Từ ngày 10-1-2013, 17 NHTM và 14 doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, với 2.456 điểm giao dịch. Điều này đồng nghĩa hàng ngàn điểm kinh doanh vàng khác sẽ phải đóng cửa. Đây là giải pháp để giảm bớt tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường cho thấy người dân dù hoang mang vẫn có tâm lý giữ vàng và chờ đợi động thái thị trường.
Giao dịch ảm đạm
Thông tin tới đây các tiệm vàng nhỏ lẻ không còn kinh doanh vàng miếng đã khiến nhiều người lo ngại. Dù lãi suất tiền gửi đang giảm, tạo cơ hội thị trường vàng hấp dẫn hơn, nhưng người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với việc mua bán vàng. Nhiều tiệm vàng ở quận 1, 5, 8 (TPHCM) cho biết thời điểm này chỉ có giao dịch mua bán vàng nữ trang là sôi động, còn vàng miếng rất ảm đạm, người bán nhiều hơn người mua do người dân lo ngại việc mua bán vàng miếng sẽ trở nên khó khăn, bất tiện hơn.
Chị Trương Thị Nhiên, ngụ ở phường 15 quận 8, cho biết khu vực gần nhà chị chỉ có các tiệm vàng nhỏ lẻ, không có điểm giao dịch là các NHTM, nên muốn mua bán vàng miếng phải đi xa.
Tuy nhiên, chị Hiền cho biết trong bối cảnh hiện nay chưa biết giá vàng có bị ảnh hưởng từ việc ngưng cấp phép vàng miếng hay không, nên chị sẽ không đầu tư thêm vàng, nhưng cũng sẽ không bán số vàng đang nắm giữ vì lãi suất tiền gửi đang giảm, việc giữ tiền đồng cũng không có lợi.
Thị trường vàng miếng đang được tăng cường quản lý. |
Hiện nay NHNN chưa công bố chính thức các đơn vị nào được kinh doanh vàng miếng. Ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội người dân còn dễ tìm điểm giao dịch là các NHTM, nhưng ở các vùng xa xôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi mua bán vàng miếng.
Nhiều người dân ở các vùng ngoại ô TPHCM cho biết nếu ở gần nhà không có điểm mua, bán vàng miếng, họ phải đi có khi hàng chục cây số về nội thành bán vàng, không an toàn và tốn kém chi phí. Nhiều người dân đang tính đổi vàng miếng thành vàng nhẫn nhưng cũng rất băn khoăn vì sợ chất lượng vàng nhẫn khó kiểm soát, sau này bán bị ép giá.
Hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng, nhưng theo thông báo mới nhất chỉ còn 2.456 điểm giao dịch được phép kinh doanh vàng miếng, tức sẽ có gần 6.000 điểm đang giao dịch vàng phải đóng cửa.
Đại diện NHNN cho rằng trong thời gian đầu, việc "xóa sổ" gần 6.000 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng trên cả nước sẽ gặp không ít khó khăn và tình trạng lộn xộn có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là một trong những biện pháp cứng rắn của NHNN để dần bình ổn thị trường vàng.
Đại diện NHNN cũng khẳng định, thị trường vàng miếng đang từng bước được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất tới lưu thông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại việc thu hẹp đối tượng được phép mua, bán vàng liệu có bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người dân như chủ trương của Nghị định đề ra.
Cần mở rộng điểm giao dịch có phép
Trên thị trường hiện nay chỉ mới có Maritime Bank công bố chính thức là một trong số 17 NHTM và 14 doanh nghiệp được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng đợt đầu tiên. Theo đó, 116 điểm giao dịch của Maritime Bank trên toàn quốc sẽ được phép kinh doanh và giữ hộ vàng.
Đây là dịch vụ mà ngân hàng này đã triển khai từ hơn 1 năm nay. Được biết, trong quá trình kinh doanh vàng miếng, các đơn vị này phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt nhằm bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, như cập nhật giá vàng lên website, niêm yết giá vàng trên bảng điện tử tại điểm giao dịch, có trang bị máy móc kiểm định, đo lường, có cán bộ kiểm định vàng, chỉ thực hiện giao dịch spot, không được giao dịch phái sinh vàng…
Bà Nguyễn Hương Loan, Tổng giám đốc Maritime Bank, cho rằng với việc được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ giúp khách hàng của Maritime Bank có thêm lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ. Với kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai, ngân hàng tin tưởng khách hàng sẽ hài lòng với sự phục vụ tại Maritime Bank.
Trong khi đó, theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), việc thu hẹp điểm giao dịch vàng miếng bước đầu không ảnh hưởng vì SJC phân phối qua hệ thống đại lý có đủ tiêu chuẩn để kinh doanh vàng miếng.
Nhiều dự đoán sau ngày 10-1-2013, khi thị trường vàng sẽ phát triển mạnh các loại vàng trang sức trá hình vàng miếng: trọng lượng lớn, gia công thô sơ, hoặc các loại nhẫn nhưng không phải để đeo tay mà được bảo quản kín trong bao bì của nhà sản xuất: hình thức vàng nhẫn nhưng lại mang dáng dấp của vàng miếng vì có đóng dấu ký hiệu, tên thương hiệu, niêm phong và đủ tiêu chuẩn vàng 4 số 9.
Không chỉ các thương hiệu vàng phi SJC mà ngay cả SJC cũng đã sản xuất những chiếc nhẫn loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Có thể thấy, việc lách luật cấm bán vàng miếng bằng vàng trang sức chỉ là hệ lụy tất yếu của chủ trương độc quyền vàng miếng, là biện pháp đối phó chính sách của các doanh nghiệp.
Hiện nay, cùng với việc cấp phép cho một số đơn vị, NHNN cũng ban hành thông tư mới, trong đó quy định, kể từ ngày 10-1-2013, trạng thái vàng cuối ngày của các TCTD không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm.
Trạng thái vàng được tính vào thời điểm cuối ngày làm việc là số dư vàng miếng phát sinh từ hoạt động mua - bán vàng, được quy đổi sang VNĐ theo giá vàng quy đổi. Thông tư này nhằm giúp các NHTM phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng, cũng như bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, hạn chế tình trạng đầu cơ vàng gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh quy định về trạng thái vàng, NHNN cần có cơ chế giám sát việc thực hiện của các NHTM, đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng, tránh tình trạng lợi dụng quyền được kinh doanh vàng miếng tạo giá ảo, gây lũng đoạn thị trường vàng.
Sẽ kiểm soát nghiêm vàng trang sức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến ban hành quy định mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Theo đó, các cửa hàng muốn hoạt động tiếp phải đăng ký lại và từng sản phẩm vàng trang sức sẽ phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời giao dịch mua bán vàng trang sức đều phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới, NHNN cũng sẽ thực hiện những quy định đã đưa ra trong Nghị định 24 và Thông tư 16 về quản lý thị trường vàng. Theo đó, các hộ cá thể sẽ không được tham gia vào lĩnh vực này. Những cửa hàng muốn tiếp tục kinh doanh sẽ phải thực hiện đăng ký lại. Thực tế hiện nay số lượng địa điểm, cửa hàng kinh doanh vàng trang sức trên cả nước rất lớn, do đó việc quản lý cũng sẽ rất khó khăn. Nhận xét về kế hoạch trên của NHNN, đại diện một doanh nghiệp lớn cho rằng việc quản lý kinh doanh vàng trang sức sẽ khó khả thi. Để quản lý được, NHNN phải đưa ra những tiêu chuẩn về vàng hay việc chế tác trang sức, vốn không nằm trong chức năng của cơ quan này. "Khác với vàng miếng vừa có thể coi là hàng hóa, vừa có thể coi là tiền tệ, vàng trang sức đúng nghĩa là hàng hóa. Trong khi đó, việc quản lý hàng hóa là chức năng của Bộ Công Thương. Vì thế, nếu NHNN quản lý có thể gây ra sự chồng chéo lẫn nhau” - vị này nói. Tuy nhiên, NHNN cho rằng việc đưa hệ thống này vào khuôn khổ là điều sớm muộn cũng phải làm. 2 cái lợi lớn nhất từ việc quản lý trên là NHNN sẽ thu được thuế và khách hàng có thể mua bán ở những nơi được Nhà nước đảm bảo. Nếu được thực hiện, việc đưa vàng trang sức vào khuôn khổ sẽ là động thái tiếp theo trong nỗ lực quản lý thị trường vàng của NHNN sau vàng miếng. T. Mai |