, có cơ chế thuế phù hợp với tương quan thuế gỗ xuất khẩu và cơ chế vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất.
Ông Quyền nêu thực tế, người sản xuất đồ gỗ ở Việt Nam phải tự lo từ lúc làm ra sản phẩm, rồi lại phải tự đi tiêu thụ. Như vậy, với thị trường đồ gỗ trong nước thì kênh bán lẻ không có, kênh bán buôn không có. “Đã nói đến thị trường phải nói đến kênh phân phối, không có kênh phân phối không phải là thị trường”, ông Quyền khẳng định.
Thứ hai, thuế xuất khẩu đồ gỗ hiện nay là 0%, trong khi đó đồ gỗ nội địa lại chịu nhiều loại thuế hơn (thuế môn bài, thuế tiêu thụ doanh nghiệp…), rõ ràng, nếu xác định được tương quan thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu thì sẽ có những cơ chế đúng đắn để phát triển lành mạnh các thị trường.
Chính sách thứ ba là vay vốn để phát triển gỗ nội địa. Ông Quyền cho biết: “Hiện những người làm gỗ nội địa hoàn toàn là gia đình và các hộ cơ sở nhỏ nên không đủ thế chấp để vay, chủ yếu là tự huy động”.
Vì vậy, để đối phó với biến động của thị trường cũng như khó khăn tiếp cận vốn trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chuyển hướng từ sản xuất bàn ghế ngoài trời sang nội thất, từ hàng cao cấp chuyển hướng sang phân khúc hàng trung bình, làm với quy mô vừa…
Đặc biệt, các doanh nghiệp có xu hướng liên kết với nhau để chế tạo sản phẩm theo từng công đoạn cho một đơn hàng, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.