(ĐTTCO) - Ngày 15-3, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) công bố tăng lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng qua thêm 0,25% lên ngưỡng 0,75-1%. Ngay lập tức, đồng USD mất giá mạnh 0,7% và các thị trường chứng khoán (TTCK), vàng, dầu, EUR tăng giá mạnh. Người chiến thắng nhiều nhất sau quyết định của FED là vàng, với mức tăng trên 2,2%. Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VNĐ vào ngày 16-3 đã giảm 50-60 đồng.
USD mất giá mạnh đã được dự báo
Thực tế, việc FED tăng lãi suất có tác động hạn chế đến các thị trường châu Á. Đặc biệt, thị trường cổ phiếu châu Á phản ứng tích cực với hành động tăng lãi suất của FED. Các tài sản rủi ro ở khu vực châu Á vẫn có cơ hội để tăng trưởng trong năm nay. Vì thế, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn tại các thị trường mới nổi ở châu Á. Ông Bryan Collins, nhà quản lý danh mục trái phiếu của Fidelity |
Diễn biến 2 ngày 15 và 16-3 được gọi là “mua tin đồn, bán tin thật”. Từ đầu tháng 3, sau khi Chủ tịch FED tại New York ông William Dudley thông báo ý định nâng lãi suất, và sau đó được Chủ tịch FED bà Janet Yellen xác nhận, thị trường tương lai đã tăng mạnh với kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất từ 60% lên 90%.
Số liệu việc làm phi nông nghiệp được công bố vài ngày trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) cũng tốt hơn dự báo, khiến giới đầu tư càng tin vào việc FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Chính kỳ vọng này đã đẩy giá vàng, dầu, chứng khoán giảm từ đầu tháng 3 đến nay, trong khi đồng USD có mạch tăng 5 tuần liên tiếp.
Và khi FED chính thức tăng lãi suất thêm 0,25%, các nhà đầu tư tiến hành chốt lãi đồng USD và quay sang đóng vị thế bán ở các thị trường vàng, dầu, chứng khoán. Hiện tượng này thường xuyên diễn ra sau mỗi lần FED tăng lãi suất và được giới phân tích tiền tệ cảnh báo. Thí dụ, đồng USD đã giảm sau đợt FED tăng lãi suất vào tháng 12-2016.
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến USD rớt giá mạnh do FED thiếu các bình luận về khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Giới phân tích tiền tệ gọi đây là “những bình luận thiếu tính diều hâu”. Thực sự, nhà đầu tư trên thị trường đã chuẩn bị tâm lý cho việc tăng lãi suất tháng 3-2017 là lần thứ 2 trong 3 tháng, nhưng chỉ số Fedwatch Fund rate trên thị trường tương lai cho thấy họ không tin vào kịch bản 3 lần tăng lãi suất của FED trong năm 2017.
Các nhà đầu tư hiện chỉ đang nghĩ tới 2 lần tăng lãi suất trong năm 2017 so với công bố 3 lần của FED. Do đó, cũng chưa rõ khi nào FED sẽ tăng tiếp lãi suất. Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của FED cũng không cho thấy bất cứ thông điệp nào cho kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo.
Thậm chí, FED còn dùng từ “neutral - trung hòa” khi nói về mức độ tăng lãi suất trong cuộc họp báo, khiến nhà đầu tư nghĩ rằng sau 2 lần tăng liên tiếp trong 3 tháng là tạm đủ, và FED sẽ “nghỉ ngơi” một thời gian trước khi tăng lãi suất đợt tiếp. Quan trọng hơn, kết quả bỏ phiếu trong Hội đồng Thống đốc của FOMC cũng gây bất ngờ. Chủ tịch FED tại vùng Minnesota, ông Neil Kashkari bỏ phiếu không tăng lãi suất, cho thấy sự bất đồng trong quan điểm chính sách thắt chặt của FED. Đây chính là lý do thực sự tại sao đồng USD giảm mạnh.
Mở đường chấm dứt nới lỏng định lượng
Vào lúc này, đồng USD yếu, TTCK châu Á và Việt Nam còn có khả năng tăng điểm. Ngược lại, nếu USD mạnh trở lại, TTCK Việt Nam sẽ ngay lập tức bị tác động tiêu cực. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có điểm yếu về vấn đề tỷ giá. Việc FED nâng lãi suất cũng khiến Việt Nam phải xem lại khả năng gỡ bỏ mức lãi suất tiền gửi 0% cho đồng USD. |
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi FED thông báo tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới ngay lập tức có biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Phản ứng nhanh nhất thuộc về các NHTƯ vùng Vịnh, nơi thường duy trì chế độ tỷ giá cố định so với đồng USD. Chỉ trong vòng 90 phút sau thông báo của FED, NHTƯ của Saudi Arabia, UAE (Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Kuwait và Bahrain đưa ra thông báo sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các NHTƯ khác vốn nới lỏng định lượng mạnh tay trong năm 2016 như Indonesia, cũng nói họ đang theo dõi động thái của FED để chuẩn bị có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ. Trong khi NHTƯ Hàn Quốc nói rằng họ có thể sẽ không mở rộng thêm việc nới lỏng định lượng.
Trong khi đó, NHTƯ Anh (BOE) và Nhật Bản (BOJ) có lịch công bố chính sách tiền tệ cùng ngày với FED. Mặc dù BOJ chưa công bố việc tăng lãi suất hoặc bắt đầu thu hẹp dần dần chương trình mua trái phiếu, nhưng các nhà đầu tư đang kỳ vọng điều này sẽ sớm được thực hiện. Phản ánh về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ xuất hiện rõ hơn tại BOE.
Trước cuộc họp chính sách tiền tệ, giới đầu tư kỳ vọng cả 9 thành viên trong hội đồng của BOE sẽ đồng thuận bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất 0,25% khi các dữ liệu kinh tế của Anh không rõ ràng. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 16-3, một thành viên trong hội đồng bất ngờ bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất.
Do đó, ngay cả khi BOE công bố giữ nguyên mức lãi suất 0,25%, đồng bảng Anh lập tức tăng hơn 100pip (đơn vị nhỏ nhất để đo mức độ lên xuống của giá trong giao dịch ngoại hối - tỷ giá giữa các đồng tiền) so với đồng USD, khi nhà đầu tư nhận thấy dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trước đó, vào ngày 9-3, Chủ tịch Mario Draghi của NHTƯ châu Âu (ECB) đã lên tiếng về việc khả năng sớm thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng. Đây được xem là phản ứng của ECB khi đoán trước hành động tăng lãi suất của FED. Các nhà kinh tế học tại Deutsche Bank bình luận: “ECB đang ngày càng tỏ ra ít bồ câu hơn, với thông báo có thể thu hẹp dần chương trình QE về 0 vào cuối năm nay”.
Trong khi đó, NHTƯ Trung Quốc (PBoC) ngay lập tức tăng lãi suất thêm 10 điểm phần trăm, là lần thứ 3 trong vài tháng gần đây, như một biện pháp phản ứng với việc tăng lãi suất của FED. Những động thái của các NHTƯ cho thấy chuyển động của FED đang có khả năng mở đường cho xu hướng chấm dứt thập niên nới lỏng định lượng từ sau cuộc khủng hoảng 2007, hay nói cách khác, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ đang bắt đầu.
Phản ứng của TTCK toàn cầu
Ngay sau cuộc họp của FED, tin tốt đến tràn ngập. Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan đã xóa đi lo ngại về nỗi lo Nexit (Hà Lan rời khỏi Eurozone). Theo đó, việc Đảng VVD của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chiến thắng so với đảng PVV (Vì Tự do) đối thủ Geert Wilders (người đang có chủ trương Nexit) trong cuộc bầu cử Quốc hội, đã khiến đồng EUR và TTCK châu Âu tiếp tục tăng điểm.
Song phản ứng lạc quan của TTCK trong 1-2 phiên giao dịch sau cuộc họp của FED không phản ánh được xu thế dài hạn. Phản ứng này được xem là sự giải tỏa cho những tiên đoán về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED được thực hiện trong quyết định chính sách tiền tệ tháng 3-2017.
Các NĐT có thể bớt lo ngại về kịch bản rút vốn |
Về dài hạn, lãi suất tăng lên ở nhiều thị trường để chống lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến TTCK. Hiện nay, các thông số đo lạm phát đang có thay đổi mạnh. Chỉ số Core PCE Deflator - công cụ đo lạm phát của FED - đã bất ngờ tăng mạnh 1,7% trong tháng 1; lạm phát của Eurozone trong tháng 2 cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Kỳ vọng lạm phát đo qua TIPS Breakeven Rate của trái phiếu chính phủ 10 năm cũng đã lên mức cao 2,1% vào tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2013.
Thực tế, TTCK thường tổn thương mạnh khi lãi suất tăng và cũng là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng mạnh nhất của việc FED tăng lãi suất. Số liệu khảo sát từ năm 1950-2009 cảnh báo việc tăng lãi suất lần thứ 3 của FED có xác suất cao (6 trong 11 lần) thường trùng vào một đỉnh quan trọng của TTCK Hoa Kỳ trong 1-12 tháng sau đó. Lần tăng lãi suất vào tháng 3-2017 là lần thứ 3 kể từ tháng 5-2008 và liệu lịch sử có lặp lại?
Tom Leveroni và Shourui Tian của Nautilus Investment Research nhận định: “Việc tăng lãi suất có hại cho TTCK, đôi chút không tốt cho đồng USD và thường tăng giá cho lợi suất trái phiếu 10 năm và thị trường hàng hóa”. Thực sự, trong bối cảnh lạm phát, bất chấp việc FED tăng lãi suất, đã nhiều lần giá dầu và giá vàng còn tiếp tục lập đỉnh mới sau khi TTCK đã lập đỉnh trước đó. Lần gần đây là trường hợp của năm 2005-2008, trong khi TTCK đổ gục vào đỉnh tháng 10-2007, giá dầu ngượi lại leo đến mức cao vào đỉnh tháng 6-2008.
Không nằm ngoài diễn biến chung của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam được hưởng lợi sau khi FED không phát ra thông điệp rõ ràng cho lần tăng lãi suất tiếp theo. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm từ 5,87% xuống còn 5,84%/năm. Tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại giảm mạnh 40-50 đồng và ở mức phổ biến 22.810VNĐ/USD. Chỉ số VN Index và HNX Index không thay đổi nhiều sau quyết định của FED.
Bối cảnh lạc quan này cho thấy các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam có thể bớt lo ngại về kịch bản rút vốn tại TTCK Việt Nam nói riêng và các TTCK mới nổi ở châu Á. Hay nói cách khác, với kết quả cuộc họp FOMC vừa công bố, TTCK toàn cầu và Việt Nam sẽ không bị tác động tiêu cực trừ khi xuất hiện thông tin mới.
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD không chỉ phụ thuộc vào FED mà còn phụ thuộc vào những động thái của Tổng thống Donald Trump. Nếu ông này cương quyết ngăn chặn dòng người nhập cư, bảo hộ thương mại bằng việc đánh thuế nhập khẩu, đồng USD sẽ tăng trở lại. Sự thắng thế của Trump sẽ kéo theo sự hồi phục của đồng USD hoặc ngược lại. Nếu như đồng USD hồi phục, khả năng thị trường cổ phiếu toàn cầu và Việt Nam lại rơi vào đợt điều chỉnh.